Chi tiết bài viết

4 căn bệnh về mắt có thể gây mù và mất thị lực

Các nhà nghiên cứu cho biết đến năm 2050, số người mù có thể sẽ lên đến 115 triệu người, với 588 triệu người bị hạn chế thị lực. Gánh nặng lớn nhất là ở các nước đang phát triển, theo một nghiên cứu về dữ liệu từ 188 quốc gia.

Trung bình cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù. Còn tại nước ta, thống kê cho thấy, tỷ lệ mù hai mắt trung bình tại Việt Nam đang là 6/1.000 người. Riêng nhóm người trên 50 tuổi, có trên 2,2 triệu người bị tổn hại chức năng thị giác. Đây là những con số đáng báo động về bệnh mắt trong những năm gần đây.

Đáng chú ý, trước đây bệnh mắt thường được xem là đặc trưng của tuổi già nhưng hiện không ít người trẻ, mới bước sang tuổi 30 nhưng “tuổi của mắt” đã già hóa, lên đến độ tuổi 40, 50 và nguy cơ bệnh lý đến rất sớm.

Chúng ta cùng điểm qua 4 căn bệnh thường gặp có nguy cơ gây mù và mất thị lực nhất ở Việt Nam:

1. Bệnh đục thuỷ tinh thể (cườm khô cataract)

– Đục thuỷ tinh thể là quá trình lão hoá tự nhiên ở mắt, tuổi càng cao thuỷ tinh thể càng mất dần sự trong suốt. Theo thống kê năm 2015 của Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y Tế, 80% người bị đục thuỷ tinh thể tuổi trên 50.

– Khi thuỷ tinh thể bắt đầu bị đục, người bệnh sẽ cảm nhận được sự thay đổi về màu sắc, chói sáng khi ra nắng, nhìn mọi vật thấy mờ và tối hơn mắt thường hoặc thấy có vật cản trước mắt.

Cataracts

Thị lực mắt đục thủy tinh thể

– Về điều trị, Phaco là phương pháp phổ biến và tiên tiến hiện nay. Thay thuỷ tinh thể nhân tạo giúp ánh sáng tập trung tốt ở vùng hoàng điểm. Tuy nhiên thị lực sau phẫu thuật còn do thần kinh thị giác quyết định. Nếu thần kinh thị giác còn tốt, mắt sẽ thấy rõ như trước.

2. Bệnh lý võng mạc tiểu đường (diabetic retinopathy)

– Bệnh võng mạc tiểu đường là tổn thương trên võng mạc do bệnh tiểu đường gây nên, làm cho các mạch máu ở võng mạc sưng phồng và rỉ máu. Hầu hết các trường hợp sẽ có bệnh lý võng mạc tiểu đường ở người đã có đường huyết cao trên 10 năm.

– Ở thời kỳ đầu, có thể người bệnh không thấy rõ triệu chứng gì hoặc chỉ thấy nhìn mờ. Các thời kỳ sau, thị lực sẽ kém dần, có điểm mù hoặc thấy có hiệu ứng ruồi bay. Nhưng cũng không nên cho là thị lực còn tốt nghĩa là võng mạc hoàn toàn tốt.

 – Việc điều trị sớm có thể làm chậm sự phát triển của bệnh lý võng mạc tiểu đường, chứ không phải khôi phục thị lực đã mất đi. Kể cả người có đường huyết cao đang được kiểm soát vẫn có thể có bệnh lý võng mạc tiểu đường, vì thế người bệnh vẫn cần khám định kỳ tối thiểu hàng năm.

3. Bệnh cườm nước (glaucoma)

– Glaucoma là một trong những bệnh mắt gây tổn hại cho thần kinh thị giác, gây mù loà đứng hàng thứ hai thế giới, sau bệnh đục thuỷ tinh thể.

Biểu hiện bệnh lý mắt

– Hầu hết các trường hợp bệnh glaucoma thời kỳ đầu không bị đau và cũng không có triệu chứng rõ rệt, nên khoảng nửa số bệnh nhân không hề biết mình đang có bệnh, cho đến khi mất thị lực đáng kể , thần kinh thị giác đã bị tổn hại một mức độ nhất định. Nếu không được điều trị và kiểm soát, glaucoma sẽ làm mất thị lực chu biên và dần dần dẫn đến bị mù.

4. Bệnh thoái hoá hoàng điểm (age-related macular denegeration amd)

– Thoái hoá hoàng điểm tuổi già là sự thoái hoá vùng hoàng điểm – phần quan trọng nhất của võng mạc cho ta nhìn rõ nét hoạt động kém dẫn đến tình trạng mất thị lực và đó cũng là nguyên nhân gây mù loà hàng đầu ở người trên 65 tuổi.

– AMD gây mất thị lực chậm và ít có cảm giác, trường hợp hiếm có thể mất thị lực đột ngột. Bệnh nhân thấy khó nhìn rõ mặt người đối diện nhất là phần trung tâm, nhìn đường thẳng thành đường cong. Đối với dạng khô sự thoái hoá tiến triển chậm , thị lực giảm từ từ. Còn ở dạng ướt, thị lực giảm nhanh. Do đó trường hợp có AMD dạng ướt cần được điều trị sớm và theo dõi liên tục để ngăn chặn sự phát triển của bệnh, duy trì thị lực.

Nguồn: Bệnh viện mắt Cao Thắng