Chi tiết bài viết

Bệnh hoại tử chỏm xương đùi

Khi chỏm xương đùi đã hư hoàn toàn thì biện pháp cuối cùng là nên thay khớp háng. Thay khớp háng sẽ giúp bệnh nhân đi lại dễ dàng, không đau. 

Hoại tử chỏm xương đùi là gì?

Đây là một trong những bệnh thường gặp ở khớp háng. Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi thanh niên hoặc trung niên (30 – 60 tuổi).

Tên chính xác của bệnh này là Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi hay còn gọi là hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, là tình trạng chỏm xương đùi bị phá hủy do thiếu nuôi dưỡng. Tình trạng này xảy ra khi sự cung cấp máu cho chỏm xương đùi kém đi do nhiều nguyên nhân khác nhau và hậu quả là chỏm xương đùi bị thiếu máu nuôi, từ đó dẫn đến hoại tử tổ chức xương và sụn. Vùng tổ chức hoại tử lúc đầu tạo ra các vùng thưa xương, các ổ khuyết xương, về sau dẫn tới gãy xương dưới sụn, cuối cùng gây ra xẹp chỏm xương đùi, thoái hóa thứ phát và gây mất chức năng của khớp háng dẫn tới tàn phế. Vì tình trạng hoại tử này do thiểu dưỡng, không do vi khuẩn nên gọi là hoại tử vô khuẩn. 

Nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng của bệnh:

Về nguyên nhân gây bệnh, có thể chia thành 2 nhóm chính:

  • Do chấn thương: do trật khớp hoặc do gãy đầu trên xương đùi.
  • Không do chấn thương: lạm dụng rượu, dùng corticoide lâu ngày, bệnh khí ép (ở thợ lặn, công nhân hầm mỏ), bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh tắc mạch tự phát. Trong đó, rượu và việc dùng thuốc corticosteroid để điều trị những bệnh về khớp, chiếm 2/3 nguyên nhân gây hoại tử chỏm xương đùi không do chấn thương.

Triệu chứng lúc bệnh khởi phát rất kín đáo, đau vùng khớp háng, đau có thể lan xuống đùi, đôi khi đau lan xuống khớp gối làm dễ lầm tưởng là đau khớp gối. Ban đầu đau khi đi lại, về sau khi bệnh tiến triển nặng hơn thì đau cả khi nghỉ ngơi và giảm biên độ vận động của khớp háng, dẫn đến không đi được nữa..

Chẩn đoán và điều trị thế nào?

Việc chẩn đoán thường dựa trên lâm sàng và X quang, tuy nhiên ở giai đoạn sớm X quang thường qui không phát hiện sớm được mà phải cần tới phim MRI cho phép thấy các tổn thương xương sớm. Ở giai đoạn này có thể điều trị bệnh bằng các phương pháp như tập vật lý trị liệu, dùng thuốc giảm đau khi đau nhiều, hạn chế lao động nặng hay thể thao nặng.

Khi chỏm xương đùi đã hư hoàn toàn thì biện pháp cuối cùng là nên thay khớp háng. Thay khớp háng sẽ giúp bệnh nhân đi lại dễ dàng, không đau. 

Phát hiện sớm và phòng bệnh

Từ những minh chứng trên có thể thấy, hoại tử chỏm xương đùi là căn bệnh có thể điều trị được nếu được phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác. Người bệnh cần kiểm tra sớm nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở vùng khớp háng.

Thêm nữa, phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo là một loại phẫu thuật khó, phức tạp, đòi hỏi điều kiện trang thiết bị hiện đại, phòng mổ vô trùng tuyệt đối, và nhất là trình độ chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật cần được đào tạo bài bản và chuyên sâu cho loại phẫu thuật này. Phẫu thuật sớm giúp bệnh nhân nhanh chóng trở lại với sinh hoạt và công việc bình thường.

Nguồn: Bệnh viện Quốc tế City