Chi tiết bài viết

Bệnh lao lây như thế nào?

Bệnh lao được biết đến là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của con người. Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

1. Các thể lao phổi

Đối với bệnh lao ở phổi thường có hai thể chính, bao gồm:

  • Lao phổi: là dạng thể lao phổ biến nhất, chiếm tới 80% các trường hợp bị lao. Khi xét nghiệm đờm của những người bị thể lao này sẽ phát hiện ra vi khuẩn lao. Dạng lao này rất dễ lây lan sang cho người khác.

Lao ngoài phổi: bao gồm lao màng phổi, lao màng bụng, lao màng não, lao xương khớp hoặc lao hệ sinh dục. Thể lao này thường không gây bệnh cho người khác.

2. Bệnh lao lây truyền như thế nào?

Đa số các bệnh lao đều có thể gây lây nhiễm, đặc biệt là bệnh lao phổi nếu xảy ra hiện tượng phát tán vi khuẩn từ người bị nhiễm bệnh vào trong không khí. Hầu hết các vi khuẩn lao được đưa ra ngoài thông qua hành động ho, hắt hơi, khạc hoặc thậm chí là nói chuyện. Những người bình thường chỉ cần hít phải một vài giọt bệnh phẩm nhỏ li ti trong không khí cũng có thể bị nhiễm bệnh.

Khi vi khuẩn lao đã xâm nhập được vào cơ thể, bệnh sẽ diễn biến theo 2 giai đoạn, gồm lao nhiễm và lao bệnh. Giai đoạn lao nhiễm là khi vi khuẩn mới xâm nhập vào cơ thể, nhưng chúng chưa hoạt động ngay mà đợi cho tới khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu và không còn đủ sức chống cự nữa. Khi đó, chúng sẽ phát triển mạnh mẽ và tiếp tục sinh sôi, tấn công vào các hạch bạch huyết. Lúc này, người bệnh chuyển sang giai đoạn nguy hiểm hơn là lao bệnh, các triệu chứng xuất hiện ngày một rõ rệt và có nguy cơ cao gây lây nhiễm cho những người xung quanh.

Theo thống kê cho thấy, các trường hợp bị nhiễm lao trở thành lao bệnh chỉ chiếm khoảng 10%, đối với những người bị nhiễm HIV/AIDS sẽ tăng lên tới 30%. Khoảng 80% các trường hợp xuất hiện lao bệnh là khoảng 2 năm đầu sau khi nhiễm lao. Tuy nhiên, bệnh lao cũng có thể xảy ra ngay trong giai đoạn nhiễm lao. Trẻ em là đối tượng dễ bị mắc bệnh nhất. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, vi khuẩn lao sẽ tấn công vào trong máu, gây tổn thương nghiêm trọng tới các cơ quan khác như hạch, màng não, xương khớp,.. nặng nhất là lao kê. Ngoài trẻ nhỏ, những người lớn tuổi cũng có nguy cơ cao dễ bị mắc các bệnh lao thể nặng.

3. Bệnh lao lây truyền qua đường nào?

Các chuyên gia hô hấp cho biết bệnh lao thường lây truyền thông qua các con đường sau:

*Đường hô hấp:

Đây được xem là con đường lây nhiễm bệnh lao từ người sang người nhanh nhất và gần nhất. Người khỏe mạnh sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với người bị bệnh lao khi cười đùa, nói chuyện. Vi khuẩn lao sẽ xâm nhập vào cơ thể người bình thường thông qua các hành động ho, hắt hơi, khạc nhổ của người bệnh.

*Qua cọ xát:

Bệnh lao cũng có thể lây truyền sang cho người khác thông qua vết xước hay vết thương hở khi cọ xát. Vì vậy, nếu không may tiếp xúc cọ xát với vết thương của người bị bệnh, bạn không nên chủ quan mà phải tới ngay cơ sở y tế để thăm khám.

*Đường sinh hoạt:

Nếu bạn sinh hoạt chung như sống, ăn hoặc dùng chung bát đũa, khăn mặt với người bị bệnh lao thì nguy cơ lây nhiễm bệnh sẽ rất cao. Tỷ lệ lây nhiễm bệnh sẽ tăng cao khi có điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

*Truyền từ mẹ sang con:

Hầu hết các trường hợp bị bệnh lao của trẻ nhỏ đều lây truyền từ mẹ sang con. Nếu mẹ bị mắc bệnh lao, cần được theo dõi kỹ lưỡng và tuân theo các chỉ định của bác sĩ để hạn chế tối đa nguy cơ lây truyền bệnh.

*Đường tình dục:

Thực tế, bệnh lao không lây truyền qua đường tình dục, tuy nhiên khi quan hệ, hai người sẽ phát sinh các hành vi như hôn sâu, trao đổi tuyến nước bọt khiến cho bạn tình dễ bị lây bệnh. Vì vậy, để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh, bạn nên hạn chế quan hệ tình dục trong thời gian này, có thể quan hệ nhưng không nên hôn.

4. Bệnh lao có lây qua đường ăn uống không?

Nhiều người băn khoăn rằng liệu bệnh lao có lây truyền qua đường ăn uống hay không? Câu trả lời là có. Bởi vì khi dùng chung bát đĩa hay ăn chung thức ăn với người bệnh lao, bạn sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn lao và hình thành nên bệnh.

Vi khuẩn thường tồn tại rất mạnh mẽ và dẻo dai ở bất kỳ môi trường nào. Vì thế, bạn nên dùng nước rửa chén để tiêu diệt sạch chúng. Tốt nhất, nên cách ly với người bệnh lao như ăn riêng, ngủ riêng cho tới khi họ hết bệnh.

Việt Nam hiện đang sử dụng vắc xin BCG cho việc tiêm phòng bệnh lao ở trẻ em. Để vắc xin phòng lao mang lại kết quả tối ưu nhất, cần phải tiến hành tiêm phòng lao càng sớm càng tốt.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec