Chi tiết bài viết

Các biến chứng quai bị thường gặp nhất

Quai bị là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan qua đường hô hấp, nếu không biết cách phòng tránh và điều trị đúng, quai bị có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như: Viêm tinh hoàn ở nam, viêm buồng trứng ở nữ và những tổn thương thần kinh. Hiện tại, biện pháp tiêm phòng vacxin là việc cần thiết giúp cơ thể chống lại virus quai bị.

1. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh quai bị

Viêm tinh hoàn ở nam giới

Khi mắc quai bị, người bệnh có biểu hiện như tinh hoàn sưng to, đau, đồng thời mào tinh căng, tình trạng diễn ra trong vòng 3 – 7 ngày. Một số trường hợp tinh hoàn bị teo dần, dẫn đến chất lượng tinh trùng giảm, gây vô sinh. Vì vậy, không nên lơ là việc điều trị khi mắc bệnh để tránh tình trạng bệnh kéo dài dẫn đến hậu quả không đáng có.

Viêm buồng trứng ở nữ

Nữ giới mắc quai bị có thể bị viêm buồng trứng, nhưng tỉ lệ biến chứng thấp, không ảnh hưởng nghiêm trọng gây vô sinh. Tuy nhiên phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu bị quai bị sẽ có nguy cơ cao thai nhi bị dị tật bẩm sinh hoặc sảy thai. Nếu mắc quai bị khi mang thai ở 3 tháng cuối rất có khả năng sinh non hoặc thai chết lưu.

Vì vậy, phụ nữ trước khi mang thai cần tiêm phòng đầy đủ các vacxin phòng bệnh. Những bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm trong thai kỳ.

Nhồi máu phổi

Đây là biến chứng quai bị ở nam giới trong độ tuổi sau dậy thì. Tình trạng một vùng phổi bị thiếu máu nuôi dưỡng, có thể dẫn đến hoại tử mô phổi. Nhồi máu phổi là biến chứng có thể xảy ra sau viêm tinh hoàn do quai bị vì hậu quả của huyết khối từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến.

Viêm màng não

Người bệnh sẽ có những biểu hiện như: Nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, rối loạn thị giác…..Tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh.

Viêm tụy

Tỷ lệ biến chứng xảy ra thấp, bệnh nhân khi có biến chứng thường sẽ bị đau bụng nhiều, buồn nôn, tụt huyết áp.

Ngoài ra, theo nghiên cứu còn cho thấy một số biến chứng khác của quai bị của bệnh quai bị gây nên: Viêm cơ tim, viêm thanh khí phế quản, viêm tuyến giáp, xuất huyết do giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng gan, tắc ống dẫn tuyến nước bọt,…

2. Biện pháp phòng ngừa bệnh quai bị lây lan

Nên cách ly người mắc bệnh ở nhà, hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh, khi tiếp xúc thì phải mang khẩu trang. Thời gian cách ly người bệnh khoảng 10 ngày kể từ khi sưng tuyến mang tai. Đồng thời thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ hằng ngày. Vệ sinh sạch đường hô hấp bằng cách súc miệng với dung dịch nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn. Sử dụng thuốc hạ sốt và giảm đau toàn thân.

Trường hợp bệnh nhân bị viêm tinh hoàn nên sử dụng quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau, nghỉ ngơi là chủ yếu, hạn chế vận động. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc cụ thể.

Mỗi người đều có thể tự phòng ngừa bệnh quai bị dễ dàng bằng tiêm vacxin phòng quai bị. Với trẻ em, nên tiêm phòng quai bị khi trẻ 12 tháng tuổi hay khi trẻ chuẩn bị đi nhà trẻ, mẫu giáo hay tiểu học. Thường liều tiêm ngừa bệnh quai bị gồm 2 liều, liều đầu lúc 12 tháng và liều lặp lại lúc 4-6 tuổi. Người trưởng thành hay bà bầu chuẩn bị mang thai cũng có thể phòng ngừa quai bị.

Việc tiêm phòng chỉ có thể giúp phòng bệnh được khoảng 80% trường hợp lây nhiễm virus gây bệnh. Chính vì vậy, phòng bệnh tránh lây lan là việc làm rất cần thiết ở cả người đã tiêm vacxin phòng bệnh.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec