Chi tiết bài viết

Các nguyên nhân gây hẹp đường mật

Hẹp đường mật (hẹp ống mật) gồm hẹp đường mật bẩm sinh và hẹp đường mật thứ phát hình thành do các bệnh lý khác. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường như viêm đường mật, áp xe gan, xơ gan mật thứ cấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và thậm chí là tính mạng của bệnh nhân.

1. Hẹp đường mật là gì?

Mật là chất dịch được gan sản xuất, có chức năng giúp cơ thể tiêu hóa các chất béo. Mật được bài tiết qua các ống mật (mật quản) và được dự trữ trong túi mật. Mật sẽ tiết vào ruột non sau các bữa ăn có chất béo. Quá trình bài tiết mật được điều tiết bởi cơ vòng (cơ Oddi) nằm ở vị trí tiếp giáp giữa ống mật chủ và tá tràng (ruột non).

Hẹp đường mật là tình trạng lâm sàng phổ biến hiện nay, dẫn tới viêm, tắc nghẽn các đường ống dẫn mật từ gan vào ruột non. Mật trào ngược vào gan vì không được lưu thông một cách bình thường (ứ mật), gây phá hủy tế bào gan, thay bằng mô sẹo, dẫn tới tình trạng vàng da và xơ gan. Tình trạng tạo sẹo trong gan càng làm cản trở dòng máu đi qua gan, tạo nhiều sẹo hơn nữa, làm suy giảm chức năng gan nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hẹp đường mật còn có thể dẫn tới biến chứng viêm đường mật cấp, áp xe gan, suy gan và xơ gan mật thứ cấp.

2. Nguyên gây gây hẹp đường mật

2.1 Hẹp đường mật bẩm sinh

Hẹp đườn mật bẩm sinh là bệnh lý đường mật chỉ ảnh hưởng tới trẻ sơ sinh. Ở những bệnh nhân này, đường mật bị viêm và bị chặn ngay sau khi sinh. Việc phân loại hẹp ống mật bẩm sinh dựa trên việc hệ thống đường mật ngoài gan bị hẹp ở vị trí nào: hẹp ở ống mật chủ, hẹp lên đến ống gan chung hay hẹp lên đến rốn gan (phổ biến nhất).

Nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ hẹp đường mật bẩm sinh thường là:

  • Một khiếm khuyết trong quá trình phát triển ống mật, đặc biệt là ở những người có những bất thường khác;
  • Phát sinh trong giai đoạn chu sinh do một nguyên nhân bên ngoài như: nhiễm virus hepatotropic, reovirus 3, nhiễm cytomegalovirus bẩm sinh và tự miễn dịch;
  • Do tiếp xúc với aflatoxin B1 và ​​ở mức độ thấp hơn aflatoxin B2 trong những tháng cuối của thai kỳ;
  • Quốc tịch: Tỷ lệ hẹp đường mật cao nhất ở các nước châu Á, phổ biến hơn ở trẻ em Trung Quốc;
  • Giới tính: Hẹp ống mật phổ biến ở nữ giới hơn nam giới;
  • Tuổi tác: Hẹp đường mật là rối loạn duy nhất cho giai đoạn sơ sinh.

2.2 Hẹp đường mật thứ phát

Đây là tình trạng hẹp ống mật do ảnh hưởng bởi các nguyên nhân khác. Cụ thể là:

  • Bệnh ung thư: Ung thư tuyến tụy, ung thư túi mật, ung thư đường mật, ung thư gan và ung thư đại tràng;
  • Viêm tụy;
  • Tổn thương đường mật trong phẫu thuật cắt bỏ túi mật (chiếm 80% trong các trường hợp hẹp đường mật không do nguyên nhân ung thư);
  • Tổn thương đường mật sau phẫu thuật tuyến tụy, dạ dày, gan và phẫu thuật tĩnh mạch cửa;
  • Viêm xơ đường mật nguyên phát: Tình trạng viêm đường mật gây đau, ngứa da, vàng da và các triệu chứng khác;
  • Sỏi túi mật
  • Chấn thương bụng;
  • Biến chứng sau xạ trị;
  • Nguyên nhân khác: Mắc hội chứng Mirizzi, lupus ban đỏ hệ thống, lao, sử dụng các thuốc hóa trị liệu có thể gây hẹp ống mật, rối loạn chức năng cơ vòng Oddi hoặc hẹp nhú,…

Những bệnh nhân có nguy cơ cao bị hẹp đường mật nên thường xuyên kiểm tra gan, mật tại những bệnh viện lớn để được chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe của mình và có biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec