Chi tiết bài viết

Các tác dụng phụ có thể gặp sau ghép tế bào gốc

Ghép tế bào gốc để điều trị một số loại ung thư như ung thư hệ tạo máu (đa u tủy, bệnh bạch cầu, u lympho) có nguy cơ kèm theo một số vấn đề bất thường về sức khỏe. Tác dụng phụ sau ghép tế bào gốc có thể xuất hiện ngay sau khi hoàn thành ca ghép hoặc xuất hiện muộn sau một thời gian dài.

1. Tác dụng phụ ngay sau khi cấy ghép

1.1. Đau miệng và cổ họng

Viêm niêm mạc hay lở loét miệng là tác dụng phụ ngắn hạn có thể xảy ra do hóa trị và xạ trị khiến cho người bệnh bị đau nhiều ở hốc miệng hoặc cổ họng, nên việc ăn uống gặp khó khăn. Tình trạng này thường thuyên giảm dần sau vài tuần điều trị. Đối với người mắc bệnh ung thư, một chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò rất quan trọng. Nếu đau miệng và lở loét cổ họng gây cản trở cho bệnh nhân khi ăn hoặc nuốt, nhân viên y tế sẽ lên kế hoạch hỗ trợ nhằm giúp kiểm soát các triệu chứng của người bệnh. Giai đoạn sau ghép thường phải hỗ trợ dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch.

1.2. Buồn nôn và ói mửa

Trong tiến trình ghép tế bào gốc, việc hóa trị liều cao có thể gây buồn nôn và ói mửa nghiêm trọng, nên các bác sĩ thường chỉ định thuốc chống buồn nôn kết hợp với hóa chất điều trị để phòng ngừa. Việc dự phòng và ngăn ngừa tình trạng nôn ói ở bệnh nhân nên diễn ra xuyên suốt đợt hóa trị, từ trước khi bắt đầu cho đến sau liều hóa chất cuối cùng 7-10 ngày.Không có loại thuốc nào có khả năng kiểm soát buồn nôn và ói mửa do hóa trị đạt hiệu quả 100%. Do đó, bác sĩ thường dùng kết hợp hai hoặc nhiều loại thuốc với nhau. Bệnh nhân nên báo cho nhân viên y tế về tình trạng buồn nôn hoặc ói mửa của mình để có sự thay đổi nếu loại thuốc đang dùng không phát huy tác dụng.

1.3. Nhiễm trùng

Trong khoảng thời gian 6 tuần đầu tiên sau ca ghép, bệnh nhân rất dễ bị các nhiễm do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Thời gian này là lúc các tế bào gốc bắt đầu “mọc” lại ở tủy xương và tạo ra bạch cầu mới. Nhiễm trùng phổi là tình trạng thường gặp nhất, khiến cho người bệnh có biểu hiện sốt, ho và khó thở nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa và xử lý tình trạng này.

Phải mất từ 6 tháng đến một năm sau khi cấy ghép thì hệ thống miễn dịch của người bệnh mới hoạt động bình thường. Do đó, trong thời gian này người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ, hạn chế tối đa tiếp xúc với yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng. Khoảng 1 tuần trước và 2-3 tuần đầu tiên sau ghép, người bệnh cần phải nằm ở khu vực cách ly với điều kiện vô trùng gần như tuyệt đối. Nhân viên y tế và người nhà phải luôn rửa tay sạch sẽ, mặc đồ bảo hộ khi chăm sóc bệnh nhân, không mang hoa, thực phẩm tươi sống cũng như vật nuôi đến gần người bệnh.

1.4. Xuất huyết và truyền máu

Hồng cầu và tiểu cầu của người bệnh cũng hồi phục dần dần sau ghép tương tự quá trình hồi phục của các bạch cầu.

Các tế bào tiểu cầu có chức năng giúp đông máu. Trong ít nhất 3 tuần đầu sau khi cấy ghép, số lượng tiểu cầu thấp làm cho bệnh nhân dễ bị bầm tím và xuất huyết, chẳng hạn như chảy máu cam và chảy máu nướu răng.

Trước khi các tế bào gốc bắt đầu ổn định và hoạt động bình thường, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân tuân theo các biện pháp phòng ngừa đặc biệt để tránh các chấn thương và chảy máu. Nếu số lượng tiểu cầu và hồng cầu của bệnh nhân giảm xuống dưới một mức nhất định, họ sẽ được chỉ định truyền tiểu cầu hay hồng cầu nhằm giữ các tế bào này ở mức an toàn.

1.5. Các vấn đề về phổi

Tình trạng viêm phổi rất thường xảy ra trong vòng 100 ngày đầu sau ca ghép. Các bệnh nhiễm trùng hay nhiễm nấm phổi cũng khá phổ biến như đã đề cập ở trên. Ngoài ra, các bệnh lý liên quan đến phổi còn có nguy cơ xuất hiện trong vòng 2 năm sau khi bệnh nhân điều trị ung thư bằng ghép tế bào gốc

Khám lâm sàng, chụp X quang ngực và các xét nghiệm khác giúp phát hiện và chẩn đoán tình trạng của phổi. Nếu cảm thấy khó thở hoặc có bất kỳ vấn đề bất thường nào về hô hấp, bệnh nhân cần báo ngay với bác sĩ để được xử lý nhanh chóng.

1.6. Bệnh ghép chống chủ

Bệnh ghép chống chủ (“kháng ghép”) có thể xảy ra trong cấy ghép đồng loại (hay “dị thân”), khi bệnh nhân nhận các tế bào gốc mới từ một người hiến tặng khác. Hệ thống miễn dịch của người bệnh hầu như đã bị phá hủy bởi các đợt điều trị ung thư, vì vậy các tế bào gốc mới sẽ thay thế chức năng này.

Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch mới tái lập này cũng có thể tấn công luôn cả các cơ quan khỏe mạnh của bệnh nhân, chủ yếu là da, đường tiêu hóa và gan. Điều này làm suy giảm chức năng những bộ phận bị tấn công và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Do trong ghép dị thân luôn cần dùng thuốc chống thải ghép, nên tuy bệnh ghép chống chủ khá phổ biến nhưng thường sẽ không đe dọa đến tính mạng. Kháng ghép cấp tính bắt đầu ngay sau khi cấy ghép và kéo dài trong một thời gian ngắn. Kháng ghép mãn tính bắt đầu muộn hơn và kéo dài rất lâu.

1.7. Tắc tĩnh mạch gan

Tắc tĩnh mạch gan là một triệu chứng khá nghiêm trọng, phổ biến ở hình thức cấy ghép đồng loại, những bệnh nhân lớn tuổi có vấn đề về gan trước khi cấy ghép và bị kháng ghép cấp tính.

Tắc tĩnh mạch gan thường xảy ra trong khoảng 3 tuần điều trị với biểu hiện là:

  • Vàng da và mắt
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Đau phần dưới xương sườn phải (vị trí của gan)
  • Tăng cân nhanh chóng, chủ yếu là do chướng bụng

Đôi khi tình trạng này có thể dẫn đến suy gan và tử vong.

1.8. Ca ghép thất bại

Khi cơ thể bệnh nhân không chấp nhận các tế bào gốc mới, chúng không đi vào tủy xương và tạo ra tế bào máu thì được gọi là ghép thất bại. Tình trạng này xảy ra phổ biến khi bệnh nhân và người hiến tặng không phù hợp với nhau hoặc nguồn số lượng tế bào gốc được ghép quá thấp.

Một ca ghép thất bại có thể dẫn đến chảy máu nghiêm trọng và nhiễm trùng. Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng một liều tế bào gốc thứ hai trong trường hợp có sẵn nguồn. Ca ghép thất bại hiếm khi xảy ra, nhưng nếu chúng xuất hiện người bệnh có thể tử vong.

2. Tác dụng phụ lâu dài

Tác dụng phụ sau ghép tế bào gốc chữa ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như:

  • Hình thức cấy ghép
  • Phác đồ điều trị
  • Sức khỏe của bệnh nhân
  • Tuổi của bệnh nhân khi cấy ghép
  • Thời gian và mức độ ức chế hệ thống miễn dịch
  • Tình trạng ghép chống chủ
  • Các loại thuốc khác được sử dụng trong quá trình cấy ghép

Điều trị ung thư bằng ghép tế bào gốc có những tác dụng phụ dài hạn sau:

  • Tổn thương cơ quan nội tạng
  • Tái phát ung thư
  • Ung thư thứ phát (ung thư khác mới xuất hiện sau ghép)
  • Sự phát triển bất thường của các mô bạch huyết
  • Vô sinh
  • Thay đổi nội tiết tố, chẳng hạn như tuyến giáp hoặc tuyến yên
  • Đục thủy tinh thể

Các loại thuốc được sử dụng trong cấy ghép có thể gây hại đến những cơ quan của cơ thể, như tim, phổi, thận, gan, xương khớp và hệ thần kinh. Bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận và điều trị tích cực các vấn đề liên quan đến tổn thương nội tạng lâu dài do liệu pháp ghép tế bào gốc gây ra.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec