Chi tiết bài viết

Chăm sóc người bệnh Tiểu đường đúng cách

Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) là một loại bệnh về nội tiết do rối loạn chuyển hóa chất đường trong máu, khiến cho lượng đường trong máu luôn ở mức cao.

Theo các bác sĩ, vấn đề then chốt phòng ngừa biến chứng tiểu đường là: Kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp, mỡ máu, chế độ dinh dưỡng, vận động, tầm soát biến chứng, kiểm soát cân nặng, sử dụng thuốc đúng cách.

Hiện nay, bệnh tiểu đường không được điều trị dứt điểm ngoại trừ việc ghép tụy. Như vậy, người bệnh tiểu đường cần phải có kế hoạch chung sống “hòa bình” cùng bệnh lý này. Bệnh tiểu đường thông thường có hai dạng hay gặp là tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Trong đó, phổ biến nhất là tiểu đường tuýp 2 (chiếm 90- 95%). Nếu không được kiểm soát hiệu quả, bệnh tiểu đường sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. 

Chế độ dinh dưỡng

Sau khi phát hiện bị tiểu đường, phần lớn người bệnh ngay lập tức thực hiện chế độ ăn kiêng quá mức. Điều này không cần thiết, thậm chí là không khoa học và tạo căng thẳng cho cơ thể. Chúng ta cần dành thời gian để cơ thể thích nghi dần dần với chế độ ăn mới. Do đó, nếu bạn đang có thói quen ăn uống chưa tốt, hãy từ từ điều chỉnh để đạt được thói quen ăn uống lành mạnh. Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp kiểm soát đường huyết, giảm nguy cơ bệnh tim mạch, giảm cholesterol máu và nên duy trì cân nặng lý tưởng hoặc giảm cân để đạt được cân nặng lý tưởng nếu dư cân hay béo phì. Khẩu phần ăn hàng ngày cần đảm bảo bữa ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng: chất đạm, béo, bột đường, vitamin, muối khoáng, chất xơ…

Thực phẩm nên dùng

  • Nhóm tinh bột: các loại ngũ cốc thô, sơ chế, không có hoặc ít đường. Cách chế biến chủ yếu là luộc, nướng hoặc hầm, hạn chế chiên xào. Hạn chế: gạo trắng, các sản phẩm ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng, bắp rang bơ …
  • Rau: bệnh nhân nên ăn các loại rau tươi, cải xoăn, cải bó xôi, xà lách rocket, xà lách. Ăn sống hoặc hấp, luộc, hạn chế chiên xào. Hạn chế ăn các loại rau củ đóng hộp chứa nhiều muối, rau chế biến với bơ, phô mai; dưa chuột muối, dưa muối chua.
  • Trái cây: Nên ăn trái cây tươi, trái cây đông lạnh/đóng hộp ít đường, các loại mứt ít đường, các loại sốt trái cây ít đường. Hạn chế dùng trái cây đóng hộp chứa nhiều đường, các loại mứt/ thạch nhiều đường, các loại sốt trái cây nhiều đường, nước ép trái cây đóng hộp/chai. 
  • Nhóm đạm: Nên dùng đạm thực vật như các loại đậu, hạt, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành; cá và hải sản; thịt gà và thịt gia cầm; trứng và sữa ít béo. Hạn chế: cá, thịt chiên/nướng, thịt xông khói, phô mai, da gà/gia cầm, đậu hũ chiên, mỡ động vật.
  • Sữa: nên dùng sữa ít béo/ không béo, sữa chua ít béo/ không béo, phô mai ít béo. Hạn chế: sữa nguyên chất, sữa chua có đường, phô mai, kem.
  • Chất béo: nên chất béo có nguồn gốc thực vật từ các loại hạt, trái bơ; các loại thực phẩm cung cấp omega-3 như cá hồi, cá thu, cá ngừ; các loại dầu thực vật như dầu oliu, dầu từ hạt nho, dầu từ hạt cải. Hạn chế: chất béo nhân tạo, chất béo có nguồn gốc động vật.
  • Thức uống: nước, nước suối, nước khoáng thiên nhiên, trà không đường, một lượng vừa phải rượu vang, một lượng vừa phải cà phê đen, ít đường. Hạn chế: nước uống có gas, rượu, bia, trà có đường, cà phê sữa/ nhiều đường, nước tăng lực, nước trái cây hỗn hợp.

Chế độ vận động

Hãy chọn môn thể thao bạn yêu thích, phù hợp với khả năng của bản thân và duy trì thường xuyên 30 – 45 phút/ngày, 05 ngày/tuần. Một số môn thể thao thích hợp với người bệnh tiểu đường: khiêu vũ, yoga, đi bộ, bơi lội.

Kiểm soát cân nặng: Bệnh nhân tiểu đường cần duy trì chỉ số khối cơ thể BMI<23kg/m2 (Đối với người Châu Á).

Chế độ thuốc: Căn cứ vào loại bệnh lý (tuýp 1/tuýp 2) và các bệnh lý khác đi kèm: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu … bác sĩ sẽ chỉ định thuốc phù hợp. Việc dùng thuốc phải đúng chủng loại, liều lượng theo toa của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý thay đổi loại thuốc, dùng toa thuốc của người bệnh khác hay tự ý thêm bớt số lượng thuốc.

Tầm soát biến chứng

Bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát hiệu quả sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Biến chứng cấp tính: hôn mê. Biến chứng mạn tính: Bệnh võng mạc (mắt); Tim mạch: bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim; Bệnh thận: suy thận; Bệnh lý thần kinh: tê chân, tê tay; Nhiễm trùng: loét chân, vết thương lâu lành.  

Bệnh nhân tiểu đường cần được thăm khám bác sĩ định kỳ để kiểm tra xem đã kiểm soát tốt đường huyết hay chưa và để được tầm soát biến chứng và sớm có biện pháp điều trị kịp thời.

Nguồn: Bệnh viện Quốc tế City