Chi tiết bài viết

Chẩn đoán và điều trị đột quỵ chảy máu não

Đột quỵ chảy máu não đã chiếm khoảng 15 – 20% trên tổng số những bệnh nhân bị đột quỵ não tại nước ta. Đây là căn bệnh nguy hiểm, gây nhiều biến chứng nặng nề cho bệnh nhân nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

1. Biểu hiện đột quỵ chảy máu não

Dấu hiệu lâm sàng điển hình của bệnh nhân bị chảy máu não đó là bệnh khởi phát vô cùng đột ngột, xuất hiện những dấu hiệu tiêu biểu như: Đau đầu, nôn, hoặc có thể bị rối loạn ý thức (lú lẫn, u ám, hôn mê), có thể kèm theo liệt vận động, rối loạn nhịp thở, tăng tiết đờm dãi, đặc biệt rối loạn ý thức thường gặp chủ yếu ở những bệnh nhân xuất hiện ổ máu tụ lớn, ở sâu gần đường giữa.

Những trường hợp máu tràn vào não thất, dựa vào khối lượng máu chảy có thể xảy ra tình trạng hôn mê sâu cùng với những biểu hiện như: Co giật, nôn, duỗi cứng mất não, rối loạn hô hấp nặng nề, huyết áp tăng nhanh chóng rồi lại hạ dần… Đặc biệt chú ý, hầu như bệnh nhân sẽ tử vong rất sớm, ngay trong 24 giờ đầu tiên.

Đối với những trường hợp bị nhẹ hơn, tình trạng hôn mê có thể giảm dần, sau khi bệnh nhân thoát khỏi hôn mê thì hầu như ý thức sẽ được hồi phục theo thời gian nhưng cũng có thể để lại những rối loạn ý thức đặc trưng.

Những bệnh nhân có các ổ máu tự nhỏ sẽ có diễn biến lâm sàng đơn giản, thuận lợi hơn, triệu chứng thần kinh được hồi phục dần và ổ máu tụ tự hấp thu, để lại rất ít di chứng nguy hiểm.

2. Chẩn đoán đột quỵ chảy máu não

2.1 CT scan não

CT scan não là tiêu chuẩn chính trong chẩn đoán chảy máu não, CT scan não còn giúp đánh giá được chảy máu não tiến triển như thế nào trong 6 giờ đầu.

Theo nghiên cứu, trong vòng 7 ngày đầu, quanh vùng ổ máu tụ sẽ có quầng phù nề xuất hiện, nguyên nhân là do sự thoái hóa hemoglobin và phù não, cùng với tổn thương tế bào thần kinh, những đại thực bào, bạch cầu trung tính.

Sau đó, từ ngày thứ 7-14, ổ máu tích tụ sẽ tiêu dần, từ ngày thứ 15- 22, ổ máu tụ hoàn toàn có thể đồng tỷ trọng cùng với tổ chức não của người bệnh. Và sau 3 đến 4 tuần thì ổ máu tụ sẽ tiêu đi, và để lại những ổ dịch hoá, trên phim chụp của máy cắt lớp vi tính thấy được ổ bắt đầu giảm tỷ trọng và nhỏ hơn ổ máu tụ cũ hoặc có hình liềm, hình dấu phẩy.

2.2 Chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI)

Chụp cộng hưởng từ sọ não cũng có thể xác định hình ảnh bệnh lý của não rõ hơn, đặc biệt là những hình ảnh cắt dọc não, những ổ tổn thương ở vùng thân não hoặc hố sọ sau, phát hiện dị dạng mạch, hoặc hẹp tắc động mạch

2.3 Chụp mạch số hoá xoá nền (DSA)

Chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) đa số được chỉ định trong chẩn đoán, can thiệp vào phình động mạch não thông động-tĩnh mạch của màng cứng, thông động-tĩnh mạch cảnh tại xoang hang, dị dạng động-tĩnh của mạch não, hẹp-tắc những động mạch cảnh trong hoặc ngoài sọ, huyết khối tĩnh mạch não, những bệnh về các khối phát triển trong sọ.

3. Điều trị chảy máu não

Theo hướng dẫn của Hội Tim mạch học Việt Nam và Hội Đột quỵ Hoa Kỳ, những bệnh nhân chảy máu não sẽ điều trị tại Đơn vị Đột quỵ, Khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm đột quỵ hoặc Khoa Hồi sức tích cực thần kinh . Điều trị nội khoa: Chảy máu não nhu mô do tăng HA chính là một cấp cứu nội khoa, dó đó cần được xử trí cấp cứu nhanh chóng, kịp thời và toàn diện về mọi mặt theo những nguyên tắc sau:

  • Điều trị toàn diện cho bệnh nhân về tình trạng thần kinh và những chức năng sống (đảm bảo duy trì HA < 140/90mmHg cho người bệnh trong các giờ đầu nhập viện, thực hiện lưu thông đường thở…). Cần theo dõi thường xuyên để ngăn chặn sự tiến triển nhanh chóng của các khối máu tụ, đồng thời dự phòng, điều trị những biến chứng thần kinh nếu có (ví dụ như phù kẽ, cơn động kinh), những nhiễm khuẩn, loét nằm…, đồng thời dự phòng tái phát cho người bệnh, và phục hồi chức năng sớm.
  • Xử trí HA: Chảy máu não dao động trong khoảng 150-220 mmHg, không có các chống chỉ định điều trị, do đó hạ thấp HATT ≤140 mmHg là an toàn cho người bệnh (Classe I, mức A) và giúp cải thiện hậu quả các chức năng.
  • Theo dõi và xử trí ban đầu, chăm sóc theo hướng dẫn của nhân viên y tế với những bệnh nhân bị chảy máu não.
  • Xử trí glucose máu: Tiến hành theo dõi cùng với điều chỉnh glucose trong máu người bệnh nếu tăng hoặc giảm.
  • Điều trị sốt: Bệnh nhân bị chảy máu não có dấu hiệu sốt cao phải được điều trị theo chỉ thị của nhân viên y tế.

Chẩn đoán và điều trị đột quỵ chảy máu não kịp thời mang vai trò vô cùng quan trọng trong việc sơ cứu ban đầu và cứu sống bệnh nhân.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec