Chi tiết bài viết

Chữa sâu răng cho trẻ

Sâu răng là một trong những căn bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, nó chiếm tỷ lệ 30 – 50% ở các nước phát triển và đến 70% ở các nước đang phát triển. Nhiều ông bố, bà mẹ cho rằng, sâu răng sữa ở trẻ hoàn toàn không nguy hiểm vì đằng nào răng sữa cũng rụng đi khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy trẻ bị sâu răng khi còn nhỏ sẽ có nguy cơ bị sâu răng nhiều hơn khi lớn lên. Vậy nên, việc phòng ngừa và chữa sâu răng cho trẻ là việc làm rất quan trọng và có ý nghĩa trong việc giúp trẻ tránh được các vấn đề về răng miệng sau này.

Sâu răng sữa là bệnh răng miệng phổ biến ở trẻ nhỏ…

Nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ:

Có nhiều nguyên nhân gây hiện tượng sâu răng ở trẻ. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn có sẵn trong miệng tác động lên các loại thức ăn như đường, bột… đọng lại trên mặt răng, kẽ răng tạo thành axit, axit này làm tan rã men răng, tạo thành lỗ sâu. Ngoài ra, sâu răng ở trẻ còn có thể hình thành do thiểu sản men răng (nghĩa là men răng có nhiều lỗ hổng khiếm khuyết canxi). Răng sữa được hình thành từ khi bé còn là thai nhi trong bụng mẹ. Vì thế khi mang thai, người mẹ ăn uống thiếu canxi thì sau này men răng sữa của bé sẽ không chắc chắn. Do đó, dễ bị vi khuẩn tấn công và dễ gặp các vấn đề về răng miệng và sâu răng.

Ăn nhiều đồ ngọt và lười vệ sinh răng miệng là nguyên nhân hàng đầu gây sâu răng ở trẻ nhỏ.

Cách phòng tránh sâu răng ở trẻ:

Bảo vệ sức khỏe răng miệng và phòng tránh sâu răng cho trẻ có ý nghĩa rất quan trọng vì nó không chỉ giúp hạn chế nguy cơ về bệnh răng miệng khi trẻ trưởng thành mà nó còn giúp trẻ tự tin hơn với bạn bè và vui vẻ hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, trẻ nhỏ chưa thực sự ý thức được việc bảo vệ sức khỏe răng miệng. Vì thế, việc này phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm và trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Các ông bố, bà mẹ nên làm gương và tạo cho con mình thói quen vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách để trẻ chủ động hơn trong việc bảo vệ răng. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng và thói quen ăn uống cũng có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành sâu răng ở trẻ. Do vậy, chúng ta nên xây dựng thực đơn khoa học và chế độ ăn hợp lí dành cho trẻ. Nên hạn chế cho trẻ ăn các loại bánh kẹo, đồ ngọt, dùng các thức uống ngọt, hay dùng chất ngọt, đặc biệt là vào ban đêm.

Tạo cho trẻ thói quen vệ sinh răng miệng thường xuyên, đúng cách là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe răng miệng của bé

Chữa sâu răng cho trẻ

Để việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe răng miệng cho trẻ thực sự hiệu quả, ngoài việc chú ý phòng bệnh cho trẻ, chúng ta cũng nên cho trẻ đi khám răng theo định kì để theo dõi và điều trị bệnh răng miệng cho trẻ kịp thời.
Tùy theo độ tuổi và tình trạng sâu răng ở trẻ mà có phương pháp điều trị riêng. Nếu răng mới bị tổn thương hoặc lan nhẹ đến tủy răng mà vẫn có thể khắc phục được, các bác sỹ sẽ có những biện pháp can thiệp, làm sạch và trám răng hoặc chỉ định dùng kháng sinh điều trị để giữ lại răng sữa cho trẻ. Còn với những trường hợp nhiễm trùng sâu, các bác sỹ có thể sẽ quyết định nhổ răng sâu của trẻ và có biện pháp bảo vệ lỗ răng bị hổng. Tuy nhiên, để xác định được mức độ sâu răng và cách chữa sâu răng cho trẻ, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ tới khám nha khoa càng sớm càng tốt để được điều trị sớm nhất. Bởi sâu răng nếu không được điều trị kịp thời, sẽ khiến cho răng sâu bị hủy hoại toàn bộ và tủy răng cũng bị tổn thương, dẫn đến viêm tủy gây đau, nhức và có thể tiến triển đến hoại tử, vi khuẩn xâm lấn xương ổ răng và gây áp xe răng. Nhiễm trùng răng sữa có thể ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn sau này của trẻ. Một số trường hợp nhiễm trùng răng sữa có gây ra nhiễm trùng huyết hoặc nhiễm trùng vùng mặt.

Nguồn: Bệnh viện Đa Khoa Quốc tế Thu Cúc