Chi tiết bài viết

Cơ chế hình thành bệnh viêm tuyến giáp

Viêm tuyến giáp phá hủy các tế bào tuyến giáp, giải phóng FT3, FT4, TSH hạ thấp dẫn đến tình trạng nhiễm độc giáp. Sau đó, hấp thu iod và tổng hợp hormon giảm dần do tế bào tuyến giáp bị phá hủy rồi thấm nhuận đơn bào và đa nhân trung tính.

1. Viêm tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ ở dưới cổ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát quá trình chuyển hóa. Bệnh viêm tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp bị sưng dẫn đến tuyến giáp hoạt động quá mức (gọi là cường giáp) hoặc giảm hoạt động (gọi là suy giáp) tùy thuộc vào từng giai đoạn viêm.

Nguyên nhân viêm tuyến giáp là do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tế bào tuyến giáp, khiếm khuyết gen. Bên cạnh đó, một số nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh như:

  • Độ tuổi trung niên và giới nữ dễ bị viêm giáp Hashimoto hơn.
  • Nếu trong gia đình có người bị bệnh lý tuyến giáp hoặc các bệnh tự miễn khác thì bạn có nguy cơ bị viêm tuyến giáp.
  • Bị bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, tiểu đường type I, lupus ban đỏ toàn thân.

2. Cơ chế hình thành bệnh viêm tuyến giáp

Về cơ chế viêm tuyến giáp phá hủy các tế bào tuyến giáp, giải phóng FT3, FT4, TSH hạ thấp dẫn đến tình trạng nhiễm độc giáp. Sau đó, hấp thu iod và tổng hợp hormon giảm dần do tế bào tuyến giáp bị phá hủy rồi thấm nhuận đơn bào và đa nhân trung tính.

Các u hạt với các tế bào epithelioid bao quanh, tế bào khổng lồ nhiều nhân sẽ hiện diện và thấm nhuận mô sợi vào giai đoạn cuối.

Tuy tuyến giáp bị phá hủy nhiều trong giai đoạn toàn phát nhưng sau đó cấu trúc nhu mô học sẽ trở lại bình thường.

3. Phân loại viêm tuyến giáp và cách điều trị

3.1 Viêm tuyến giáp bán cấp

Viêm tuyến giáp bán cấp là loại viêm gây đau hay gặp nhất. Với triệu chứng:

  • Khởi phát là đau nhức người, họng, sốt nhẹ.
  • Sau đó xuất hiện sốt cao, đau vùng cổ, hạn chế vận động, khó nuốt, khó thở. Tuyến giáp sưng, mềm một bên sau đó lan sang bên kia.

Loại viêm tuyến giáp này thường tự khỏi, điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc theo hướng dẫn.

 

3.2. Viêm tuyến giáp sinh mủ

Viêm tuyến giáp sinh mũ do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Loại viêm giáp này thường xuất phát từ các nhiễm khuẩn lân cận, đường máu, ổ nhiễm khuẩn từ xa với các triệu chứng như:

  • Sưng tấy, đỏ một bên vùng trước cổ.
  • Tuyến giáp mềm, rất đau.
  • Người bệnh thường sốt cao, có thể rét run, tình trạng nhiễm trùng, khó nuốt, khó nói.

Loại viêm tuyến giáp này thường khỏi hoàn toàn không để lại di chứng nhưng có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc điều trị bao gồm:

  • Dùng kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Dẫn lưu ổ áp xe khi ổ áp xe hóa mủ.
  • Trường hợp rò xoang lê vào tuyến giáp gây viêm tuyến giáp cấp cần phẫu thuật loại bỏ đường rò.

3.3. Viêm tuyến giáp Hashimoto

Đây là loại gây suy giáp với triệu chứng gồm:

  • Bướu tuyến giáp không đau nhưng khó nuốt, nói khàn.
  • Suy giáp là triệu chứng thường gặp ở giai đoạn muộn với các biểu hiện như sợ lạnh, táo bón, mạch chậm.

Việc điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

3.4. Viêm tuyến giáp sau sinh

Xảy ra ở phụ nữ sau khi sinh trong vòng một năm, đây có thể là hiện tượng tự miễn do tiền sử gia đình bị bệnh lý tuyến giáp tự miễn. Các triệu chứng bao gồm:

  • Nhiễm độc giáp, suy giáp và sau đó trở về bình thường
  • Bướu giáp thường nhỏ, không đau.

Trường hợp triệu chứng nhiễm độc giáp không rõ thì không nhất thiết phải điều trị. Việc điều trị khi xuất hiện các triệu chứng, cụ thể:

  • Triệu chứng rõ thì điều trị giảm triệu chứng bằng chẹn B giao cảm.
  • Theo dõi chức năng tuyến giáp. Nếu suy giáp rõ thì nên điều trị ngắn hạn bằng levothyroxin.

3.5. Viêm tuyến giáp thầm lặng

Các triệu chứng giống như viêm sau sinh nhưng xảy ra không liên quan đến sinh đẻ. Các triệu chứng có thể gặp như:

  • Bướu giáp to nhẹ, lan tỏa, mật độ chắc.
  • Nhiễm độc giáp ở mức độ trung bình, sau đó suy giáp rồi trở về bình giáp hoặc suy giáp mãn tính.

Tương tự như điều trị viêm tuyến giáp sau sinh, trường hợp triệu chứng nhiễm độc giáp không rõ thì không nhất thiết phải điều trị. Việc điều trị khi xuất hiện các triệu chứng, cụ thể:

  • Triệu chứng rõ thì điều trị giảm triệu chứng bằng chẹn B giao cảm.
  • Theo dõi chức năng tuyến giáp. Nếu suy giáp rõ thì nên điều trị ngắn hạn bằng levothyroxin.

4. Phòng ngừa và hạn chế diễn tiến viêm tuyến giáp

Viêm tuyến giáp là bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây suy giáp, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh, nhất là đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Do vậy, để hạn chế diễn tiến và phòng ngừa bệnh viêm tuyến giáp bạn nên thực hiện theo các phương pháp sau đây:

  • Tất cả mọi người nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nếu đã bị viêm tuyến giáp thì cần khám sức khỏe theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
  • Tìm hiểu về loại viêm tuyến giáp mà bạn đang mắc phải là cường giáp hay suy giáp.
  • Uống thuốc theo quy định.
  • Hoạt động thể thao, rèn luyện sức khỏe mỗi ngày. Chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học.
  • Tránh căng thẳng, stress, lo âu.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec