Chi tiết bài viết

Có nên can thiệp điều trị hẹp động mạch thận?

Hẹp động mạch thận là tình trạng bệnh lý có nhiều nguyên nhân, có thể mang tính bẩm sinh hoặc mắc phải. Tỷ lệ mắc hẹp động mạch thận hiện nay gia tăng nhanh chóng do sự gia tăng của các bệnh lý không nhiễm trùng như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…

1. Hẹp động mạch thận là gì?

Thận trong cơ thể có chức năng chính là lọc máu loại thải các chất độc tố trong máu qua đường niệu. Cơ chế chính là máu sẽ đi đến hai động mạch thận hai bên rồi đến các cấu trúc bên trong hai thận sau đó chất độc sẽ được chuyển ra đường tiếp qua đường tiết niệu.

Hẹp động mạch thận là hiện tượng bệnh lý do nhiều nguyên nhân trong đó hơn 90% là do mảng xơ vữa gây hẹp động mạch nuôi thận, từ đó giảm tưới máu nuôi đến thận, và hậu quả cuối cùng là suy chức năng hay mất chức năng thận.

2. Triệu chứng của hẹp động mạch thận

Tuy nhiên, khác với những bệnh lý khác, hẹp động mạch thận thường không gây ra triệu chứng cho người bệnh.

Dấu hiệu mà các bác sĩ hay dùng để phát hiện đó là bệnh tăng huyết áp với các trường hợp tăng huyết áp ở người trẻ tuổi, hoặc những người lớn tuổi nhưng huyết áp cao khó kiểm soát, hoặc tầm soát ở những đối tượng có nhiều yếu tố nguy cơ xơ vữa như tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu… Vì khi giảm tưới máu thận, sẽ dẫn đến tăng tiết các nội tiết tố đưa đến hiện tượng giữ muối, nước và co mạch ngoại vi từ đó gây tăng huyết áp.

3. Có nên can thiệp điều trị hẹp động mạch thận?

Bệnh hẹp động mạch thận nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: tăng huyết áp ác tính, tăng huyết áp cao từng cơn, đột ngột, không kiểm soát được bằng các phương pháp điều trị thông thường dẫn đến tai biến mạch não

Giảm tưới máu nhu mô thận làm thiếu máu thận mạn tính dẫn đến nguy cơ teo thận. Một nghiên cứu cho biết: Có khoảng 14 – 49% số bệnh nhân có biểu hiện teo thận tại thời điểm được chẩn đoán bệnh hẹp động mạch thận.

Suy thận tiến triển: Do thiếu máu thận mạn tính dẫn đến teo các phức hợp cầu thận. Nếu bệnh nhân tiến triển đến suy thận ở giai đoạn cuối, phải lọc máu chu kỳ thì tỷ lệ tử vong lên tới 30% và thời gian sống trung bình của bệnh nhân hẹp động mạch thận là 27 tháng. Dựa vào những biến chứng nguy hiểm trên, có thể thấy việc can thiệp điều trị hẹp động mạch thận là cần thiết.

4. Phương pháp điều trị

Điều trị bệnh hẹp động mạch thận cần phối hợp với nhiều biện pháp.

4.1 Phương pháp nội khoa

Phương pháp nội khoa đây là phương pháp điều trị cơ bản, chủ yếu để kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh như xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, chống viêm…

4.2 Phẫu thuật bắc cầu

Phẫu thuật bắc cầu là phương pháp sử dụng mạch máu nhân tạo hoặc mạch máu tự thân của người bệnh nối qua vị trí động mạch thận bị hẹp.

4.3 Can thiệp nội mạch

Can thiệp nội mạch là phương pháp hiện đại được dùng để điều trị hẹp động mạch thận phổ biến nhất trên thế giới do tính an toàn và hiệu quả. Trong phương pháp này, chỗ hẹp động mạch thận sẽ được nong bằng bóng hoặc đặt giá đỡ lòng mạch (stent) để khắc phục hẹp động mạch.

Hẹp động mạch thận mắc phải có thể phòng tránh được. Biện pháp chủ yếu là khám phát hiện sớm và điều trị tích cực các bệnh lý là nguyên nhân gây hẹp động mạch thận; bỏ hút thuốc lá, thuốc lào; ăn uống điều độ, hạn chế ăn thức ăn nhanh để tránh thừa cân béo phì – đây là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch và dẫn tới hẹp động mạch .

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec