Chi tiết bài viết

Điều gì xảy ra khi bạn uống quá nhiều rượu bia?

Chỉ 30 giây sau khi được đưa vào cơ thể, rượu lập tức tác động đến não bộ, các cơ chế hoạt động, các hóa chất trung gian và các tín hiệu thần kinh bị ức chế.

Các bác sĩ cho biết, ở nồng độ thấp, rượu có tác dụng an thần, làm giảm lo âu… Tuy nhiên, ở nồng độ cao hơn, rượu gây rối loạn tâm thần, mất điều hòa, không tự chủ được hành động và có thể bị hôn mê, ức chế hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng khi nồng độ rượu trong máu quá cao.

Mất thăng bằng, phản xạ chậm

Rượu sau khi uống được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Trên 90% rượu được oxy hóa ở gan, phần còn lại được thải trừ nguyên vẹn qua phổi và thận. Cơ chế tác dụng là do rượu hấp thu vào tế bào, gây tổn thương và rối loạn các kênh ion và các prote màng tế bào. Kết quả là tâm trạng thay đổi, phản xạ bị chậm dần đi, giảm trí nhớ, mất thăng bằng.

Đau đầu, chóng mặt

Nhức đầu thường xảy ra vào sáng hôm sau, khoảng 5 – 12 giờ sau khi uống. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy đầu đau như đang có thứ gì đó đập vào, xung quanh như đang xoay và có tiếng trống đánh trong đầu. Tình trạng này khiến bạn ngày cảm mệt mỏi dẫn đến các hoạt động thể chất ngày càng tồi tệ.Lý giải tình trạng này, bác sĩ Nhôm cho biết, rượu khiến cơ thể mất nước, làm giãn các mạch máu trong cơ thể và trong não. Điều này khiến bạn bị đau đầu, chóng mặt sau khi uống rượu.

Suy giảm trí nhớ

Các chuyên gia cho rằng, nếu thường xuyên uống nhiều rượu, lâu ngày tế bào não có thể teo nhỏ, gây sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ và khả năng học hỏi, dễ giảm thân nhiệt, hoặc mất thăng bằng khi đi lại. “Viêm dây thần kinh, rối loạn tâm thần, co giật, giảm khả năng làm việc trí óc, mê sảng… là các biểu hiện rất thường gặp ở người nghiện rượu nặng”, bác sĩ chia sẻ.

Dễ say hơn nếu uống rượu khi bụng đói

Nếu bạn đã ăn trước khi uống bia, thức ăn sẽ trở thành lớp thành bảo vệ dạ dày làm giảm quá trình hấp thụ cồn. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ rượu bia khi dạ dày rỗng, lượng đường trong máu sẽ giảm khiến cồn được cơ thể hấp thụ nhanh hơn. Điều này gây nên cảm giác choáng váng, chóng mặt, thậm chí ngộ độc trong thời gian ngắn.

Ngăn ngừa sỏi thận, tốt cho tim mạch

Nhiều nghiên cứu cho thấy uống một lượng bia rượu bia vừa phải mỗi ngày giúp cơ thể giảm nguy cơ sỏi thận lên đến 40%. Ngoài ra, trong bia có chứa chất chống oxy hóa và chống viêm, do đó, đối với người bệnh động mạch vành, mỗi ngày uống khoảng 350ml bia trong một tháng có thể giảm nguy cơ đau tim.

Uống bao nhiêu là đủ?

Mặc dù vẫn có lợi ích nhất định cho sức khỏe, tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng chỉ nên uống rượu vang đỏ mỗi ngày 1 ly, bia nên uống khoảng 2-3 lon/ngày với nam hay 1-2 lon/ngày với nữ là đủ tốt cho sức khỏe. Ngày Tết có thể gia giảm một chút tùy tình huống thực tế cũng như khả năng từng người, nhưng đừng qua chén dẫn đến say sỉn.

Với những ai bị viêm loét dạ dày hay bệnh gan (tăng men gan, gan nhiễm mỡ…) nên kiêng bia rượu. Đăc biệt, đã uống nhiều bia rượu, tuyệt đối không nên lái xe.

Nguồn: Bệnh viện Quốc tế City