Chi tiết bài viết

Điều trị viêm loét đại trực tràng gây chảy máu

Viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh về đường tiêu hóa hay gặp nhất. Bệnh gây tổn thương lan tỏa lớp niêm mạc và dưới niêm mạc, vị trí chủ yếu là ở trực tràng và giảm dần cho đến đại tràng.

Do viêm loét đại trực tràng có các biểu hiện giống như bệnh thông thường khác nên người bệnh thường chủ quan nhập viện muộn khiến cho việc điều trị khó khăn. Chính vì vậy việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời là điều vô cùng cần thiết để tránh gây các biến chứng nguy hiểm.

Viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh viêm mạn tính, có tính chất tự miễn, gây loét và xuất huyết đại tràng, làm tổn thương lan tỏa lớp niêm mạc và dưới niêm mạc, vị trí chủ yếu ở trực tràng và giảm dần cho đến đại tràng phải.

1. Nguyên nhân gây viêm loét đại trực tràng

Đại tràng là đoạn cuối của đường tiêu hóa, là nơi hình thành và chứa đựng phân trước khi bài xuất ra ngoài cơ thể. Đại tràng bao gồm: manh tràng là đoạn nối với đoạn cuối ruột non, tiếp đến là đại tràng lên (đại tràng phải), đại tràng góc gan, đại tràng ngang, đại tràng góc lách, đại tràng xuống (đại tràng trái), đại tràng sigma, trực tràng và cuối cùng là hậu môn.

Nguyên nhân viêm loét đại trực tràng đến nay cũng chưa rõ, nhưng bệnh có liên quan tới quá trình đáp ứng miễn dịch. Viêm loét đại tràng chảy máu và bệnh Crohn được gọi chung là nhóm bệnh viêm ruột (Inflammatory Bowel Disease – IBD). Bệnh lúc đầu có thể chỉ khu trú tại trực tràng, về sau lan dần vào trong, tổn thương có thể toàn bộ đại tràng, đôi khi có thể lan cả sang một phần của đoạn cuối ruột non.

Nam và nữ đều có thể mắc bệnh như nhau và thường gặp ở người trong khoảng 15-30 tuổi và 60-70 tuổi.

2. Điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu như thế nào?

2.1 Nguyên tắc điều trị

  • Đối với các trường hợp chưa từng điều trị: Khởi đầu 1 loại thuốc, đánh giá đáp ứng dựa vào triệu chứng lâm sàng sau 10- 15 ngày;
  • Đối với trường hợp đã hoặc đang điều trị có đợt tiến triển nặng: Bắt đầu lại điều trị bằng 2 loại thuốc đang điều trị và kết hợp thêm 1 loại thuốc khác;
  • Trường hợp đã được điều trị và ngừng điều trị lâu: Điều trị khởi đầu như trường hợp chưa được điều trị, nên bắt đầu điều trị bằng loại thuốc khác;
  • Trường hợp thể nhẹ tổn thương tối thiểu ở trực tràng và đại tràng sigma nên kết hợp thêm thuốc điều trị tại chỗ viên đặt hậu môn và thuốc thụt;
  • Điều trị gồm có điều trị tấn công và điều trị duy trì.

2.2 Điều trị nội khoa

  • Sử dụng thuốc theo chỉ định và sự hướng dẫn của bác sĩ;
  • Truyền máu cho bệnh nhân nếu như đại trực tràng bị xuất huyết nặng gây ra thiếu máu, tụt huyết áp để bù vào lượng máu đã mất;
  • Chế độ ăn uống cần được điều chỉnh, cần tuân thủ chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, lựa chọn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Kiêng các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, rau sống, đồ uống có cồn, thức ăn cay nóng.

2.3 Chế độ dinh dưỡng và điều trị triệu chứng

  • Mức độ nhẹ hoặc vừa: Nên chọn thức ăn mềm, hạn chế chất xơ tạm thời;
  • Mức độ nặng:

    • Nhịn ăn hoàn toàn;
    • Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch bằng đạm toàn phần, dung dịch acid béo, đường, đảm bảo 2500 Kcalo/ngày;
    • Bổ sung sắt, axit folic 1mg/ngày nếu dùng thuốc 5- ASA kéo dài;
    • Bồi phụ nước điện giải.
  • Phân lỏng: Dùng các thuốc bọc niêm mạc;
  • Đau bụng: Dùng các thuốc giảm co thắt.

2.4 Điều trị ngoại khoa

Cắt đoạn đại tràng hay cắt toàn bộ đại tràng chỉ định khi:

  • Thủng đại tràng;
  • Phình giãn đại tràng nhiễm độc;
  • Chảy máu ồ ạt mà điều trị nội khoa thất bại;
  • Ung thư hóa hoặc dị sản mức độ nặng.

3. Lưu ý cho người bệnh

Người bệnh cần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi phát hiện có rối loạn đại tiện, thay đổi tính chất phân như phân có máu, không khuôn, đau bụng nhiều thì cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời. Tránh để đến tình trạng muộn như đi đại tiện 2 – 3 ngày liền, mất máu thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, tốn kém hơn. Theo dõi thường xuyên 6 tháng một lần bằng nội soi đại tràng, sinh thiết đại tràng, đại tràng sigma để phát hiện giai đoạn đầu của tiến triển ung thư.

Cần quan tâm tới chế độ ăn uống hàng ngày. Bệnh nhân nên ăn những thức ăn mềm, ít chất xơ như cơm nhão, cháo, thịt nạc, cá, sữa đậu nành, lưu ý tránh ăn rau sống, bắp…

Hạn chế căng thẳng quá mức khiến bệnh thêm trầm trọng, nên thư giãn, không sử dụng các chất kích thích, uống đủ nước. Đây cũng là những biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh đối với những người khỏe mạnh.

Cho tới nay, chưa có thuốc điều trị khỏi bệnh hoàn toàn viêm loét đại trực tràng chảy máu mà việc điều trị chỉ giúp lui bệnh. Chính vì vậy, bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần thực hiện các chế độ dinh dưỡng tốt cho hệ tiêu hóa, tránh stress và khám sức khỏe định kỳ. Ngay khi có triệu chứng, cần đi khám bệnh sớm và điều trị kịp thời khi tổn thương chưa lan rộng.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec