Chi tiết bài viết

Hướng dẫn dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để bé phát triển tốt, tăng cân đều đó là chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh. Để giúp bà mẹ hiểu được thành phần của sữa mẹ và quá trình hình thành sữa, cách cho con bú mẹ đúng tư thế và có hiệu quả, dưới đây là hướng dẫn.

1. Vì sao trẻ cho bú sẽ tốt cho cả mẹ và bé?

Giai đoạn sơ sinh trẻ cần thích nghi với môi trường sống. Dinh dưỡng cho trẻ là một biện pháp giúp trẻ thích nghi với tiêu hóa đường miệng, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Sữa mẹ là thức ăn quan trọng nhất nó thúc đẩy sự phát triển của hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh và đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ. Sữa mẹ giúp cho trẻ giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, hệ tiêu hóa tốt hơn và trẻ thông minh hơn.

Trẻ cho bú sẽ rất tốt cho cả mẹ và bé. Sau sinh, bầu vú của mẹ sẽ căng dần lên sữa non bắt đầu tiết ra đó là thời điểm mẹ nên cho trẻ bú. Cho trẻ bú sớm sẽ tạo điều kiện tốt kích thích tuyến sữa của mẹ sản xuất ra nhiều sữa và giúp tử cung mẹ co hồi tốt

2. Giai đoạn hình thành sữa mẹ:

  • Sữa non: Loại sữa tốt nhất vì nó giàu dinh dưỡng, cung cấp một lượng lớn calo và kháng thể giúp trẻ xây dựng hệ thống miễn dịch. Sữa non được tạo ra tuần thứ 16 -20 của thai kỳ và được tiết ra trong 2-3 ngày đầu sau đẻ. Sữa có màu vàng nhạt và sánh đặc. Sữa non có nồng độ đạm, lipid, kháng thể và vitamin A cao.
  • Sữa chuyển tiếp: Lượng đạm, vitamin A giảm dần, thành phần sữa dần ổn định.
  • Sữa vĩnh viễn: Thành phần chủ yếu là đạm (Protein), chất béo (Lipid), đường (Lactose), ngoài ra các Vitamin và yếu tố vi lượng khác và các chất kháng khuẩn trong sữa mẹ giúp cho trẻ có sức đề kháng và miễn dịch một số bệnh đặc biệt trong 6 tháng đầu.

3. Chế độ ăn cho trẻ

Trong tháng đầu trẻ ăn 7-8 lần/ 24h, một số trẻ ăn kém hơn nên cho bú 2 giờ mỗi lần.

Không nên cho trẻ bú bình vì trẻ quen với núm vú cao su sẽ không bú ti mẹ. Tuy nhiên nếu như núm vú của mẹ bị tụt, hay quá bé, đã dùng “trợ ti” không hiệu quả thì chấp nhận cho trẻ bú bình.

Để đánh giá trẻ bú đủ cần dựa vào các dấu hiệu:

  • Sau bữa bú bầu ti mẹ mềm đi, Trẻ đi tiểu tiện >5 lần/ngày,
  • Trẻ đi đại tiện nhiều lần “hoa cà,hoa cải”
  • Sụt cân sinh lí trẻ ít (< 10 %).
  • Cân nặng trở về lúc sinh ≤ 1 – 2 tuần,
  • Trẻ tăng cân 20-30g/ngày ở 3 tháng đầu.

Muốn trẻ bú tốt cần cho trẻ bú đúng, tư thế của mẹ thoải mái nên ngồi cho con bú để dễ dàng theo dõi bé trong khi bú , chỉ nằ:m cho bú khi mẹ còn mệt hay đau vết mổ ( giai đoạn đầu sau đẻ ).

Để mẹ và trẻ phối hợp tốt với nhau, mẹ đỡ đầu và thân trẻ trên cùng một đường thẳng. Mặt trẻ đối diện với vú, môi đối diện với núm vú, miệng trẻ mở rộng, môi dưới đưa ra ngoài, trẻ ngậm cả quầng vú, má trẻ phồng lên. Nếu khi bú đúng, trẻ sẽ mút chậm, sâu, thỉnh thoảng ngừng lại và bạn có thể nghe tiếng nuốt "ực". Nên cho trẻ bú hết một bên vú rồi mới đổi bên vú để trẻ bú được cả sữa đầu và sữa cuối. Sau khi bú cần vỗ ợ hơi để tránh trẻ bị nôn trớ hay chướng bụng.

Nếu không đủ sữa mẹ có thể cho trẻ ăn thêm sữa công thức theo nhu cầu. Khi cho trẻ ăn sữa bằng bình, thìa…cần đảm bảo vệ sinh cọ rửa dụng cụ luộc hay hấp sấy. Khi pha sữa công thức phải đúng tỉ lệ khuyến cáo của nhà sản xuất. Những trường hợp trẻ cần ăn sữa đặc biệt phải theo đúng chỉ định của bác sĩ sơ sinh, tuyệt đối không sử dụng nước cơm, nước cháo, sữa đặc có đường để nuôi dưỡng trẻ.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec