Chi tiết bài viết

Khắc phục hiện tượng khó thở, tim đập nhanh khi mang thai

Tim đập nhanh khi mang thai là hiện tượng thường gặp đối với đa số mẹ bầu, khiến cho các mẹ không khỏi lo lắng. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là gì, có nguy hiểm không? Đâu là cách khắc phục? 

1. Nhịp tim tăng nhanh ở phụ nữ mang thai

Một phụ nữ tình trạng sức khỏe bình thường có nhịp tim trung bình khoảng 70 nhịp/phút. Tuy nhiên khi có thai, nhịp tim của người phụ nữ sẽ tăng dần kể từ tuần lễ thứ 10 của thai kỳ, có thể rơi vào khoảng 80-90 nhịp/phút.

Vào giai đoạn cuối kỳ mang thai, tim có thể đập nhanh hơn trước mỗi phút chừng 10 nhịp, lúc này lượng máu tim phải thực hiện bơm đi mỗi ngày để nuôi cả cơ thể mẹ và thai nhi cũng tăng lên.

Khi thai nhi được 25 tuần tuổi, lượng máu qua tim người mẹ có thể tăng lên từ 30-50%, như vậy tương đương lượng công việc mà tim phải “làm thêm” mỗi ngày là phải cung cấp thêm từ 2160-3600 lít máu, tức là khoảng 2-4 tấn máu.

2. Vì sao tim đập nhanh khi mang thai?

Lý do khiến cho tim của người phụ nữ mang thai phải làm việc nhiều hơn như vậy vì lúc này, ngoài việc nuôi dưỡng bản thân, cơ thể của mẹ còn phải cung cấp thêm oxy và các chất dinh dưỡng nhiều hơn nữa để nuôi dưỡng thai nhi, khiến cho tim người mẹ phải “bận rộn” hơn để có thể phục vụ cho cả mẹ và con.

Tim phải đập nhanh hơn khi mang thai để phục vụ cho cả mẹ và thai nhi

Ngoài ra, tình trạng thiếu máu còn là một nguyên nhân của hiện tượng tim đập nhanh khi mang thai. Trong quá trình mang thai, cơ thể người mẹ thường gặp phải tình trạng thiếu máu do thiếu sắt và tăng nhu cầu oxy. Thiếu máu khiến cho mẹ cảm thấy khó thở tim đập nhanh, mệt mỏi, chóng mặt. Mẹ bầu cần phải lưu ý vấn đề này với bác sĩ, bởi vì nếu không được điều trị, tình trạng thiếu máu có thể trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Những cảm giác khó chịu sẽ luôn đồng hành cùng hai mẹ con trên suốt chặng đường 38-42 tuần thai. Tim đập nhanh khó thở chỉ là một trong số đó và rất ít người có thể tránh được.

3. Mẹ bầu khó thở tim đập nhanh có sao không?

Đối với những phụ nữ sức khỏe bình thường, những triệu chứng của thai sản như tim đập nhanh khó thở khi mang thai là vấn đề hoàn toàn tự nhiên, những thay đổi trong thời kỳ mang thai là điều hoàn toàn bình thường. Mẹ bầu không nên lo lắng mà hãy xem đó là một phần của thai kỳ và tích cực trao đổi với bác sĩ để kiểm soát tốt những vấn đề có thể xảy ra. Bên cạnh đó, đa phần những biểu hiện khó chịu này sẽ dần biến mất và trở về bình thường sau khi sinh xong.
Bình thường là vậy, nhưng đối với những phụ nữ đang mắc bệnh tim mạch, chức năng tim vốn đã không tốt, thì sự thay đổi nhịp tim trong khoảng thời gian này có thể sẽ trở nên nguy hiểm, nhiều khả năng xảy ra hiện tượng suy tim hoặc rối loạn nhịp tim.
Mẹ bầu nên thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu nhận thấy các triệu chứng trầm trọng hơn, điển hình như:

  • Cảm giác rõ nhịp tim tăng lên đột ngột, tim đập không đều, hồi hộp không rõ nguyên nhân, đánh trống ngực

  • Khó thở nặng, tím tái hoặc cảm thấy yếu dần đi sau khi thấy tim đập nhanh

  • Đau tức ngực, tình trạng trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi gắng sức làm gì đó

  • Khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, khi nằm hoặc khó thở vào ban đêm.

4. Cách khắc phục hiện tượng tim đập nhanh khi mang thai

Để hạn chế biến chứng loạn nhịp tim, khó thở trở nặng, mẹ bầu cần phải dành thời gian nghỉ ngơi, không nên cố gắng vận động, làm việc quá sức. Việc lên xuống cầu thang cũng nên từ từ, đi chậm rãi, nếu cảm thấy mệt do tim đập nhanh và khó thở khi đang làm bất cứ việc gì thì nên dừng lại, nghỉ ngơi.
Khi đến giai đoạn giữa và càng gần cuối của thai kỳ, mẹ bầu phải đặc biệt chú ý đến việc nghỉ ngơi, hạn chế làm việc, không nên hoạt động mạnh. Điều này sẽ có lợi trong việc bảo vệ tim và phổi của mẹ, cũng là để giảm nhẹ hiện tượng tim đập nhanh và khó thở. Nếu những triệu chứng của thai kỳ trở nên trầm trọng bất thường, mẹ bầu cần phải được chở đến bệnh viện ngay lập tức.
Cần phải nhấn mạnh, khó thở và tim đập nhanh khi mang thai là một hiện tượng bình thường ở đa số mẹ bầu, không phải là bệnh lý. Đây chỉ là sự thay đổi sinh lý cơ thể trong quá trình mang thai, mẹ bầu không nên căng thẳng hay lo lắng. Ngược lại, cần phải giữ cho tinh thần lạc quan, vui vẻ, chú ý về thói quen sinh hoạt, làm việc, tâm sự nhiều hơn với các ông bố tương lai về những vấn đề gặp phải, để khi cần thiết thì họ chính là những người hỗ trợ tốt nhất của hai mẹ con. Bên cạnh đó, nhớ khám thai định kỳ theo dặn dò của bác sĩ mẹ nhé!

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec