Chi tiết bài viết

Loét sinh dục cấp tính: Biểu hiện và cách xử trí

Loét sinh dục cấp tính là bệnh lý hiếm gặp, không lây qua đường tình dục tuy nhiên dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục do có những triệu chứng tương tự.

1. Loét sinh dục cấp tính là gì?

Loét sinh dục cấp tính hay Lipschutz ulcer là tình trạng loét âm hộ cấp tính đặc trưng bởi vết loét ở sinh dục, rất đau kèm theo sốt và sưng hạch lympho. Bệnh hiếm gặp, chưa rõ cơ chế gây bệnh, chủ yếu ở thiếu nữ chưa quan hệ tình dục (trinh nữ). Loét sinh dục cấp tính không lây qua đường tình dục nhưng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lây truyền qua tình dục

Bệnh được mô tả lần đầu vào năm 1912 bởi Benjamin lipschutz thông qua báo cáo về một ca lâm sàng cấp tính được đặc trưng bởi sự xuất hiện đột ngột của loét sinh dục gây đau, sốt và nổi hạch xảy ra chủ yếu ở trẻ gái vị thành niên và trinh nữ.

2. Biểu hiện loét sinh dục cấp tính

Loét sinh dục cấp tính xuất hiện dưới dạng đơn hoặc nhiều vết loét nông với các đường viền nổi rõ, sắc nét, trên phủ nhiều giả mạc màu xám hoặc vảy tiết màu nâu xám, có thể có quầng đỏ hoặc phù nề xung quanh. Bên cạnh đó còn có thể có ban đỏ thứ phát và phù. Thông thường, loét xảy ra trên các cạnh của môi bé âm hộ, nhưng chúng cũng được tìm thấy trên môi lớn, đáy chậu và ở âm đạo dưới.

Dấu loét “Kissing” thường gặp trên bề mặt đối diện với tổn thương trước đó. Kích thước các vết loét là khác nhau và thường lớn hơn 1 cm. Nhiều bệnh nhân cũng có thể có các dấu hiệu như: sốt, toàn thân mệt mỏi, loét miệng.

3. Điều trị loét sinh dục cấp tính

Mục tiêu của điều trị là giúp giảm đau, làm lành vết thương và ngăn ngừa sẹo.

  • Điều trị tại chỗ:

    • Vệ sinh tại chỗ
    • Làm sạch tổn thương: đắp gạc ẩm, gạc vaseline.
    • Sử dụng kem kháng sinh, kem có tác dụng tê tại chỗ nhằm chống nhiễm khuẩn và giảm đau: acid fucidic, lidocain gel 2% hoặc mỡ corticoid trong 7-10 ngày. Có thể dùng corticoid tiêm nội tổn thương cũng có tác dụng tốt.
  • Điều trị toàn thân:

    • Việc giảm đau là điều quan trọng trong điều trị bệnh, có thể sử dụng nhóm giảm đau chống viêm non-steroid : paracetamol, acetaminophen…..Trong trường hợp đau nhiều có thể phải sử dụng tới nhóm thuốc giảm đau gây buồn ngủ.
    • Sử dụng kháng sinh đường toàn thân để phòng bội nhiễm
    • Sử dụng corticoid toàn thân được chỉ định nếu bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc bôi.

Nói chung, bệnh tiên lượng tốt nếu điều trị tốt trong khoảng 1 tuần. Vết loét sẽ giảm đau và xuất hiện tổ chức hạt. Theo nhiều báo cáo thông thường vết loét lành trong vòng 16-21 ngày và hầu hết bệnh thường không tái phát. Sau khi vết loét lành, nên theo dõi hàng năm để phát hiện các bệnh lý hệ thống sau đó (bệnh Crohn, bệnh Behcet).

Bệnh nhân nếu được chẩn đoán loét sinh dục cấp tính, bệnh nhân và gia đình không nên quá lo lắng vì bệnh không lây truyền qua đường tình dục và vết loét hoàn toàn có thể được điều trị khỏi, không để lại di chứng.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec