Chi tiết bài viết

Lưu ý khi rửa tay sát khuẩn cho bé

Để phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona giữa người với người, đặc biệt là trẻ em, các bậc phụ huynh cần chú ý việc rửa tay sát khuẩn cho trẻ để phòng ngừa bệnh tật.

1. Rửa tay sát khuẩn cho bé đúng cách bằng nước và xà phòng

Quý phụ huynh nên áp dụng quy trình rửa tay của Bộ Y Tế ban hành khi rửa tay cho trẻ hoặc hướng dẫn trẻ thực hiện từng bước rửa tay đúng cách:

  • Bước 1: Làm ướt 2 bàn tay bằng nước sạch và xà phòng. Chà xát 2 lòng bàn tay lại với nhau.
  • Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay và kẻ ngoài các ngón tay của tay kia và ngược lại.
  • Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau và miết mạnh các kẽ ngón tay.
  • Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại.
  • Bước 5: Xoay ngón tay cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại để làm sạch ngón tay cái.
  • Bước 6: Xoay các đầu ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Làm sạch tay dưới vòi nước chảy và lau khô. Vi trùng thường lây lan từ da ướt dễ dàng hơn so với da khô, vì vậy lau khô tay là một bước khá quan trọng. Nên sử dụng khăn bông hoặc khăn giấy sạch dùng 1 lần để lau khô tay. Không dùng 1 khăn lau tay cho nhiều lần rửa tay.

Lưu ý: thời gian rửa tay tối thiểu nên là 30 giây. Ở các bước số 2-3-4-5 cần làm đi làm lại tối thiểu 5 lần. Có thể dùng nước ở bất kỳ nhiệt độ nào vì nước lạnh và nước ấm đều có tác dụng tiêu diệt mầm bệnh như nhau với điều kiện là có dùng xà phòng.

2. Có nên sử dụng nước rửa tay sát khuẩn cho bé?

Thành phần chính của các dung dịch nước rửa tay y tế sát khuẩn nói chung và nước rửa tay khô cho bé nói riêng thường gồm: Ethanol (cồn) từ 60-70 độ trở lên, Deionized Water (nước tinh khiết), Sodium Lactate (một loại chất hút ẩm), Fragrance (hương liệu tạo mùi hoặc các loại tinh dầu làm thơm), Benzalkonium Chloride (chất diệt khuẩn)… Hầu hết các thành phần đều không thể uống, không được để vương vào mắt. Nếu không may trẻ em uống phải hoặc dùng để rửa mặt có thể dẫn đến các phản ứng có hại, tùy vào mức độ mà có thể gây ra rối loạn tiêu hóa, viêm kết mạc… nếu nặng sẽ dẫn đến đến suy hô hấp, rối loạn nội tiết, tác hại trên hệ sinh sản, gây ung thư… Do đó, phụ huynh không nên cho con tự ý sử dụng nước rửa tay nhanh mà chưa hướng dẫn bé.

Riêng thành phần cồn có trong các loại nước rửa tay hiện nay còn làm khô da tay, khiến cho da tay bị bong tróc, căng cứng. Đối với trẻ em, làn da mỏng manh và nhạy cảm hơn trước lượng cồn có trong nước rửa tay khô, điều này có thể dẫn đến tình trạng bàn tay trẻ bị rát, kích ứng, nổi mẩn ngứa và thậm chí có thể hình thành bệnh dị ứng, viêm da.

Thêm vào đó, hầu hết các loại dung dịch rửa tay nhanh hiện nay đều có chứa các chất hóa học tạo mùi, tiềm ẩn nguy cơ gây ra các phản ứng dị ứng, gây viêm da, rối loạn nội tiết và tác động không tốt đến hệ sinh sản, tăng khả năng hấp thụ BPA dẫn đến ung thư.

Do đó để đảm bảo an toàn cho con, phụ huynh nên cho con rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng có nguồn gốc rõ ràng và chứng nhận công dụng diệt khuẩn. Nếu cho trẻ sử dụng nước rửa tay nhanh cần lựa chọn loại dung dịch tẩy rửa thích hợp, cho phép sử dụng cho trẻ em, có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm nghiệm chất lượng. Nếu trẻ dùng nước rửa tay khô mà bị khô da hoặc viêm da thì phải ngưng dùng ngay, dưỡng ẩm da cho trẻ hoặc đưa trẻ đến khám ở bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Lưu ý, các bậc phụ huynh không nên chủ quan về việc chỉ cần cho bé sử dụng nước rửa tay khô là đủ và an toàn tuyệt đối. Trên thực tế sau khi cồn bốc hơi, các chất và mầm bệnh sau khi bị tiêu diệt vẫn bám lại trên tay, đây là môi trường trung gian giúp bám hút các tác nhân gây hại nếu trẻ vô tình chạm phải. Có thể thấy, rửa tay bằng nước và xà phòng chính là lựa chọn đầu tiên và hiệu quả nhất để phòng tránh lây nhiễm bệnh trong mùa dịch.

3. Thời điểm nào cần rửa tay cho bé?

  • Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và nước sạch trong thời gian tối thiểu là 20 giây ở các thời điểm như: Trước và sau khi trẻ vui chơi, sau khi trẻ đi vệ sinh, trước và sau khi ăn uống..
  • Hướng dẫn trẻ rửa tay sau khi ho và hắt hơi.

  • Rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh hoặc những người có dấu hiệu nghi ngờ về các bệnh hô hấp như ho, hắt hơi…
  • Rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với các bề mặt công cộng như thang máy, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa ở những nơi công cộng như siêu thị, trường học…

Phụ huynh luôn phải đeo khẩu trang cho trẻ và căn dặn trẻ không được tháo bỏ khẩu trang khi đi ra ngoài, theo sát và thường xuyên dặn dò để giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc phòng ngừa virus corona.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như Bộ Y tế Việt Nam đã khuyến cáo mọi người từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ thanh niên đến người lớn tuổi nên nhớ rửa tay thường xuyên và đúng cách để phòng ngừa bệnh. Việc rửa tay đúng cách đã và sẽ cứu sống hàng triệu người trên thế giới khỏi các bệnh lý truyền nhiễm như tiêu chảy, bệnh lý đường hô hấp và thậm chí là dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra trong giai đoạn này.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec