Chi tiết bài viết

Mộng thịt ở mắt – không đơn giản

Mộng thịt (còn gọi là màng máu mắt) là khối tổ chức liên kết xuất hiện ở kết mạc nhãn cầu (lòng trắng), thường xuất hiện ở hai góc mắt, phía trong và phía ngoài hoặc cả hai phía, tỷ lệ gặp ở phía trong nhiều hơn phía ngoài. Mộng thịt được chia làm 2 phần : Đầu mộng dính và phủ lên giác mạc (lòng đen), thân mộng có hình nón quạt di động trên cũng mạc.

Mộng thịt (còn gọi là màng máu mắt) là khối tổ chức liên kết xuất hiện ở kết mạc nhãn cầu (lòng trắng), thường xuất hiện ở hai góc mắt, phía trong và phía ngoài hoặc cả hai phía, tỷ lệ gặp ở phía trong nhiều hơn phía ngoài. Mộng thịt được chia làm 2 phần : Đầu mộng dính và phủ lên giác mạc (lòng đen), thân mộng có hình nón quạt di động trên cũng mạc. Mộng thịt phát triển theo thời gian rồi xâm lấn vào giác mạc và có thể che kín đồng tử (con ngươi) làm giảm thị lực. Mộng thịt phát triển nhanh hay chậm tùy theo cơ địa và môi trường tiếp xúc.

Một trường hợp mộng thịt điển hình

 

Mộng thịt thường gặp ở những vùng địa lý nhiều nắng nóng, trong khi những vùng khác lại ít gặp hơn nhiều. Những vùng khí hậu ôn hòa, khoảng 2% dân số bị mộng thịt, trong khi ở vùng nhiệt đới tỉ lệ có thể lên từ 6% đến trên 20% dân số. Các nước Bắc Âu tỉ lệ mộng thịt từ 0%-1.9%, trong khi các nước gần xích đạo như Ấn độ, Pakistan, Úc, Châu Phi ( ở vùng xích đạo) hay Trung Mỹ tỉ lệ mắc bệnh hơn 10%.

Có mối liên quan chặt chẽ giữa tiếp xúc với tia tử ngoại và mộng thịt. Mộng thịt có thể phát triển khi tiếp xúc với các tia tử ngoại hàng ngày và trong thời gian dài, đặc biệt nếu người đó không đeo kính mắt hoặc kính bảo hộ. Do đó, một số nhóm người có tỉ lệ mộng thịt cao hơn như: nông dân, thủy thủ, người đi câu, người làm xây dựng, thợ hàn… Một số chủng tộc có tỉ lệ mộng thịt cao hơn như: người Ấn độ bị nhiều hơn người da trắng, người Thái bị nhiều hơn người Trung Quốc, người da sậm màu bị nhiều hơn người da trắng hơn. Nam giới bị mộng thịt nhiều hơn nữ giới. Tuổi khởi phát mộng thịt thường từ 44 tuổi và đạt tỉ lệ cao nhất từ 50 – 60 tuổi.

Một số yếu tố nguy cơ khác gồm các yếu tố nội sinh và các yếu tố ngoại sinh. Yếu tố nội sinh gồm: di truyền, khô mắt, viêm kết mạc mạn tính, thiếu vitamin A. Yếu tố ngoại sinh là do môi trường gió bụi.

Các nguyên nhân gây ra mộng thịt

Hiện nay, mộng thịt chưa có nguyên nhân rõ ràng, thường gặp ở những người tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, sống ở những vùng có nhiều gió bụi. Khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều, bức xạ của tia tử ngoại sẽ làm khiếm khuyết các tế bào mầm ở vùng rìa kết mạc và giác mạc, khi hàng rào này bị phá hủy có thể gây nên mộng thịt. Trên thế giới, tỉ lệ mộng thịt ở dân số các nước nằm ở gần đường xích đạo nhiều hơn các nước vùng ôn đới. Ở nước ta, thường gặp nhiều ở các tỉnh biển miền Trung.

Mộng thịt được chia ra làm 4 độ :

– Độ I : đầu mộng phát triển quá rìa giác mạc

– Độ II : đầu mộng chưa tới 1/2 bán kính giác mạc

– Độ III : đầu mộng vượt quá 1/2 bán kính giác mạc

– Độ IV : đầu mộng phát triển tối và có thể qua trung tâm giác mạc

Ngoài ra, có thể chia mộng thịt thành 2 loại :

– Mộng nguyên phát: chưa phẫu thuật lần nào.

– Mộng tái phát : đã có ít nhất một lần phẫu thuật

Ban đầu, khi mộng mới xuất hiện, người bệnh không thấy khó chịu gì nhiều, khi đó được phát hiện tình cờ hoặc người thân nhìn thấy có một màng dày xuất hiện trong mắt. Đến giai đoạn mộng phát triển nhiều hơn sẽ làm nước mắt tiết ra không tráng đều ở vùng có mộng thịt nên làm cho vùng này bị khô và gây ra cảm giác cộm xốn – đỏ mắt (nhất là khi tiếp xúc với gió, khói bụi hoặc khi uống rượu bia). Thời gian về sau, khi đầu mộng phát triển vào tròng đen nhiều sẽ gây đến nhìn mờ, gây loạn thị làm cho hình ảnh bị méo lệch.

Điều trị mộng thịt

Điều trị mộng thịt tùy thuộc vào triệu chứng. Nếu mộng còn nhỏ thì có thể không cần điều trị gì, bệnh nhân được khuyên khi đi ra ngoài nắng nên đeo kính râm có tròng kính to để bảo vệ mắt khỏi tia cực tím và tránh gió bụi vào mắt, đội mũ rộng vành để che bớt nắng. Nếu có triệu chứng khô mắt hoặc viêm thì bệnh nhân phải được điều trị thêm nước mắt nhân tạo hoặc thuốc chống viêm ( thuốc chống viêm phải có sự theo dõi của bác sĩ vì có nhiều tác dụng phụ).

Khi mắt bị kích thích nhiều do mộng gây ra nhưng dùng thuốc không cải thiện. Khi bị giảm thị lực do mộng làm loạn thị, làm che diện đồng tử (độ III, độ IV), hoặc song thị (nhìn đôi) do mộng làm hạn chế vận động nhãn cầu. Khi mộng tiến triển và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến diện đồng tử sẽ làm giảm thị lực là những lý do để chỉ định phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt bỏ mộng đơn thuần, là phương pháp đơn giản, nhanh nhưng tỷ lệ tái phát rất cao 30 – 80%, nên thường chỉ áp dụng cho những trường hợp mộng mỏng, ít, ở người lớn tuổi. Có trường hợp tái phát dữ dội, tiến triển nhanh và nhiều hơn so với cả trước khi mổ, mộng đỏ rực lên gây kích thích, chảy nước mắt, kèm cộm xốn, dính mi cầu. Chính vì điều này mà mộng thịt đôi khi không đơn giản làm các bác sĩ chần chừ không mổ sớm và bệnh nhân thấy bệnh nhân khác tái phát nên không dám mổ. Cũng vì sự tái phát sau phẫu thuật mộng nên có nhiều phương pháp phẫu thuật mộng như: ghép mộng tự thân, ghép màng ối, ghép tế bào mầm, áp thuốc chống phân bào .. .. mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng, nhưng cho tỉ lệ tái phát thấp hơn phương pháp mổ cắt mộng đơn thuần.

Thông thường, mắt sau mổ sẽ cộm xốn nhiều trong vài ngày đầu kèm theo chảy nước mắt nhiều, mộng càng lớn thì cộm càng nhiều và kéo dài càng lâu vì diện tích biểu mô giác mạc mất đi càng lớn. Các triệu chứng này sẽ giảm dần trong một tuần, đôi khi còn cộm nhẹ do chỉ tan chưa tan hết. Đỏ mắt có thể kéo dài hơn một vài tháng. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân có thể trở về sinh hoạt bình thường sau 1-2 tuần. Một số trường hợp cộm xốn kéo dài là do có khô mắt trước đó, thì nên sử dụng nước mắt nhân tạo bổ sung để làm giảm triệu chứng.

Các bệnh nhân đã bị mộng thịt khi đi ra ngoài trời nên đeo kính mắt chống tia cực tím cùng với tránh gió bụi, nếu có triệu chứng khô mắt thì phải điều trị và dùng nước mắt nhân tạo thường xuyên để phòng tái phát. Những gia đình có người bị mộng thịt, những người làm việc ngoài trời gió bụi, nắng nhiều là những đối tượng dễ bị mộng thịt hơn người khác nên cần lưu ý bảo vệ để khả năng bị mộng thịt được giảm tối đa.

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh