Chi tiết bài viết

Mụn trứng cá: nỗi ám ảnh của tuổi dậy thì

 "Nhất dáng, nhì da" quan điểm đó của ông bà ta ngày xưa vẫn đúng cho tới thời điểm hiện nay. Ngày nay, khi cuộc sống của đại đa số người dân được nâng cao, mọi người lại càng chú trọng đến hình dáng bên ngoài nhiều hơn, vì lý do đó chúng tôi sẽ trình bày một cách sơ lược về bệnh MỤN TRỨNG CÁ – một trong những nỗi ám ảnh đối với thanh thiếu niên.

Danh từ "mụn trứng cá" dùng để chỉ những tổn thương nang lông xuất hiện ở tuổi thiếu niên và liên quan tới sự tăng tiết bã nhờn và sự hình thành nhân trứng cá.

Đây là một bệnh rất phổ biến, thường gặp ở thiếu niên và người lớn trẻ với những mức độ nặng nhẹ thay đổi theo từng cá nhân.

Ba yếu tố cần thiết cho sự hình thành mụn trứng cá:

1. Tăng tiết bã nhờn: do tác động của androgen, vì thế mụn trứng cá là bệnh rất phổ biến ở tuổi dậy thì.

2. Sừng hóa phễu: làm tắc nghẽn đường ra, gây ứ đọng chất bã nhờn.

3. Viêm nang lông: do vi trùng Propionibacterium acnes.

Tổn thương của mụn trứng cá rất đa dạng:

– Tăng tiết bã nhờn: đây chính là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển các tổn thương trứng cá. Da sờ nhờn, bóng như có dầu chủ yếu ở hai mũi, hai má và phần trên ngực.

– Nhân trứng cá: gồm hai loại

Mụn đầu trắng : có thể hiển thị như là những điểm nhỏ màu trắng

Mụn đầu đen: là những chấm đen, kích thước từ 1 – 3mm, nằn trong lỗ nang lông tuyến bã. Khi nặn với ngón tay làm vọt ra một sợi nhỏ có chất bã màu hơi vàng có một đầu màu đen.

– Nang nhỏ: tổn thương hơi nhô cao, có màu trắng, đường kính khỏang 2-3mm, vị trí chọn lọc ở hai má và cằm.

– Sẩn: là những tổn thương viêm, đường kính nhỏ hơn 5mm. tổn thương nhô cao, màu đỏ, chắc, đôi khi bóp đau .

– Mụn mủ: thường là những sẩn có chứa mủ ( mủ ở phần đỉnh của sẩn )

– Tổn thương khác: Nang lớn

Ngoài ra, mụn trứng cá còn có thể xuất hiện sau khi sử dụng một số lọai thuốc:

– Thuốc ngừa thai.

– Corticoides ( tại chổ, toàn thân ).

– Thuốc kháng lao.

– Vit B12.

– Thuốc chống động kinh ( Barbituriques…)

– Thuốc chống trầm cảm.

– Các thuốc ức chế miễn dịch ( Azathioprine…)

Mụn trứng cá còn có thể xuất hiện do trầy xước : đây là dạng trứng cá thường gặp ở những cô gái trẻ, có thói quen hay cạo móc các sang thương trứng cá rất nhỏ biến thành dạng trầy xước, đóng mài để sẹo gây mất thẩm mỹ.

Mặc dù bệnh trứng cá không gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân, nhưng lại gây ảnh hưởng rất lớn lên chất lượng cuộc sống khi mà bệnh chủ yếu gặp ở lứa tuổi dậy thì. Bệnh gây cho người bệnh cảm giác bất an, bối rối khi tiếp xúc với người khác, thậm chí có thể gây ra tình trạng trầm cảm, xa lánh bạn bè. Chúng ta cần nắm rõ các yếu tố sau, nhằm góp phần đem lại những giải pháp tối ưu để điều trị mụn trứng cá:

Điều trị mụn trứng cá là một quá trình liên tục. Tất cả những phương pháp điều trị mụn trứng cá cần làm là ngăn những đợt mụn mới bộc phát. Những vết tích do mụn trứng cá gây ra cần phải được chữa lành và cải thiện theo thời gian. Có rất nhiều cách để điều trị:

1. Điều trị tại chổ: chúng ta có thể sử dụng thuốc thoa, có rất nhiều lọai thuốc thoa, tùy theo tình trạng của người bệnh mà bác sĩ có thể kê những lọai thuốc thích hợp. Có thể đơn cử một số lọai như sau:

– Thuốc bôi Rétinoides.

– Peroxide de benzoyle.

– Urée 10%.

– Erythromycine 2%…

Nếu bạn dự định mang thai, hay đang có thai hoặc cho con bú, nên thông báo với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc ( kể cả thuốc bôi ).

2. Đường uống:

– Kháng sinh.

– Thuốc viên ngừa thai.

3. Những phương pháp trị liệu khác:

– Có thể sử dụng liệu pháp ánh sáng quang học với bước song có ánh sang xanh, để hỗ trợ việc điều trị mụn trứng cá.

4. Chăm sóc da đúng cách là một trong những bước hết sức quan trọng trong quá trình điều trị mụn trứng cá:

– Bỏ thói quen sờ tay lên mặt, nặn, hút, hoặc lể mụn vì sẽ gây đỏ và tạo sẹo trên da.

– Cần tránh sử dụng các sản phẩm gây bít tắc lỗ chân lông như dùng mỹ phẩm, đội nón chặt, để tóc che phủ mặt trong thời gian dài, đổ mồ hôi nhiều.

– Chọn lựa các sản phẩm làm sạch, dưỡng da phù hợp: các sản phẩm làm sạch nhẹ nhàng không gây kích ứng cho da, không chứa cát nhám; các sản phẩm dưỡng da có ghi chú ‘ non – acnegenic ‘ ( không tạo mụn ) hoặc ‘ non – comedogenic ‘ (không tạo cồi ).

– Nên rửa mặt 2 – 3 lần mỗi ngày. Chỉ rửa bằng nước sạch khi da khô, đỏ, ngứa rát do tác dụng của thuốc điều trị mụn trứng cá. Khi làm sạch da không nên dùng khăn chà xát vì như thế sẽ làm trầy xước da mà chỉ nên rửa nhẹ nhàng bằng tay, sau đó thấm khô nước bằng gạc sạch.

5. Chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, hợp lý:

– Có chế độ ăn giảm ngọt và béo. Nên ăn nhiều trái cây tươi, nhất là những lọai quả có màu đỏ như dâu tây, dưa hấu… Cần hạn chế các sản phẩm sữa có nguồn gốc động vật.

– Ngủ đúng giờ, tránh thức khuya.

– Tạo một đời sống tinh thần lành mạnh, hạn chế stress và mất ngủ.

– Bảo vệ da chống nắng: hạn chế đi nắng; đeo khẩu trang; đội nón rộng vành bằng vải màu sậm; bôi kem chống nắng.

– Nên kiên trì đi tái khám đúng theo lời dặn của bác sĩ da liễu.

– Không nên tự ý sử dụng thuốc theo lời khuyên của bạn bè, người quen bởi vì việc điều trị rất khác nhau giữa bệnh nhân này và bệnh nhân khác, nó phụ thuộc vào tuổi và giới tính, các yếu tố nguy cơ, đặc điểm da, lọai mụn…

– Có thể phối hợp nhiều phương pháp điều trị như thuốc thoa, thuốc uống và các phương pháp hỗ trợ như chiếu ánh sáng xanh, chiếu tia laser, lột da…

Để mụn trứng cá không còn là nỗi ám ảnh của tuổi dậy thì, thì ngoài việc tuân thủ theo một chế độ điều trị thích hợp, chính bản thân mỗi người bệnh còn phải có một chế độ sinh hoạt ăn uống, nghỉ ngơi thật hợp lý, lành mạnh và an toàn.

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh