Chi tiết bài viết

Nội soi phế quản được thực hiện như thế nào?

1.Ống soi phế quảng là gì?

Ống soi phế quản là một ống mềm có gắn camera ở đầu. Ống soi được đưa vào đường hô hấp qua miệng hoặc mũi để đi vào khí quản sau đó ống được đưa vào phổi của bệnh nhân. Khi đưa ống soi qua đường mũi sẽ giúp bác sĩ quan sát rõ đường hô hấp trên. Nếu đưa ống soi qua đường miệng, bác sĩ có thể sử dụng ống soi to hơn.

Hầu hết bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong khi thực hiện thủ thuật:

  • Răng giả, hàm giả phải được tháo ra
  • Bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch giúp thư giãn. Đôi khi bệnh nhân cũng sẽ được gây mê và ngủ trong quá trình soi
  • Bệnh nhân sẽ được đặt vào tư thế thích hợp. Đầu giường sẽ được nâng cao giúp bệnh nhân có tư thế ngồi. Đầu của bệnh nhân sẽ được đặt ngửa ra sau như đang ngước nhìn trần nhà.
  • Bác sĩ sẽ xịt thuốc tê vào miệng và cổ họng của bệnh nhân giúp giảm cảm giác khó chịu, buồn nôn có thể xảy ra khi ống soi được đưa vào. Nếu nội soi phế quản được thực hiện qua đường mũi, một miếng thạch gây tê sẽ được đặt vào một lỗ mũi. Thuốc có vị khó chịu và bệnh nhân sẽ bắt đầu cảm thấy cổ họng bị tê.
  • Bệnh nhân sẽ bị ho khi ống soi phế quản bắt đầu được đưa vào. Khi thuốc tê bắt đầu có tác dụng bệnh nhân sẽ hết ho. Bệnh nhân sẽ không còn cảm giác ở vùng nội soi khi thuốc tê đã được phun đủ.

Thủ thuật sẽ được bắt đầu khi bệnh nhân bị tê hoàn toàn, ống soi sẽ được đưa vào phổi:

  • Thông thường trong quá trình thực hiện thủ thuật và một thời gian ngắn sau đó, bệnh nhân cần phải được cung cấp oxy qua một ống được luồn vào mũi hoặc bằng mặt nạ dưỡng khí. Máy theo dõi nhịp tim cũng có thể được sử dụng trong khi thực hiện thủ thuật.
  • Bác sĩ có thể bơm nước muối qua ống soi để rửa phổi và lấy mẫu tế bào phổi, dịch phổi và những chất khác trong các phế nang (air sacs). Phần này của thủ thuật được gọi là rửa.
  • Đôi khi bác sĩ có thể đưa những bàn chải nhỏ, kim nhỏ hoặc kẹp qua ống soi phế quản để lấy ra những mẫu mô rất nhỏ (sinh thiết) từ phổi của bệnh nhân.
  • Bác sĩ cũng có thể đặt một ống stent vào đường dẫn khí.

2. Tại sao bạn phải nội soi phế quản

Nội soi phế quản sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý về phổi. Bác sĩ có thể kiểm tra các đường dẫn khí trong phổi hoặc lấy mẫu sinh thiết.

Những lý do phổ biến khi thực hiện nội soi phế quản để chẩn đoán là:

  • Khối u ở phổi, hạch bạch huyết, xẹp phổi hoặc những thay đổi được nhìn thấy trên phim X-quang hoặc qua các khảo sát chẩn đoán hình ảnh khác.
  • Nghi ngờ bệnh mô kẽ phổi
  • Ho ra máu
  • Có dị vật trong đường thở
  • Ho kéo dài hơn ba tháng nhưng không biết nguyên nhân
  • Nhiễm trùng phổi và phế quản nhưng không thể chẩn đoán bằng các phương pháp khác
  • Hít phải khí độc hoặc hóa chất
  • Lấy đi chất dịch hoặc đàm nhớt làm nghẽn đường thở
  • Nong đường thở bị nghẽn hoặc hẹp
  • Dẫ̃n lưu áp xe.
  • Điều trị ung thư bằng cách sử dụng một số những kỹ thuật khác nhau
  • Rửa đường thở (điều trị bằng cách rửa)

3. Nội soi phế quản được chuẩn bị như thế nào?

Nôi soi phế quản sẽ được thực hiện tại khu khám bệnh Ngoại trú và bệnh nhân sẽ được xuất viện trong ngày. Một số bệnh nhân có thể phải ở lại qua đêm tại khu điều trị Nội trú.

  • Bác sĩ sẽ giải thích quy trình nội soi và bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký giấy chấp nhận thủ thuật
  • Xét nghiệm máu đôi khi cần phải thực hiện trước khi nội soi
  • Bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 4 giờ trước khi thực hiện thủ thuật, tuy nhiên có thể uống nước trước đó 2 giờ.
  • Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân không uống aspirin, ibuprofen hoặc những thuốc làm loãng máu khác trước khi nội soi.
  • Bệnh nhân sẽ được đặt kim luồn (catheter) vào tĩnh mạch để truyền thuốc nếu cần.

Bệnh nhân có thể bị buồn ngủ sau khi nội soi, do vậy, bệnh nhân nên có người nhà đi cùng hoặc chuẩn b́ị phương tiện đi lại khi xuất viện

Nhiều người muốn được nghỉ ngơi vào ngày hôm sau, vì thế, bệnh nhân nên sắp xếp công việc, nhờ người trông trẻ hoặc chuẩn bị trước những công cần thiết phải làm.

4. Bệnh nhân sẽ cảm thấy thế nào khi nội soi phế quản?

Thuốc tê tại chỗ (thuốc tê) sẽ được sử dụng để làm dịu và tê các cơ cổ họng. Khi thuốc tê bắt đầu tác dụng, bệnh nhân có thể cảm thấy chất lỏng đang chảy xuống, dọc theo phía sau cổ họng và bệnh nhân sẽ bị cảm giác muốn ho hoặc mắc nghẹn (gag).

Khi thuốc tê có tác dụng hoàn toàn, bệnh nhân sẽ cảm thấy có vật gì đè nhẹ hoặc kéo nhẹ khi ống soi đi qua khí quản. Dù nhiều người có cảm giác ngạt thở khi ống soi đang nằm trong cổ họng, tuy nhiên, nguy cơ bị ngạt thở là KHÔNG xảy ra. Thuốc được dùng sẽ giúp bệnh nhân không thấy khó chịu với những triệu chứng này và sẽ giúp bệnh nhân quên đi cảm giác đang bị nội soi.

Khi thuốc tê hết tác dụng, bệnh nhân có thể bị rát cổ họng trong vài ngày. Sau thủ thuật, phản xạ ho sẽ lập lại trong vòng từ 1-2 giờ. Bệnh nhân sẽ không được phép ăn hoặc uống cho đến khi có phản xạ ho trở lại.

Khi thủ thuật kết thúc, bệnh nhân có thể bị khàn giọng và đau họng. Những tác dụng này chỉ tạm thời. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu cố gắng tạm thời tránh ho và nhổ nước bọt/đờm vào bồn nước cho đến khi bệnh nhân có thể nuốt bình thường.

Tác dụng của thuốc tê được phun vào cổ họng bệnh nhân trước thủ thuật có thể tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng nuốt của bệnh nhân cho đến bốn giờ sau khi thực hiện xong thủ thuật. Do đó, bệnh nhân sẽ không được ăn uống cho đến khi có lại phản xạ nuốt. Điều dưỡng sẽ kiểm tra phản xạ này bằng cách dùng một que gòn để cù vào cổ họng bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ được uống nước từng ngụm khi đã có lại phản xạ nuốt. Trong thời gian chờ phản xạ nuốt trở lại, bệnh nhân cũng sẽ cần phải tiếp tục ngồi thẳng người trên giường.

Khi bệnh nhân có thể nuốt bình thường, bệnh nhân có thể súc miệng bằng nước muối hoặc ngậm kẹo để có thể giúp giảm đau họng.

Không nên hút thuốc sau nội soi phế quản vì hút thuốc sẽ làm tăng kích thích ở đường hô hấp.

5. Nội soi siu phế quản có những rủi ro nào?

Các rủi ro chính từ nội soi phế quản là:

  • Đau họng
  • Chảy máu ở vị trí sinh thiết: nguy cơ chảy máu nghiêm trọng có thể xảy ra khi bác sĩ thực hiện lấy mẫu sinh thiết (xuất huyết). Thông thường là chảy máu lượng ít. Kỹ thuật viên hoặc điều dưỡng sẽ theo dõi lượng máu chảy của bệnh nhân sau thủ thuật.
  • Nguy cơ sặc gây ngạt thở nếu nuốt bất cứ thứ gì (kể cả nước) trước khi thuốc tê hết tác dụng.
  • Nhiễm trùng

Ngoài ra còn có một số ít rủi ro khác:

  • Loạn nhịp tim
  • Thở khó
  • Sốt
  • Nhồi máu cơ tim (heart attack) ở người bị bệnh tim.
  • Oxy máu thấp
  • Tràn khí màng phổi (xẹp phổi)

Xin thông báo ngay cho bác sĩ nếu bệnh nhân gặp phải các triệu chứng như: khó thở, thở khò khè, đàm có máu, sốt, đau ngực.

Kết qua nội soi

Sau khi thực hiện xong thủ thuật, bác sĩ sẽ thông báo cho bệnh nhân các kết quả tìm thấy ban đầu. Trường hợp có sinh thiết, mẫu sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra, hầu hết các kết quả sẽ được thông báo cho bệnh nhân từ 48 đến 72 giờ, tuy nhiên, một vài trường hợp sẽ phải đợi thêm vài ngày để kiểm tra thêm.

Thông thường, bệnh nhân sẽ có lịch tái khám vài ngày sau thủ thuật để bác sĩ thông báo kết quả

Nguồn: Bệnh viện FV