Chi tiết bài viết

Phẩu thuật ung thư thực quản là gì và thực hiện như thế nào?

Đối với một số ung thư thực quản (ống dẫn thức ăn) ở giai đoạn sớm, có thể thực hiện phẫu thuật để loại bỏ ung thư. Nếu ung thư vẫn chưa di căn ra ngoài thực quản, việc cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản (và các hạch bạch huyết lân cận) có thể giúp điều trị ung thư. Đáng tiếc là hầu hết ung thư thực quản không được phát hiện kịp thời để có thể điều trị bằng phẫu thuật. Trong trường hợp đó, phẫu thuật thường được kết hợp với các phương pháp điều trị khác, như hóa trị và/hoặc xạ trị.

Cần thực hiện phương pháp phẫu thuật nào?

Phương pháp phẫu thuật dành cho ung thư thực quản sẽ tùy thuộc vào:

  • Kích thước của khối u

  • Vị trí của khối u trong thực quản.

Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc hầu hết thực quản (gọi là phẫu thuật cắt bỏ thực quản) đều là phẫu thuật lớn.

Cắt bỏ một phần thực quản và một phần dạ dày

Nếu ung thư nằm ở phần dưới của thực quản (gần dạ dày) hoặc ở chỗ nối của thực quản và dạ dày, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ một phần của dạ dày, phần thực quản bị ung thư, và khoảng 8 đến 10 cm đoạn thực quản bình thường nằm ngay phía trên khối u. Đây gọi là phẫu thuật cắt bỏ thực quản dạ dày. Sau đó dạ dày sẽ được nối với phần còn lại của thực quản phía trên ngực hoặc trên cổ.

Cắt bỏ một phần thực quản và nối vào dạ dày

Phương pháp này được áp dụng khi ung thư chỉ nằm ở thực quản. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ ung thư và một số mô lành lân cận. Sau đó dạ dày được kéo lên ngực để nối với thực quản.

Cắt bỏ toàn bộ thực quản

Nếu khối u nằm ở đoạn trên hoặc đoạn giữa của thực quản, hầu hết thực quản sẽ bị cắt bỏ. Phẫu thuật này gọi là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ thực quản. Bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng dạ dày hoặc hiếm hơn là một phần của ruột để thay thế cho phần thực quản đã bị cắt bỏ. Khi bác sĩ phẫu thuật sử dụng dạ dày để thay thế cho thực quản thì dạ dày sẽ được kéo lên trên ngực và nối với phần thực quản ở cổ.

Phẫu thuật được thực hiện như thế nào?

Phẫu thuật cắt bỏ thực quản có thể được thực hiện bằng một trong hai kỹ thuật chính. Trong phẫu thuật mở thông thường, bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện một hoặc nhiều đường rạch (vết mổ) lớn ở cổ, ngực hoặc bụng. Trong phẫu thuật ít xâm hại, bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện một số đường rạch nhỏ hơn bằng cách sử dụng các dụng cụ phẫu thuật chuyên dụng dài và nhỏ.

Phẫu thuật cắt bỏ thực quản mở ngực

Nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau có thể được áp dụng để cắt bỏ một phần thực quản:

  • Đối với phẫu thuật cắt bỏ thực quản qua thành ngực, thực quản được cắt bỏ qua các đường rạch chính ở bụng và ngực

  • Đối với phẫu thuật cắt bỏ thực quản không mở ngực, thực quản được cắt bỏ qua các đường rạch chính ở bụng và cổ

  • Một số phẫu thuật được thực hiện qua các đường rạch ở cổ, ngực và bụng.

Phẫu thuật cắt thực quản ít xâm hại

Đối với một số ung thư (nhỏ) ở giai đoạn sớm, thực quản có thể được cắt bỏ qua một vài đường rạch nhỏ thay vì các đường rạch lớn. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa một ống soi (như một loại kính viễn vọng rất nhỏ) qua một đường rạch để quan sát tất cả mọi thứ trong quá trình phẫu thuật. Sau đó, các dụng cụ phẫu thuật sẽ được đưa vào các đường rạch nhỏ khác. Để thực hiện tốt phẫu thuật này, bác sĩ phẫu thuật phải có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm trong việc cắt bỏ thực quản theo cách này. Do các đường rạch nhỏ hơn, phẫu thuật cắt bỏ thực quản ít xâm hại có thể cho phép bệnh nhân xuất viện sớm hơn và hồi phục nhanh hơn.

Dù thực hiện bằng bất kỳ phương pháp nào thì phẫu thuật cắt bỏ thực quản không phải là một phẫu thuật đơn giản và có thể cần nằm viện dài ngày.

Nạo vét hạch bạch huyết

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ kiểm tra thực quản và các vùng lân cận, sau đó sẽ nạo vét tất cả các hạch bạch huyết xung quanh thực quản. Đây gọi là Phẫu thuật nạo vét hạch bạch huyết.

Bác sĩ phẫu thuật chỉ lấy đi các hạch bạch huyết khi chúng có các tế bào ung thư di căn từ nơi ung thư chính. Việc cắt bỏ hạch giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư sau này. Đồng thời nó cũng giúp bác sĩ quyết định nếu cần hóa trị sau khi phẫu thuật .

Số hạch bạch huyết cần nạo vét sẽ khác nhau tùy trường hợp. Bác sĩ phẫu thuật cũng có thể nạo vét các hạch xung quanh dạ dày.

Tai biến và biến chứng của phẫu thuật cắt bỏ thực quản là gì?

Giống như hầu hết các ca phẫu thuật lớn, phẫu thuật thực quản cũng chứa đựng một số nguy cơ. Một vài biến chứng của phẫu thuật này có thể đe dọa đến tính mạng.

  • Các nguy cơ ngắn hạn bao gồm phản ứng với thuốc gây mê, chảy máu quá mức, huyết khối trong phổi hoặc những nơi khác, và nhiễm khuẩn. Hầu hết mọi người sẽ bị đau sau khi phẫu thuật, và các cơn đau này thường được kiểm soát khi dùng thuốc giảm đau.

  • Biến chứng ở phổi rất thường gặp. Viêm phổi có thể xảy ra làm kéo dài thời gian nằm viện, và đôi khi dẫn đến tử vong.

  • Một số người có thể thay đổi giọng nói sau khi phẫu thuật.

  • Tình trạng rò rỉ có thể xảy ra ở miệng nối dạ dày (hoặc ruột non) với thực quản, để khắc phục có thể cần phải phẫu thuật lại. Tuy nhiên, tình trạng này không còn phổ biến như trước đây vì đã có những cải tiến trong kỹ thuật phẫu thuật.

  • Miệng nối thực quản – dạ dày sau khi phẫu thuật có thể bị hẹp, gây ra các vấn đề về nuốt cho một số bệnh nhân. Để giảm triệu chứng này, bác sĩ có thể thực hiện nong những chỗ hẹp thực quản qua thủ thuật nội soi đường tiêu hóa trên.

  • Sau phẫu thuật, quá trình làm trống (thoát lưu) dạ dày có thể diễn ra rất chậm vì các dây thần kinh điều khiển sự co thắt đã bị ảnh hưởng bởi phẫu thuật. Đôi khi tình trạng này có thể làm cho bạn buồn nôn và nôn ói thường xuyên.

  • Sau phẫu thuật, mật và các chất trong dạ dày có thể trào ngược lên thực quản vì cơ kiểm soát chức năng này (cơ vòng thực quản dưới) thường bị cắt bỏ và thay đổi do phẫu thuật. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng như ợ nóng. Đôi khi, các loại thuốc kháng axít (antacids) hoặc thuốc điều hòa chức năng vận động đường tiêu hóa (motility) có thể làm giảm các triệu chứng này.

Phẫu thuật giảm nhẹ

Đôi khi thay vì cố gắng điều trị bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng các loại phẫu thuật nhỏ để giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm nhẹ các vấn đề do ung thư gây ra. Ví dụ, phẫu thuật đặt ống nuôi ăn trực tiếp vào dạ dày hoặc ruột non ở những người cần được cung cấp đủ dinh dưỡng.

Nguồn: Bệnh viện FV