Chi tiết bài viết

Phòng ngừa bệnh do Virus Corona ở người già

Virus Corona (2019-nCoV)được biết đến là nguyên nhân gây ra dịch viêm phổi Vũ Hán đang sốt lên trên toàn cầu. Sự lây lan của loại virus này đặc biệt mạnh mẽ ở các đối tượng có sức đề kháng kém, ví dụ như người cao tuổi, phụ nữ mang thai… Làm thế nào để phòng chống và ngăn ngừa sự lây nhiễm virus Corona ở người cao tuổi?

1.Tình hình người già nhiễm Corona đáng báo động

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh ở Trung Quốc (CCDC) cho biết: Trong số những ca nhiễm bệnh viêm phổi cấp do virus Corona hiện nay, có đến 80% các trường hợp được xem là ở tình trạng nhẹ, tuy nhiên, trường hợp những người đang đau yếu hoặc người cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Theo giới chức Trung Quốc, tuy tỷ lệ tử vong nhìn chung đang ở mức thấp, nhưng đối với nhóm người trên 80 tuổi, nguy cơ này đặc biệt tăng cao. Cụ thể hơn, ở những người dưới 50 tuổi, tỷ lệ tử vong rơi vào khoảng 1/325 trường hợp – tương đương với 0.3%. Tuy nhiên, đối với những người đổ độ tuổi 70, có khoảng 8% người già nhiễm Corona không thể sống sót và ở những người 80 tuổi trở lên thì tỷ lệ tử vong đạt gần 15%.

Nếu xét theo giới tính, nam giới sẽ có mức tử vong cao hơn so với phụ nữ (2.8% so với 1.7%).

Bên cạnh đó, tại Ý, số người chết vì virus Corona đang gia tăng từng ngày, trong đó có đến 3 người cao tuổi: 1 người 77 tuổi, một người đàn ông 84 tuổi và một người khác đã 88 tuổi. Có thể nói, virus Corona đang tấn công và giáng một đòn mạnh mẽ đến những đối tượng đau yếu và cả người cao tuổi.

2. Hướng dẫn phòng ngừa bệnh viêm phổi cấp do Corona ở người cao tuổi

Virus Corona phát tán khắp nơi trong không khí từ người nhiễm mỗi khi họ ho hoặc hắt hơi. Đặc biệt, ở điều kiện thời tiết lạnh và nhiệt độ thấp, loại virus này có thể tồn tại lâu hơn ở môi trường ngoài. Điều này dẫn đến sự lây lan của dịch bệnh do virus corona (2019-nCoV).

Chính vì vậy, nếu như không thể thay đổi điều kiện ngoại cảnh như thời tiết, môi trường, nhiệt độ… chúng ta cần tích cực áp dụng các biện pháp phòng chống lây nhiễm Corona thông qua đường hô hấp.

Thực tế, các nhà nghiên cứu đã chứng minh virus corona (2019-nCoV) sẽ hạn chế phát triển và phát tán ở điều kiện thời tiết nắng ấm và nhiệt độ từ 20 – 25 độ C. Do đó, bạn có thể ngăn ngừa bệnh viêm phổi cấp do virus corona bằng cách tự tạo một môi trường thông thoáng, sạch sẽ và ấm áp trong ngôi nhà.

Ngoài ra, để giúp người già hạn chế nguy cơ nhiễm virus Corona viêm phổi cấp, bạn cần hết sức chú ý:

  • Tránh tụ tập ở những nơi đông người, đặc biệt là nhóm người bị bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường… Nhóm những đối tượng này rất dễ bị mắc phải biến chứng viêm nhiễm (nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn đường hô hấp)…
  • Luôn đeo khẩu trang và rửa tay, vệ sinh cơ thể thường xuyên cho người già và cả những thành viên khác trong gia đình.
  • Duy trì các điều trị thường quy cho những bệnh sẵn có của người cao tuổi, giữ ấm đường mũi và cổ họng…
  • Chăm sóc, nâng cao chất lượng dinh dưỡng của các bữa ăn nhằm nâng cao sức đề kháng của người cao tuổi.
  • Tăng cường cho người cao tuổi uống nước ấm hoặc trà ấm kể cả khi không khát.

3. Khi nào cần đưa người già đến bệnh viện?

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, các dấu hiệu bị nhiễm bệnh viêm phổi cấp do corona tương tự như các triệu chứng cảm lạnh bao gồm:

  • Ho, sốt
  • Đau họng
  • Sổ mũi
  • Nhức đầu
  • Tức ngực, khó thở..

Tuy nhiên, khi virus Corona phát triển mạnh hơn, các cơ quan có thể bị tổn thương và gây ra nhiều dấu hiệu triệu chứng khác. Một số khác lại không có biểu hiện lâm sàng hoặc biểu hiện không rõ ràng, gây nhiều khó khăn trong việc phát hiện bệnh.

Cho đến nay vẫn chưa có phác đồ hay thuốc điều trị đặc hiệu virus Corona cũng như vắc-xin phòng bệnh viêm phổi Vũ Hán do virus này gây ra. Vì vậy, việc điều trị vẫn chủ yếu dựa trên công tác phòng bệnh, hạn chế triệu chứng và biến chứng.

Do các nguyên nhân trên, Bộ Y tế khuyến cáo những trường hợp nghi nhiễm với biểu hiện sốt ho, khó thở và có những yếu tố về dịch tễ sau:

  • Đã có tiền sử ở/trở về hoặc đến các vùng dịch trong vòng 14 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng.
  • Tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với những đối tượng nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh viêm phổi do virus Corona.
  • Người từng tiếp xúc với động vật hoang dã trong các vùng dịch trong vòng 14 ngày.

Tất cả những trường hợp phía trên đều cần được đưa đi khám ngay để có kiểm tra – chẩn đoán chính xác nhằm cách ly và điều trị kịp thời.

Có thể nói, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán do virus Corona đang là một dịch bệnh khẩn cấp trên toàn cầu và đối tượng đáng lo ngại hơn cả là người cao tuổi. Hãy cẩn thận và tích cực thực hiện các công tác phòng bệnh, hạn chế nguy cơ lây lan của loại virus này.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec