Chi tiết bài viết

Rách cơ chóp xoay có nguy hiểm?

Rách cơ chóp xoay vai là tình trạng đứt một phần hoặc hoàn toàn gân cơ thuộc nhóm cơ chóp xoay. Nguyên nhân rách cơ chóp xoay thường đến từ hai nhóm chính là chấn thương và thoái hóa. Rách cơ chóp xoay nếu không được điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng như lỏng khớp, mất vững các khớp và viêm khớp thoái hóa.

1. Rách cơ chóp xoay là gì

Rách cơ chóp xoay hoặc rách cơ chóp xoay vai là sự xuất hiện của một hay nhiều vết rách khiến các cơ quay của khớp vai bị rách một phần hay hoàn toàn. Khớp vai được cấu tạo từ ba thành phần, bao gồm xương vai, chỏm xương cánh tay và xương đòn, tạo nên các khớp như khớp cánh tay, khớp ức đòn và khớp cùng vai đòn. Vì có khả năng vận động trong một phạm vi khá lớn nên khớp vai và các tổ chức phần mềm của nó như cơ và dây chằng cũng dễ tổn thương.

Cơ chóp xoay là một nhóm gồm bốn cơ khác nhau, gồm cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai và cơ tròn bé. Nhóm cơ chóp xoay chịu trách nhiệm giữ vững khớp vai và tham gia vào các chuyển động của khớp. Rách cơ chóp xoay là một trong những nguyên nhân thường gặp gây đau và hạn chế tầm vận động khớp vai, ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người bệnh. Rách cơ chóp xoay vai thường xảy ra ở những người trên 40 tuổi, là đối tượng thường lao động và hoạt động nhiều, chiếm khoảng 15 đến 40% tổng số các trường hợp.

2. Nguyên nhân rách cơ chóp xoay

Nguyên nhân rách cơ chóp xoay thường là chấn thương, bao gồm các sang chấn cấp tính hoặc những vi chấn thương nhỏ nhưng lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Một số tư thế chấn thương đặc trưng có thể gây rách cơ chóp xoay là:

  • Té ngã ở tư thế cánh tay dạng lớn
  • Nâng một vật nặng theo hướng thẳng đứng từ dưới lên qua khỏi đầu.
  • Vận động mạnh hướng tay ra sau một cách đột ngột

Nhóm nguyên nhân chấn thương gây rách cơ chóp xoay thường gặp ở người trẻ tuổi, thường xuyên vận động hoặc thực hiện lặp lại nhiều lần các động tác không tốt cho nhóm cơ khớp vai. Những người thường xuyên sử dụng cánh tay như thợ sơn nhà, thợ mộc, vận động viên tennis, vận động viên bắn cung, bóng chày, lâu dần sẽ dễ đưa đến rách cơ chóp xoay vai.

Nhóm nguyên nhân thứ hai cũng thường gây rách cơ chóp xoay vai là thoái hóa, thường gặp ở những người lớn tuổi. Theo tiến trình tự nhiên của thời gian, gân cơ nhóm cơ chóp xoay bị mài mòn dần, và cuối cùng dẫn đến rách. Rách cơ chóp xoay do thoái hóa thường thấy ở cánh tay thuận do tần suất sử dụng cao hơn. Một số nguyên nhân hiếm gặp khác cũng có thể gây rách cơ chóp xoay như chèn ép, thiếu máu nuôi dưỡng. Khả năng gặp phải tình trạng rách cơ chóp xoay thường tăng lên ở những người lớn tuổi và những người có tiền sử gia đình mắc bệnh.

3. Triệu chứng bệnh rách cơ chóp xoay vai

Triệu chứng nổi bật khi bị rách cơ chóp xoay là đau vai. Người bệnh thường phải đối mặt với triệu chứng đau nhiều tại khớp vai, đau tăng khi vận động cánh tay đưa cao hoặc dạng rộng và tăng về đêm trong tư thế nằm nghiêng về bên tổn thương. Vị trí đau thông thường là mặt ngoài và phía trước khớp vai, lan xuống cánh tay cùng bên. Cánh tay và khớp vai không còn khả năng vận động trong giới hạn bình thường, đôi khi một số bệnh nhân còn cảm thấy yếu liệt vùng khớp vai, khiến việc thực hiện các động tác trong sinh hoạt hằng ngày gặp nhiều khó khăn. Một thời gian dài nếu bệnh không được phát hiện có thể đưa đến biến chứng teo nhỏ các cơ quanh vùng vai.

4. Các phương pháp chẩn đoán rách cơ chóp xoay

Chẩn đoán một trường hợp rách cơ chóp xoay cần có sự phối hợp của các triệu chứng lâm sàng và các phương tiện cận lâm sàng khác. Người bệnh thường được chỉ định thực hiện các cận lâm sàng sau:

  • Chụp phim Xquang khớp vai ở ba tư thế thẳng, nghiêng để phát hiện các bất thường liên quan đến xương, trật khớp hay không
  • Cộng hưởng từ khớp vai hay MRI khớp vai là phương tiện chẩn đoán hình ảnh có giá trị để chẩn đoán tổn thương phần mềm, gân cơ quanh khớp vai. Trong đó chụp MRI khớp vai có tiêm thuốc cản quang cho hình ảnh chính xác hơn.
  • Nội soi khớp vai là phương tiện chẩn đoán có độ chính xác cao nhất, và cũng là phương tiện hỗ trợ điều trị.

5. Các phương pháp điều trị rách cơ chóp xoay

Lựa chọn phương pháp điều trị bệnh rách cơ chóp xoay thay đổi tùy thuộc vào mức độ tổn thương rách cơ chóp xoay lớn hay nhỏ và tổng trạng, tuổi của người bệnh. Thuốc được lựa chọn sử dụng như một phương pháp không can thiệp đầu tay, chủ yếu giúp điều trị triệu chứng đau của bệnh nhân. Các loại thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, kháng viêm không steroid thường được chỉ định trên lâm sàng theo đường uống hoặc tiêm tại chỗ tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ. Có thể sử dụng kết hợp giữa các nhóm thuốc với nhau hoặc với corticoid để kiểm soát triệu chứng đau tốt hơn.

Tuy nhiên, người bệnh không được tự ý điều trị hoặc thay đổi liều lượng của thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ, tránh gây ra các tác dụng không mong muốn. Trong bệnh lý rách cơ chóp xoay, tập phục hồi chức năng và vật lý trị liệu đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm đau và tăng sức vận động khớp. Cần thời gian dài khoảng vài tháng mới có thể giúp người bệnh khôi phục được sức cơ, từ đó tăng cường độ vững khớp và giúp người bệnh dần quay lại với các hoạt động sinh hoạt thường ngày.

Phẫu thuật là phương pháp được áp dụng trong những trường hợp rách cơ chóp xoay hoàn toàn. Các đoạn dây chằng bị rách sẽ được cố định và nối phục hồi hoặc đính đầu gân bị đứt vào xương một cách trực tiếp tùy thuộc vào vị trí tổn thương. Những bệnh nhân có rách cơ chóp xoay bán phần có thể được tiến hành phẫu thuật để cắt lọc phần bị rách, vứt bỏ các tổ chức viêm.

Những người có nguy cơ cao rách cơ chóp xoay vai hoặc sau điều trị rách cơ chóp xoay, cần có sự điều chỉnh trong sinh hoạt để hạn chế khả năng chấn thương và dự phòng tái phát như:

  • Tuân thủ sự điều trị của bác sĩ
  • Không kéo dài thời gian sử dụng thuốc hay thay đổi liều điều trị khi không có sự tham vấn của các bác sĩ chuyên khóa
  • Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng theo hướng dẫn, không gắng sức hoặc thực hiện các động tác quá tầm
  • Tập sinh hoạt và lao động bằng tay phía bên không bị tổn thương để giảm thiểu áp lực lên khớp vai bên tổn thương

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec