Chi tiết bài viết

Suy dinh dưỡng cấp tính: Nguyên nhân, biểu hiện, chẩn đoán

Chẩn đoán suy dinh dưỡng cấp tính dựa vào chu vi vòng cánh tay và cân nặng theo chiều cao bởi các biểu hiện lâm sàng thường khó nhận biết. Nếu trong 2 yếu tố chu vi vòng cánh tay và cân nặng thấp hơn so với ngưỡng thì được chẩn đoán suy dinh dưỡng cấp.

1. Nguyên nhân suy dinh dưỡng cấp tính

Suy dinh dưỡng cấp tính là tình trạng cơ thể không nhận đủ năng lượng và đạm theo nhu cầu. Suy dinh dưỡng cấp tính có thể gây còi cọc hoặc bị phù.

Trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính có nguy cơ tử vong cao gấp 5-20 lần so với trẻ bình thường. Nguyên nhân suy dinh dưỡng cấp tính bao gồm:

  • Bữa ăn nghèo nàn về dưỡng chất
  • Khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng kém do bệnh lý đường tiêu hóa hoặc sau một đợt bệnh nặng, người bệnh cảm thấy không ngon miệng, không muốn ăn
  • Có nhiều rối loạn tâm thần kinh ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của người bệnh như trầm cảm, chứng chán ăn tâm thần, chứng ăn ói và các rối loạn ăn uống khác.
  • Trẻ sơ sinh không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên, không bú đủ sữa mẹ và cho ăn dặm quá sớm.

2. Chẩn đoán suy dinh dưỡng cấp tính

Chẩn đoán suy dinh dưỡng cấp tính dựa vào chu vi vòng cánh tay và cân nặng theo chiều cao bởi các biểu hiện lâm sàng thường khó nhận biết. Nếu trong 2 yếu tố chu vi vòng cánh tay và cân nặng thấp hơn so với ngưỡng thì được chẩn đoán suy dinh dưỡng cấp. Cụ thể:

  • Chu vi vòng cánh tay: Từ >115mm – 125mm (áp dụng cho trẻ 6-59 tháng tuổi);
  • Cân nặng chiều cao: Cân nặng/chiều cao từ -3SD đến -2SD

2.1. Suy dinh dưỡng thể phù

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trẻ bị mắc suy dinh dưỡng thể phù là do cung cấp thiếu protid. Dấu hiệu nhận biết gồm:

  • Phù bắt đầu từ 2 chi dưới, sau đó phù toàn thân; phù trắng mềm, ấn lõm.
  • Rối loạn tiêu hóa hoặc bị viêm phổi.
  • Dựa vào chu vi vòng cánh tay hoặc cân nặng theo chiều cao có thể bình thường
  • Chi, bẹn, mông thường nổi nốt đỏ trên da sau đó chuyển sang thâm đen và bong ra, dễ nhiễm trùng gây loang lổ.
  • Chẩn đoán thấy suy tim, gan to, loãng xương,…
  • Xét nghiệm thấy huyết sắc tố giảm, natri và kali giảm, acid amin không thiết yếu hoặc thiếu yếu tăng cao,…

2.2. Suy dinh dưỡng thể còi cọc

Trẻ suy dinh dưỡng ở thể này có nguyên nhân chủ yếu là do cung cấp thiếu năng lượng. Dấu hiệu nhận biết gồm:

  • Trẻ không có lớp mỡ dưới da mặt, chi, mông nên trẻ còi cọc, mắt trũng
  • Da khô, nhăn nheo
  • Có cảm giác thèm ăn hoặc không
  • Trẻ trở nên ủ rũ, ít linh động, quấy khóc.
  • Huyết sắc tố giảm
  • Hematocrit, protein máu giảm
  • Đường máu và điện giải đồ thay đổi

2.3. Suy dinh dưỡng thể phối hợp

Suy dinh dưỡng thể phối hợp là dạng kết hợp giữa suy dinh dưỡng thể còi cọc và thể phù, nguyên nhân là do trẻ bị thiếu năng lượng và thiếu protid. Dấu hiệu nhận biết:

  • Cân nặng của bé giảm xuống dưới 60% trọng lượng của trẻ bình thường (dưới – 4SD).
  • Trẻ bị phù, nhưng cơ thể lại gầy đét, má hóp nhưng lại phù ở mu bàn chân và có thể có mảng sắc tố.
  • Trẻ còn bị kém ăn, hay bị rối loạn tiêu hoá.

3. Phòng ngừa bệnh suy dinh dưỡng cấp

  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và kéo dài ít nhất hai năm. Chỉ cho trẻ sử dụng sữa công thức khi tình trạng không đủ sữa mẹ
  • Ăn thức ăn phong phú để kích thích ngon miệng
  • Tăng cường các hoạt động thể chất thường xuyên
  • Điều trị các bệnh lý tại đường tiêu hóa và bệnh lý toàn thân.
  • Không lạm dùng kháng sinh trong việc điều trị bệnh
  • Thường xuyên theo dõi quá trình tăng trưởng của trẻ bằng biểu đồ

​Nguồn: Bệnh Viện Vinmec