Chi tiết bài viết

Suy tĩnh mạch chân mãn tính: Bệnh lý thường gặp nhưng ít được quan tâm

Suy tĩnh mạch là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả nữa, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần. Hậu quả là các tĩnh mạch bị quá tải, căng dãn ra, làm thoát dịch ra mô xung quanh gây ra các triệu chứng tại chỗ như mỏi chân, nặng chân, vọp bẻ (chuột rút), đau nhức bắp chân, ngứa da, phù chân…

Suy tĩnh mạch là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả nữa, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần. Hậu quả là các tĩnh mạch bị quá tải, căng dãn ra, làm thoát dịch ra mô xung quanh gây ra các triệu chứng tại chỗ như mỏi chân, nặng chân, vọp bẻ (chuột rút), đau nhức bắp chân, ngứa da, phù chân… Tình trạng ứ đọng này kéo dài qua nhiều tháng, nhiều năm và ngày càng nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khó trị như loét chân, tắc mạch, viêm mạch… nếu ngay từ giai đoạn sớm không được điều trị đúng cách.

 

Nữ hay bị suy tĩnh mạch chân:

Suy tĩnh mạch khá phổ biến trong dân số chung, nhất là những người làm việc phải đứng hoặc ngồi lâu, ít vận động cơ bắp chân như: nhân viên văn phòng, giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên bán hàng, công nhân…Đối tượng rất dễ bị suy tĩnh mạch là phụ nữ mang thai. Lúc mang thai có thể có biểu hiện của phù hay nổi tĩnh mạch, dãn tĩnh mạch hoặc không có biểu hiện gì. Ngay sau sanh có thể những biểu hiện này "biến mất". Tuy nhiên, sau sanh 3-5 năm, phần lớn phụ nữ bắt đầu có những triệu chứng sớm của suy tĩnh mạch.

Nữ thường bị nhiều hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch, do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt như bán hàng, thợ dệt, do khối lượng cơ thấp hoặc dùng giày không thích hợp.

Tăng trọng quá mức cũng là một yếu tố nguy cơ vì lực tác động từ phía trước để hút máu về bị giảm và các dòng trào ngược ly tâm phát sinh do gia tăng áp lực từ ổ bụng.

Thuốc ngừa thai do sử dụng nội tiết tố nên cũng là một yếu tố nguy cơ như thai nghén.

Phẫu thuật có thể gây ra biến chứng huyết khối tĩnh mạch và viêm tĩnh mạch nhất là những phẫu thuật vùng tiểu khung như phẫu thuật trong sản khoa và niệu khoa các thủ thuật khác như bó bột, bất động lâu trong gãy xương… Tuy nhiên gần đây tầm quan trọng của yếu tố nguy cơ này đã giảm bớt.

Có nhiều loại giãn tĩnh mạch chân:

Tùy theo vị trí và nguyên nhân của tổn thương, bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới được chia làm 4 nhóm:

1. Nhóm giãn tĩnh mạch tiên phát hay còn gọi là giãn tĩnh mạch vô căn: trong nhóm này, ban đầu các tĩnh mạch bị giãn và dài ra sau đó các van tĩnh mạch mất dần chức năng.

2. Nhóm giãn tĩnh mạch thứ phát, thường do viêm tĩnh mạch: Ở nhóm này các van tĩnh mạch bị mất chức năng trước, sau đó các tĩnh mạch mới bị giãn và dài ra.

3. Giãn tĩnh mạch ở người có thai, do tác dụng của nội tiết tố sinh dục nữ và chèn ép của tử cung bị to ra khi có thai.

4. Giãn tĩnh mạch bẩm sinh, nguyên nhân do bất thường của thành tĩnh mạch làm nghẹt tĩnh mạch sâu và dò động tĩnh mạch (dạng u máu hỗn hợp).

Triệu chứng thường gặp:

Các triệu chứng thường gặp nhất trong giai đoạn đầu là phù hai chi dưới đi kèm với cảm giác nặng, chuột rút về ban đêm, triệu chứng này sẽ bớt khi bệnh nhân kê chân cao buổi tối khi đi ngủ. Về sau, các triệu chứng nặng dần và xuất hiện các mảng rối loạn dinh dưỡng trên da và các tĩnh mạch giãn dần, nổi ngoằn nghoèo, có thể có những đợt viêm tắc tĩnh mạch với các triệu chứng nhiễm trùng toàn thân như sốt cao, môi khô lưỡi dơ và tại chỗ tĩnh mạch bị viêm đỏ, bên trong lòng xuất hiện những cục thuyên tắc cứng v.v…

Những bệnh nhân ăn theo chế độ ăn kiêng nhiều chất bột, ít chất xơ hay bị táo bón cũng rất dễ bị giãn tĩnh mạch.

Mức độ : Mức độ suy tĩnh mạch mạn: Dựa vào các ctriệu chứng lâm sàng, người ta chia suy tĩnh mạch mạn tính thành nhiều mức độ:

Suy tĩnh mạch nặng nhẹ

– Độ 0: Chỉ đơn thuần có triệu chứng cơ năng như đã mô tả

– Độ 1: Giãn các tĩnh mạch xa, tĩnh mạch lưới, sưng vùng mắt cá chân.

– Độ 2: Xuất hiện giãn tĩnh mạch rõ, điển hình.

– Độ 3: Có kèm theo phù nhưng không có những biến đổi của da.

– Độ 4: Đã có biến đổi của da như sạm da, chàm, xơ mỡ bì.

– Độ 6: Biến đổi da và có loét tiến triển.

Biến chứng :

– Trước tiên là các biến chứng về rối loạn huyết động học: cẳng chân bệnh nhân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm.

– Nặng hơn bệnh nhân có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng.

– Giai đoạn cuối cùng có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, các tĩnh giãn rất lớn, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị.

– Cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Xác định bệnh: dựa vào khám lâm sàng bao gồm nhìn thấy những đoạn tĩnh mạch bị giãn, ngoằn ngoèo, da đổi màu, rối loạn dinh dưỡng, loét và sự xuất hiện của các u máu.

– Cuối cùng, chẩn đoán được xác định bằng siêu âm Doppler màu mạch máu, với phương pháp này cho phép chúng ta xác định được những rối loạn huyết động học, tình trạng của các van tĩnh mạch, mức độ giãn của tĩnh mạch và các cục thuyên tắc trong lòng mạch để từ đó có thái độ điều trị đúng đắn.

– Tại bệnh viện Vạn Hạnh phương pháp siêu âm Doppler màu chẩn đoán giãn tĩnh mạch chân được áp dụng thường quy đó là phương pháp thăm dò không chảy máu, đơn giản và cho kết quả chính xác.

Điều trị :

– Thuốc : Các thuốc kháng viêm làm giảm các triệu chứng tại chỗ do chất dơ ở tĩnh mạch thoát ra ngoài gây viêm, ngứa… Trong khi các thuốc làm giảm tính thấm thành mạch có tác dụng làm giảm thoát dịch ra mô xung quanh, do đó làm giảm phù. Tuy nhiên, khi phù đã nặng thì các thuốc này không đủ sức chống chọi mà phải nhờ một tác động cơ học làm khép van lại, đó là vớ y khoa : Làm phục hồi tác dụng van một chiều vẫn là điều cơ bản nhất trong điều trị bệnh tĩnh mạch. Khi đó, thuốc sẽ hỗ trợ đáng kể trong vài tuần đầu mang vớ ở những người có phù hoặc có những biến chứng tại chỗ do ứ đọng chất dơ gây ra.

Vớ y khoa có nhiều loại khác nhau dùng để phòng ngừa và điều trị bệnh suy tĩnh mạch ở các giai đoạn khác nhau, giúp ngăn chặn tiến triển xa hơn của bệnh, ở bất cứ giai đoạn nào của bệnh, giúp mới làm khép van tĩnh mạch, phục hồi tác dụng van "một chiều", và làm tăng tốc độ lưu thông máu nhờ tạo độ dốc áp lực dẫn máu về tim dễ dàng hơn.

Môn thể thao nào có lợi cho tĩnh mạch?

Không phải môn thể thao nào cũng có lợi cho tĩnh mạch. Những môn thể thao "nặng" như đá banh, tennis, bóng chuyền, nhảy cao, nhảy xa… không có lợi cho tĩnh mạch vì nó làm chấn động tĩnh mạch khi chúng ta chạy nhảy với tốc độ và cường độ cao. Nên chơi những môn thể thao "nhẹ nhàng" như bơi lội, đi bộ, chạy bộ, khiêu vũ, đạp xe vì những môn thể thao này chủ yếu làm nhón gót và tăng hoạt động của khớp cổ chân và cơ bắp chân. Tốt nhất là tập mỗi ngày 2 lần, mỗi lần ít nhất 30 phút.

Nguồn: Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh