Chi tiết bài viết

Tác hại nếu cơ thể bị thừa sắt

Thừa sắt là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng của cơ thể vì gây ra những tổn thương ở đường tiêu hóa, gan, gia tăng hàm lượng sắt cục bộ và tăng sinh gốc tự do. Vì vậy, cách chữa thừa sắt cần lập tức thực hiện là loại bỏ sắt hoặc thải sắt trong máu để tránh những nguy hiểm.

1. Thừa sắt

Thừa sắt hay còn gọi là quá tải sắt là hiện tượng lượng sắt trong cơ thể vượt quá mức cần thiết. Ruột của cơ thể bị mất khả năng điều hòa hàm lượng sắt không cần thiết và sắt cũng đồng thời bị tích tụ ở gan gây ra nhiễm sắt, cuối cùng là tổn thương đến những cơ quan khác. Lượng sắt mà người bị thừa sắt hấp thu gấp 3 lần lượng sắt người không bị bệnh hấp thụ.

Có 2 loại bệnh thừa sắt đó là:

  • Thừa sắt do di truyền: Người bệnh bị ngay từ lúc mới sinh ra, ruột mất khả năng điều hòa sắt và sắt thừa sẽ tích tụ ở gan, tim. Để phát hiện sớm loại bệnh này, cần làm xét nghiệm đo lượng ferritin trong huyết thanh và trong mẫu bệnh phẩm sinh thiết gan.
  • Thừa sắt mắc phải: Là loại bệnh cơ hội, đi kèm với những bệnh lý khác như bệnh thiếu hồng cầu, bệnh gan, bệnh liên quan đến sự hấp thụ sắt.

2. Nguyên nhân gây ngộ độc sắt

2.1 Quá liều sắt

Khi cơ thể uống quá nhiều sắt, lớn hơn lượng cần thiết sẽ gây ra ngộ độc sắt cấp tính. Trong thực tế trường hợp quá liều sắt có thể xảy ra đối với trẻ em do uống nhầm viên bổ sung sắt và đa sinh tố của người lớn.

2.2 Quá tải sắt

Đây là loại nhiễm độc sắt mãn tính với nguyên nhân là do di truyền, được một số lượng lớn đơn vị máu, bị bệnh viêm gan C mãn tính hoặc có thể là nghiện rượu.

3. Triệu chứng ngộ độc sắt

Những triệu chứng của bệnh thừa sắt bao gồm: Nhóm triệu chứng sớm:

  • Mệt mỏi, yếu người

  • Suy nhược cơ thể, sụt cân
  • Da đậm màu, màu đồng
  • Đau khớp
  • Đau bụng

Nhóm triệu chứng muộn:

  • Mất ham muốn tình dục
  • Tiểu đường
  • Suy tim

Triệu chứng bệnh thường xuất hiện khi lớn dần, đặc biệt trong tuổi từ 50- 60 tuổi đối với nam giới và sau 60 tuổi đối với nữ giới.

4. Tác hại nếu cơ thể bị thừa sắt

Những tác hại của bệnh thừa sắt bao gồm:

4.1 Tổn thương gan

Sắt dư thừa trong cơ thể tạo áp lực đến gan, làm thúc đẩy quá trình oxy hóa mô gan, tổn thương nội tạng và tạo sẹo tại gan. Đây là yếu tố tăng nguy cơ ung thư gan hoặc suy gan.

4.2 Bệnh tim mạch

Sắt thừa sẽ cản trở sự dẫn điện của tim gây suy tim hoặc rối loạn nhịp tim. Ngoài ra, khi bị dư thừa sắt cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc bơm máu và lưu thông máu.

4.3 Thay đổi màu da

Sắt dư thừa sẽ đi từ máu đến những mô của cơ thể và đọng lại ở những tế bào da. Kết quả là da xám lại, bạc màu và có thể nhạy cảm với những tia cực tím có hại.

4.4 Tiểu đường

Chất sắt thừa tích tụ trong tụy và làm ảnh hưởng quá trình tổng hợp insulin làm đường trong máu tăng gây bệnh tiểu đường.

4.5 Viêm khớp

Sắt thừa cũng tồn tại trong những khớp xương làm tổn thương mô, rồi đến viêm khớp sau đó.

4.6 Tổn hại buồng trứng

Ở phụ nữ, sắt dư làm ảnh hưởng đến buồng trứng, cụ thể là chu kỳ kinh nguyệt không đều, không rụng trứng, chậm dậy thì.

4.7 Kích thích vi khuẩn sinh sôi

Sắt là chất vận chuyển oxy trong cơ thể nên nếu dư thừa sắt sẽ là điều kiện thuận lợi kích thích vi khuẩn phát triển. Đây cũng là lý do khiến bệnh nhân bị thừa sắt cũng mắc phải bệnh truyền nhiễm mãn tính.

4.8 Bệnh lý thần kinh

Một số bệnh thần kinh do thừa sắt như Parkinton, ADHD, Alzheimer, những hành vi chống xã hội và bạo lực. Những tình trạng tâm lý mà bệnh thừa sắt để lại như mệt mỏi, căng thẳng, giận dữ, sợ hãi và chống đối với mọi người.

5. Cách chữa trị thừa sắt

Để điều trị thừa sắt hiệu quả, cần ổn định cơ thể về mặt hô hấp và huyết áp trong giai đoạn đầu. Những mức độ bệnh khác nhau sẽ có biện pháp điều trị quá tải sắt phù hợp. Những biện pháp điều trị như liệu pháp làm sạch đó là tưới rửa ruột hoặc phương pháp chelation. Cả hai biện pháp điều trị trên đều nhằm mục đích thải sắt trong máu và loại bỏ lượng sắt dư thừa trong cơ thể nhanh nhất có thể. Một số bệnh nhân điều trị thừa sắt cần phải được hỗ trợ hô hấp hoặc theo dõi tim.

Quan trọng hơn, cách chữa trị thừa sắt chủ yếu hiện nay đối với bệnh thừa sắt là lấy máu tĩnh mạch. Phương pháp này sẽ được bác sĩ chỉ định khoảng 1 đến 2 lần mỗi tuần và trong vài tháng đến một năm dựa vào mức độ thừa sắt của bệnh nhân nhiều hay ít. Sau khi lấy máu tĩnh mạch cần bổ sung nhiều nước và tránh luyện tập thể dục trong vòng 1 ngày. Cách điều trị thừa sắt này sẽ được tiến hành cho đến khi lượng sắt trong cơ thể người bệnh trở về bình thường.

Thừa sắt cũng là bệnh lý nghiêm trọng không kém thiếu sắt vì nó để lại những biến chứng quan trọng và có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy cần thải sắt trong máu nhanh nhất có thể để đưa nồng độ sắt trở lại mức cho phép và giảm những triệu chứng ngộ độc sắt.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec