Chi tiết bài viết

Tìm hiểu về bệnh suy tim sung huyết

Tim là cơ quan giữ chức năng quan trọng trong cơ thể, bất kỳ bệnh lý nào liên quan đến tim mạch ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh. Bệnh lý tim mạch ngày một gia tăng, trong đó bệnh suy tim sung huyết là chặng đường cuối cùng mà đa số những người bệnh tim mạch phải trải qua.

1. Bệnh suy tim sung huyết là gì?

Suy tim là hội chứng bệnh lý thường gặp trong bệnh lý về tim mạch như bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh và một số bệnh ảnh hưởng đến tim.

Suy tim sung huyết là tình trạng tim hoạt động kém hiệu quả, giảm chức năng bơm máu của tim, khiến tim không thể đáp ứng được đủ nhu cầu oxy của cơ thể, gây ra tình trạng ứ máu tại tim, phổi và các mô, cơ quan trong cơ thể.

Các loại suy tim bao gồm suy tim trái, suy tim phải và suy tim toàn bộ:

  • Suy tim trái là tình trạng tâm thất trái hoạt động kém hiệu quả máu ứ lại tâm thất trái và khiến cho máu từ phổi đổ về tâm nhĩ trái trở nên khó khăn gây ứ máu tại phổi.
  • Suy tim phải là tình trạng tâm thất phải hoạt động kém hiệu quả dẫn đến giảm bơm máu lên phổi, gây ứ máu tại tâm thất phải và gây cản trở máu trở về tim phải.
  • Suy tim toàn bộ là bệnh cảnh của suy tim phải ở mức độ nặng.

2. Các nguyên nhân và yếu tố gây bệnh suy tim

2.1. Nguyên nhân gây bệnh

  • Tăng huyết áp
  • Bệnh lý van tim như: Hẹp hở van hai lá, hẹp hở van ba lá, hẹp hở van động mạch chủ, hẹp van động mạch phổi
  • Bệnh cơ tim như nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim…
  • Bệnh lý tim bẩm sinh
  • Một số rối loạn nhịp tim: Cơn nhịp nhanh thất, nhịp nhanh bất thường, block nhĩ thất hoàn toàn…
  • Bệnh lý toàn thân như: Bệnh tuyến giáp, thiếu máu, bệnh về phổi.

2.2. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh

  • Tuổi cao
  • Bệnh lý động mạch vành
  • Béo phì
  • Bệnh đái tháo đường
  • Hút thuốc lá
  • Sử dụng nhiều thuốc có cồn.

3. Triệu chứng bệnh suy tim sung huyết

Tuy vào giai đoạn bệnh mà biểu hiện bệnh nặng nhẹ khác nhau, thông thường có các triệu chứng sau:

  • Khó thở ban đầu khó thở ít, vận động nhiều mới khó thở, ở giai đoạn muộn người bệnh thấy khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.
  • Ho khan, hoặc thở khò khè. Ho có thể kéo dài do ứ huyết ở phổi, có thể ho ra máu.
  • Phù: ứ trệ dịch ở các bộ phận của cơ thể dẫn tới phù chi dưới với biểu hiện rõ nhất là sưng mắt cá chân, bàn chân.
  • Mệt mỏi: Do nhu cầu oxy cung cấp cho cơ thể không đảm bảo, cơ thể tập chung máu cho những cơ quan quan trọng, nên cơ thể có cảm giác mệt mỏi.
  • Trong suy tim trái có thể xuất hiện phù phổi cấp với các triệu chứng như: Bệnh nhân khó thở nhiều phải ngồi dậy để thở, co kéo cơ hô hấp, vã mồ hôi, chân tay lạnh, nhịp tim nhanh, nghe phổi có nhiều rale ẩm. Là một bệnh cấp cứu nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

4. Chẩn đoán bệnh suy tim sung huyết

Để chẩn đoán bệnh suy tim sung huyết cần dựa vào triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.

Các dấu hiệu cận lâm sàng bao gồm:

  • Xquang tim phổi thẳng: Thấy hình ảnh bóng tim to, phổi mờ do ứ máu phổi.
  • Điện tim(ECG): Suy tim trái thấy các dấu hiệu trục trái, tăng gánh thất trái, dày thất trái. Suy tim phải thấy dấu hiệu trục tim lệch phải, tăng gánh thất phải, dày thất phải.
  • Siêu âm tim: Thấy hình ảnh buồng tim giãn.

5. Điều trị suy tim sung huyết

5.1 Điều trị nội khoa

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị suy tim bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu nhằm giảm ứ đọng dịch trong cơ thể, làm giảm tiền gánh. Thường dùng một trong ba loại thuốc lợi tiểu bao gồm furosemid, hypothiazid, aldactone.
  • Thuốc trợ tim nhóm digitalis giúp tăng sức co bóp của cơ tim, giảm nhịp tim, làm giảm dẫn truyền các xung động của cơ tim và làm tăng tính kích thích của cơ tim
  • Thuốc giãn mạch: Làm giảm trương lực tĩnh mạch hay tiểu động mạch qua đó làm giảm tiền gánh hay hậu gánh
  • Thuốc chống đông máu: Do suy tim gây tình trạng ứ máu nên rất dễ hình thành cục máu đông.
  • Ngoài ra cần điều trị nguyên nhân gây bệnh: Như bệnh cường giáp, phẫu thuật trong bệnh lý tim bẩm sinh….

5.2 Thay đổi lối sống

  • Tăng cường nghỉ ngơi, không làm những việc phải gắng sức, có thể tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày như đi bộ, yoga, thiền…
  • Kiểm soát tốt cân nặng, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế muối và các thức ăn nhiều dầu mỡ
  • Bỏ thuốc lá, hạn chế thức uống có cồn.

 

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec