Chi tiết bài viết

Tổng quan về ung thư đường mật

Ung thư đường mật là ung thư hình thành trong hệ thống các ống dẫn đưa mật từ gan xuống ruột non.Ung thư đường mật chia thành 2 loại chính: ung thư đường mật trong gan và ngoài gan.

I. Nguyên nhân, tỉ lệ mắc, và các yếu tố nguy cơ

– Khối ung thư đường mật thường phát triển chậm và không lan tỏa (di căn) một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, khá nhiều khối u loại này đã tiến triển xa vào thời điểm được phát hiện.

Ung thư đường mật có thể khởi phát ở bất cứ vị trí nào của đường mật. Khi khối u tăng trưởng, chúng sẽ gây tắc nghẽn các ống dẫn mật.

– Ung thư đường mật xảy ra ở cả nam giới lẫn phụ nữ. Hầu hết các bệnh nhân đều trên 65 tuổi.

– Các yếu tố thường gây nguy cơ ung thư đường mật bao gồm:
• Nang ống mật chủ
• Kích ứng đường mật mạn tính
• Tiền sử nhiễm giun ký sinh, sán lá gan  Opisthorchis viverrini hoặc Clonorchis sinensis
• Viêm xơ đường mật nguyên phát
• Viêm loét đại tràng
• Nhiễm các vi khuẩn thuộc nhóm Campylobacter

– Ung thư đường mật tương đối hiếm gặp. Xảy ra với tỉ lệ khoảng 2/100.000 người.

II. Các triệu chứng

• Ớn lạnh, lạnh run
• Phân bạc màu (đất sét xám)
• Sốt
• Ngứa
• Chán ăn
• Đau ở vùng hạ sườn phải, có thể lan ra phía sau lưng
• Sụt cân
• Vàng da

III. Chẩn đoán

– Bệnh nhân cần được khám lâm sàng tổng quát.

– Các thử nghiệm được dùng để kiểm tra khối u hoặc sự tắc nghẽn trong đường mật bao gồm:
• CT scan bụng

• Siêu âm bụng: Siêu âm gan và đường mật thường là chỉ định chẩn đoán hình ảnh bước đầu ở những bệnh nhân nghi ngờ vàng da tắc mật. Siêu âm có thể giúp xác định tắc nghẽn và dãn đường mật. Trong một số trường hợp, siêu âm đơn độc cũng đủ để chẩn đoán ung thư đường mật.  

• Sinh thiết khối u qua hướng dẫn của siêu âm hoặc CT scan

• Tế bào học: Về mô học, ung thư đường mật kinh điển thường có mức độ biệt hóa từ khá đến trung bình. Hóa mô miễn dịch có ích cho chẩn đoán và có thể được dùng để chẩn đoán phân biệt giữa ung thư đường mật nguyên phát với di căn từ các ung thư đường tiêu hóa khác.

• Nội soi mật tụy ngược dòng (endoscopic cholangiopancreatography=ERCP)

• Chụp mật tụy cộng hưởng từ (magnetic resonance cholangiopancreatography MRCP)

• Chụp đường mật xuyên gan qua da (transhepatic cholangiogram=PTCA)

– Có thể thực hiện các xét nghiệm máu bao gồm:

• Xét nghiệm chức năng gan (đặc biệt là phosphatase kiềm, bilirubin, chức năng đông máu toàn bộ, các marker ung thư như CEA, CA 19-9)

IV. Điều trị

– Mục đích là để giải quyết khối ung thư và hậu quả tắc nghẽn đường mật do nó gây ra.

– Nếu tình trạng bệnh nhân cho phép, việc phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp điều trị chọn lựa, có thể giúp chữa lành bệnh.

– Nếu khối u quá lớn, có thể cắt bỏ toàn bộ gan và ghép gan

Tuy nhiên, khối ung thư đường mật thường đã lan rộng vào thời điểm được chẩn đoán.

+ Hóa trị hoặc xạ trị có thể được sử dụng sau phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư tái phát.

+ Tuy nhiên lợi ích của các liệu pháp này không rõ rệt lắm khi phẫu thuật đã lấy trọn được khối u, và sinh thiết ở vùng rìa là âm tính.

+ Đa số các trường hợp ung thư đường mật đều đến khám ở giai đoạn quá chỉ định phẫu thuật, do đó bệnh nhân thường chỉ được điều trị bằng hóa trị liệu giảm nhẹ, có hoặc không kèm xạ trị.

+ Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, hóa trị đã được chứng minh là cải thiện chất lượng sống và kéo dài sống còn ở những bệnh nhân ung thư đường mật quá chỉ định phẫu thuật.

+ Các thuốc hóa trị thường được dùng để điều trị ung thư đường mật bao gồm 5-fluorouracil + leucovorin, gemcitabine dùng đơn độc, hay gemcitabine kết hợp với cisplatin, irinotecan, hoặc capecitabine.

+ Một thử nghiệm nhỏ cho thấy erlotinib, một chất ức chế tyrosine kinase có thể có ích đối với những bệnh nhân ung thư đường mật giai đoạn tiến triển

+ Ở những bệnh nhân không thể cắt bỏ được khối u, nội soi điều trị kèm đặt giá đỡ (stent) có thể tạm thời giúp giảm tắc nghẽn trong đường mật và giảm vàng da.

+ Liệu pháp quang động (photodynamic) bằng chiếu tia Laser nội soi kết hợp với các thuốc hóa trị kích hoạt bằng ánh sáng (light-activated chemotherapy medications) là một chọn lựa cho những bệnh nhân tắc nghẽn đường mật. Liệu pháp quang động cho thấy có cải thiện về tỉ lệ sống còn và chất lượng sống

V. Các nhóm hỗ trợ

– Sự căng thẳng của bệnh nhân có thể giảm bớt khi họ tham gia vào một nhóm hỗ trợ để cùng các thành viên khác chia sẻ những kinh nghiệm và vấn đề chung thường gặp.

– Công tác điều dưỡng, an dưỡng là một nguồn hỗ trợ tốt cho những bệnh nhân ung thư đường mật không còn khả năng chữa khỏi được.

VI. Tiên lượng

– Cắt bỏ được hoàn toàn khối u cho phép 30 – 40% bệnh nhân sống sót ít nhất 5 năm, với khả năng trị khỏi hoàn toàn

– Không thể chữa khỏi hẳn bệnh nếu không cắt bỏ được toàn bộ khối u. Với việc điều trị giảm nhẹ tạm thời, khoảng 1/2 số bệnh nhân này sẽ sống được một năm, 1/2 khác có cơ hội sống lâu hơn.

– Nếu không điều trị, đa số bệnh nhân chỉ sống sót được khoảng 6 tháng.

VII. Các biến chứng của ung thư đường mật

• Nhiễm trùng
• Suy gan
• Khối u di căn tới các cơ quan khác

VIII. Khi nào cần báo ngay cho bác sĩ?

Báo ngay cho bác sĩ nếu nếu có vàng da hoặc các triệu chứng khác của ung thư đường mật như sốt, đau ở vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải.

Nguồn: Bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn