Chi tiết bài viết

Trên 45 tuổi cần sàng lọc bệnh đái tháo đường

Đây là khuyến cáo của các chuyên gia về nội tiết đái tháo đường. Với tỷ lệ mắc đái tháo đường hiện nay chiếm 5,4% dân số, Việt Nam được xếp trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ gia tăng đái tháo đường nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng gấp đôi tại Việt Nam. Vậy làm thế nào để phát hiện sớm và phòng ngừa các nguy cơ mắc bệnh?


“4 nhiều” – những biểu hiện sớm của đái tháo đường

95% bệnh nhân đái tháo đường là mắc bệnh ở type 2 với bệnh diễn tiến khá thầm lặng trong giai đoạn đầu: Phần lớn không có triệu chứng cho đến khi đường huyết tăng khá cao. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện 4 nhiều: Ăn nhiều – Uống nhiều – Tiểu nhiều – Sụt cân nhiều. Bệnh nhân ăn ngon miệng, luôn có cảm giác đói nên ăn nhiều, khát nước, uống nhiều, và đi tiểu nhiều hơn bình thường về số lần cũng như lượng nước tiểu cũng tăng lên. Tuy ăn uống nhiều nhưng họ lại sụt cân nhiều và nhanh, có thể sụt đến 10 kg trong thời gian ngắn. Khi những triệu chứng xuất hiện thì trên 50% bệnh nhân đã có những biến chứng trên các cơ quan như thận, mắt, tim – mạch và thần kinh. Do vậy, muốn phát hiện sớm đái tháo đường, cần đến khám bác sĩ để được tư vấn và xét nghiệm máu chứ không đợi đến khi có triệu chứng. 

Ai có nguy cơ cao dễ mắc bệnh? 

Những người có bất kì một trong các yếu tố nguy cơ sau, nên đến bệnh viện để có thể được tư vấn phát hiện sớm bệnh:
 1.    Dư cân, béo phì (hơn 120% cân nặng lý tưởng hay BMI >25) hay vòng bụng nam >90, nữ >80cm.
 2.    Tăng huyết áp.  
 3.    Rối loạn chuyển hóa mỡ.
 4.    Đã được chẩn đoán rối loạn dung nạp Glucoze hoặc rối loạn đường huyết khi đói (tiền đái tháo đường) trước đó.
 5.    Phụ nữ sinh con to (có cân nặng lúc sinh > 4kg) hoặc đã được chẩn đoán đái tháo đường trong thai kỳ.
 6.    Có hội chứng buồng trứng đa nang.
 7.    Người có lối sống ít vận động , gia đình có người bị đái tháo đường. 
 8.    Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo nên kiểm tra phát hiện sớm đái tháo đường ở mọi người dân trên 45 tuổi.

Phương án tốt nhất phòng ngừa bệnh
    
Tập thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh là phương án tốt nhất để phòng bệnh.
– Ăn cần đủ và cân đối về năng lượng – các chất dinh dưỡng phù hợp với thể trạng, giới tính, tuổi tác, sinh lý, mức độ lao động, hoạt động thể lực. 
– Ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm: 15 – 20 loại mỗi ngày nhằm cung cấp đa dạng các chất dinh dưỡng cho cơ thể, sử dụng nhiều thực phẩm nguồn gốc thực vật.

Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp


– Chất đạm: Cân đối giữa nguồn thực vật và động vật, tăng cường ăn cá. Tỷ lệ đạm động vật nên chiếm tỷ lệ ít hơn lượng đạm trong khẩu phần hàng ngày.
– Chất béo: Ở mức hợp lý, chú ý phối hợp giữa dầu thực vật và mỡ động vật. Tỷ lệ chất béo động vật  không nên vượt quá 1/3 lượng chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày. 
– Ăn nhiều rau, củ, quả hàng ngày để có đầy đủ nhiều loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đồng thời có nhiều chất xơ giúp hạn chế tăng đường huyết nhanh sau ăn.
– Có thể sử dụng sữa dành cho người đái tháo đường.
– Không ăn mặn. Nên ăn muối ở mức 5g/ngày.
– Uống đủ nước hàng ngày, hạn chế rượu bia, chất ngọt.
– Nên tập thể dục thường xuyên và điều độ, ít nhất 5 lần/ tuần, mỗi lần 30 – 60 phút.

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec