Chi tiết bài viết

Vì sao bạn dễ bị đau đầu sau khi ngủ trưa?

Một giấc ngủ trưa đúng, đủ và khoa học sẽ rất có lợi cho sức khỏe, giúp loại bỏ cảm giác buồn ngủ và tinh thần sẽ thoải mái cho cả buổi chiều làm việc. Ngoài ra, việc ngủ trưa còn giúp cải thiện được trí nhớ, tăng cường sự tập trung và óc sáng tạo, đặc biệt cân bằng lại não bộ và giảm stress. Tuy nhiên, nếu ngủ không đúng cách sẽ gây ra hiện tượng đau đầu sau khi ngủ trưa.

1. Nguyên nhân gây đau đầu sau khi ngủ trưa

1.1 Ngủ sai tư thế

Việc ngủ sai tư thế ví dụ như: Ngủ không kê gối hay nằm gối quá cứng hoặc quá cao, đầu không thẳng với cổ, nằm nghiêng một bên hoặc nằm úp sấp mặt một chỗ mà không thay đổi tư thế sẽ gây nên tình trạng ngủ dậy bị đau đầu và mệt mỏi.Ngoài ra, đối với những người nhân viên văn phòng, vì không có chỗ để nghỉ trưa nên thường hay ngủ trưa gục đầu xuống bàn làm việc. Đây chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng đau đầu sau khi ngủ dậy. Bởi khi ngủ ở tư thế ngồi, nhịp tim chậm lại, tình trạng máu không lưu thông đến não, lượng máu cung cấp tới các cơ quan bị giảm xuống, dẫn đến hiện tượng thiếu máu lên não gây ra đau đầu, mệt mỏi, ù tai, tê bì chân tay….

1.2 Thời gian ngủ quá mức cho phép

Thông thường một giấc ngủ được cho là đảm bảo tiêu chuẩn sẽ kéo dài từ 7 tiếng – 8 tiếng vào ban đêm và khoảng 30 phút-1 tiếng vào buổi trưa. Tuy nhiên, có những trường hợp thời gian ngủ vượt quá mức cho phép. Cơ thể sẽ từ trạng thái ngủ nông đi vào ngủ sâu. Trong thời gian này, quá trình ức chế của trung khu thần kinh tăng lên, lượng máu lên não giảm xuống, sự trao đổi chất trong cơ thể sẽ chậm lại… Chính vì vậy, khi thức dậy bạn sẽ cảm thấy toàn thân mệt mỏi, đau nhức đầu và chóng mặt.

1.3 Môi trường xung quanh chỗ ngủ không đảm bảo

Mọi người thường không chú ý đến không gian xung quanh chỗ ngủ trưa, một không gian ngủ chật hẹp, không lý tưởng, thiếu oxy, nhiệt độ trong phòng quá nóng hoặc quá lạnh, có nhiều cây cối trong phòng ngủ, hay nhiều ánh sáng…. có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe sau mỗi lần ngủ dậy và có thể dẫn tới khó chịu, mệt mỏi và cơn đau đầu sau khi thức dậy.

1.4 Vừa thức dậy đã làm việc ngay

Đối với nhiều người, sau khi ngủ dậy buổi trưa, dư âm của giấc ngủ vẫn kéo dài trong khoảng nửa giờ sau đó. Vì thế, sẽ không tốt nếu khi vừa mới ngủ dậy đã làm việc ngay lập tức, điều đó có thể gây ra những cơn đau đầu, mệt mỏi. Do đó, để tránh những tình trạng đau đầu, sau khi vừa ngủ dậy hãy hoạt động nhẹ nhàng khoảng 5-10 phút, và uống một cốc nước rồi mới bắt đầu làm việc.

1.5 Dùng nhiều chất kích thích

Dùng nhiều chất kích thích ví dụ như cà phê, trà, socola, hay nước ngọt có gas…là những đồ ăn thức uống khiến chúng ta khó đi vào giấc ngủ, vì caffeine chứa trong những chất đó vừa là chất gây kích thích vừa có tính lợi tiểu. Do đó giấc ngủ trưa sẽ không được đảm bảo, ngủ chập chờn và dễ bị đau đầu sau khi ngủ trưa.

1.6 Sử dụng thiết bị điện tử

Thường xuyên làm việc trên máy vi tính, laptop, hay chơi game nhiều trên ipad, nghe gọi, nhắn tin trên điện thoại quá lâu trước khi đi ngủ, cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn khó ngủ và gây nên những cơn đau đầu khi ngủ dậy.

1.7 Thiếu máu não

Nếu tất cả những nguyên nhân kể trên đều không phải là lý do gây ra mất ngủ và đau đầu khi thức dậy sau khi ngủ trưa, thì rất có thể nguyên nhân là do thiếu máu não. Thiếu máu não không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ trưa mà còn ảnh hưởng đến cả giấc ngủ ban đêm. Triệu chứng kèm theo khi bị thiếu máu lên não, ngoài dấu hiệu đau đầu ra còn có kèm theo chóng mặt, nhất là khi thay đổi tư thế, trằn trọc, khó ngủ, ngày ngủ gà ngủ gật, ù tai, nghe kém, mờ mắt và đôi khi đau, cảm thấy tê buốt…

Khi thấy có triệu chứng đau đầu sau khi ngủ trưa, cảm thấy nặng đầu sau khi ngủ dậy cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao ngủ dậy hay bị đau đầu, để từ đó có biện pháp khắc phục ngủ đúng cách và hiệu quả, nâng cao chất lượng giấc ngủ.

2. Cách khắc phục khi bị đau đầu khi ngủ trưa?

2.1 Luyện tập thói quen

Tập thói quen ngủ trưa chỉ từ 15-30 phút, cũng như không nên ngủ quá 40 phút để tránh tình trạng đau đầu. Cần loại bỏ các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, socola, thuốc lá, và các loại thực phẩm được chế biến sẵn.

2.2 Điều trị đau đầu sau khi ngủ trưa dậy bằng chế độ ăn

Nếu thường xuyên cảm thấy nặng đầu khi ngủ trưa dậy, cần bổ sung một số thực phẩm vào chế độ ăn để cải thiện tình trạng đau đầu sau khi ngủ trưa:

  • Cải bó xôi: Cải bó xôi là thực phẩm rất giàu riboflavin, một loại vitamin B đã được chứng minh có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa đau đầu.
  • Các loại ngũ cốc: Ngũ cốc không chỉ là nguồn chất xơ dồi dào, hơn nữa còn rất giàu magie có tác dụng làm dịu cơn đau đầu.

  • Sữa và các chế phẩm từ sữa: Sữa cung cấp protein, canxi và các axit amino cần thiết cho não giúp làm giảm các cơn đau đầu.
  • Các loại cá ví dụ như: Cá hồi, cá nục, cá ngừ,… các loại cá này chứa rất nhiều axit béo omega-3. Các đặc tính kháng viêm của omega-3 có thể làm cho chứng đau đầu được cải thiện.

2.3 Điều trị đau đầu sau khi ngủ dậy bằng các biện pháp massage đầu

Một số biện pháp massage đầu hiệu quả cải thiện được tình trạng ngủ trưa dậy bị nặng đầu như:

  • Ấn huyệt thái dương: Sử dụng tay để ấn huyệt ở bên hai thái dương nhằm làm dịu các cơn đau đầu do việc ngủ trưa dậy gây ra. Thông thường có thể sử dụng một số phương pháp bấm huyệt massage nhẹ nhàng để giúp cho thần kinh được thư giãn, máu được lưu thông đến các cơ quan.
  • Nghỉ ngơi sau khi ngủ dậy: Sau khi ngủ dậy không nên bắt đầu công việc ngay lập tức, mà hãy thư giãn một vài phút trước khi bắt đầu công việc buổi chiều.

Để có được giấc ngủ chưa hiệu quả và tránh được tình trạng đau đầu khi ngủ dậy cần chú ý đến tư thế, chỗ ngủ thoải mái, không sử dụng các chất kích thích và khi ngủ dậy nên nghỉ ngơi một vài phút trước khi bắt đầu làm việc. Nếu cơn đau đầu sau khi ngủ trưa kéo dài, dẫn tới ảnh hưởng đến công việc, cũng như cuộc sống, thì cần đến ngay các phòng khám chuyên khoa thần kinh để tìm ra nguyên nhân, cũng như có được biện pháp điều trị bệnh phù hợp, kịp thời.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec