Chi tiết bài viết

7 dấu hiệu bất thường cảnh báo sức khỏe không nên bỏ qua

Có những triệu chứng mà chúng ta đều biết phải cần chăm sóc y tế ngay lập tức như đau ngực, đột ngột mất thị lực hoặc khả năng nói… Tuy nhiên vần còn những triệu chứng khó nhận biết? Bài viết này liệt kê 7 dấu hiệu và triệu chứng đáng chú ý có thể là tiền chứng của những căn bệnh nguy hiểm.

1. Sút cân không rõ nguyên nhân

Giảm cân không cần nỗ lực tập luyện kiêng khem nghe có vẻ như một giấc mơ với nhiều chị em phụ nữ, nhưng thực tế nó có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khoẻ của bạn đang có vấn đề. Nếu bạn không có thể trạng béo phì và bạn vừa sút 4,5 kg, hoặc hơn 5% trọng lượng cơ thể trong 6 đến 12 tháng vừa qua, bạn nên đi khám bác sĩ.

Có rất nhiều tình trạng sức khoẻ gây sụt cân không rõ nguyên nhân- bao gồm tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp), tiểu đường, trầm cảm, bệnh lý gan mật, ung thư hoặc các rối loạn cản trở cơ chế hấp thu dinh dưỡng của cơ thể.

2. Sốt cao kéo dài

Sốt kéo dài có thể cảnh báo một bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn, có thể là bất kì loại nhiễm trùng nào, từ nhiễm trùng đường tiết niệu đến lao. Trong một số trường hợp, các bệnh lý u ác tính – chẳng hạn như u lympho.

U lympho tế bào là một loại trong u lympho không Hodgkin, chiếm 1/3 các trường hợp, 2/3 các trường hợp còn lại là U lympho tế bào B. U lympho không Hodgkin là nhóm bệnh của tổ chức lympho. Đây là nhóm bệnh có sự tăng sinh ác tính các tế bào dòng lympho. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến từ 45-55 tuổi, hiếm gặp ở trẻ em. Nam có xu hướng mắc bệnh cao hơn nữ.). Nếu bạn bị sốt cao hơn 38,5 độ C hoặc sốt kéo dài, hãy đi khám bác sĩ ngay.

3. Khó thở

Khó thở là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang có vấn đề. Khó thở có thể xuất hiện khi bạn tập thể dục cường độ cao, béo phì, hay bạn ở các vùng cao độ hay có nhiệt độ môi trường cao. Nhưng ngoài những ví dụ trên, khó thở, đặc biệt là khó thở đột nhiên xuất hiện, khó thở nghiêm trọng, chính là dấu hiệu cảnh báo bạn cần hỗ trợ y tế ngay lập tức.

Nguyên nhân của khó thở có thể bao gồm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản, hen phế quản, viêm phổi, huyết khối phổi (thuyên tắc phổi), cũng như các bệnh lý tim mạch và hô hấp khác.

4. Thay đổi bất thường trong thói quen đi vệ sinh

Thói quen đi vệ sinh rất khác nhau giữa mỗi người, những điều được coi là bình thường rất đa dạng. Tuy vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn nhận thấy những thay đổi bất thường hoặc không giải thích được trong những điều bình thường đối với bạn, chẳng hạn như:

  • Máu trong phân, phân đen hoặc giống bã cà phê
  • Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài
  • Cảm giác buồn đi tiểu nhiều lần không rõ nguyên nhân

Thay đổi thói quen đi tiêu có thể là dấu hiệu của nhiễm khuẩn – như nhiễm khuẩn campylobacter hay khuẩn salmonella – hay nhiễm siêu vi hoặc ký sinh trùng. Những nguyên nhân khác có thể là do hội chứng ruột kích thích và ung thu đại tràng.

5. Lú lẫn hoặc thay đổi tính cách

Hãy thăm khám bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng xuất hiện đột ngột sau:

  • Kỹ năng tư duy kém
  • Khó tập trung, duy trì sự tập trung hay chuyển sự chú ý sang vấn đề khác.
  • Thay đổi hành vi lối cư xử

Những thay đổi này có thể do rất nhiều nguyên nhân, bao gồm nhiễm trùng, dinh dưỡng không đủ, bệnh lý tâm thần hoặc do tác dụng phụ của thuốc.

6. Cảm thấy no dù chỉ mới ăn ít

Nếu bạn liên tục cảm thấy no sớm hơn bình thường hoặc sau khi ăn ít hơn thường lệ, bạn nên kiểm tra với bác sĩ. Cảm giác này được gọi là chứng no sớm, có thể đi kèm với buồn nôn, nôn, chướng bụng hoặc sút cân.

Những nguyên nhân của chứng no sớm có thể bao gồm bệnh lý trào ngược dạ dày – GERD và viêm loét dạ dày Trong một số trường hợp, nguyên nhân có thể là những vấn đề nghiêm trọng hơn – như ung thư tuỵ.

7. Nhìn thấy tia sáng

Nhìn thấy các điểm sáng hoặc tia sáng đôi khi là tiền triệu của chứng đau nửa đầu Trong các trường hợp khác, đột nhiên nhìn thấy các tia sáng có thể là triệu chứng của bong võng mạc. Bạn cần chăm sóc y tế ngay lập tức để ngăn ngừa mất thị lực vĩnh viễn.

Dù gặp phải bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu nào được nêu trên đây, hãy thăm khám bác sĩ kịp thời để xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec