Chi tiết bài viết

Ăn thịt đỏ có hại cho sức khỏe của bạn không?

Nhiều người tin rằng thịt đỏ là một thực phẩm không tốt cho sức khỏe nên cần phải tránh. Liệu rằng ăn thịt đỏ có hại cho sức khỏe như vậy hay không? Tại sao không nên ăn nhiều thịt đỏ?

1. Ăn thịt đỏ có làm tăng nguy cơ xuất hiện ung thư và bệnh lý tim mạch?

Câu trả lời với bệnh lí tim mạch rất rõ ràng, là có, tại sao không nên ăn nhiều thịt đỏ? Trong một số loại thịt đỏ có hàm lượng cao chất béo bão hòa, làm tăng nồng độ cholesterol trong máu. Nếu nồng độ LDL cholesterol tăng cao thì nguy cơ xuất hiện bệnh lý tim mạch cũng tăng theo. Đối với ung thư thì mối liên hệ với thịt đỏ còn chưa rõ ràng, nhưng theo nhiều nghiên cứu thì thịt đỏ có khả năng làm tăng tỷ lệ mắc ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng.

Một nghiên cứu gần đây của Học viện sức khỏe quốc gia (National Institutes of Health – NIH) và Hiệp hội hưu trí Hoa Kỳ (American Association of Retired Persons – AARP) trên hơn 500000 người cao tuổi kết luận rằng những người chủ yếu ăn thịt đỏ và thịt chế biến trong thời gian hơn 10 năm sẽ có tuổi thọ thấp hơn so với những người ăn số lượng ít hơn. Những người ăn 4 ounce thịt đỏ (~ 113,40 g) mỗi ngày sẽ dễ tử vong vì nguyên nhân ung thư hoặc tim mạch hơn so với những người ăn ở mức ít nhất, chỉ 0,5 ounce (~ 14,18 g) một ngày (tuy nhiên mức độ gia tăng nguy cơ được đánh giá là ở cấp độ thấp nhất).

Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy mối liên quan tương tự, chẳng hạn như một nghiên cứu khác thực hiện trên 72000 phụ nữ trong 18 năm cũng cho kết quả rằng những người có chế độ ăn theo phong cách châu Âu (nhiều thịt đỏ, thịt chế biến, đồ tráng miệng, ngũ cốc tinh chế, khoai tây chiên) có tỉ lệ xuất hiện các bệnh lý tim mạch, ung thư và tử vong vì các nguyên nhân khác cao hơn.

Sau khi xem xét các nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống, năm 2007 Tổ chức nghiên cứu ung thư thế giới (World Cancer Research Fund) và Học viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ (American Institute for Cancer Research) kết luận rằng thịt đỏ hoặc thịt chế biến có liên quan tới một số loại ung thư, và các bằng chứng đủ thuyết phục để chứng minh liên hệ giữa thịt đỏ, thịt chế biến với ung thư đại trực tràng; mối liên hệ với một số ung thư khác (ung thư phổi, thực quản, dạ dày, tụy, nội mạc tử cung) tuy còn giới hạn nhưng không phải là không có khả năng.

2. Nguyên nhân chính xác của việc ăn thịt đỏ làm tăng nguy cơ ung thư bắt nguồn từ đâu?

Tại sao nên ăn ít thịt đỏ? Nó có phải là nguyên nhân gây ung thư? Nguyên nhân chính xác hiện vẫn chưa được rõ, nhưng có nhiều khía cạnh vẫn đang được nghiên cứu để xác định, bao gồm:

  • Chất béo bão hòa, vốn là thứ có mối liên hệ với các ung thư ở đại tràng và vú, cũng như các bệnh lý tim mạch.
  • Các chất sinh ung thư hình thành trong quá trình nấu thịt đỏ.
  • Sắt heme có trong thịt, là thứ có thể sinh ra các hợp chất gây phá hủy các tế bào và dẫn tới ung thư.

3. Vậy thịt đỏ có lợi ích gì đối với con người?

Thịt đỏ là nguồn cung cấp sắt dồi dào. Sắt là một yếu tố vi lượng mà nhiều trẻ em gái vị thành niên cũng như phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị thiếu. Sắt heme trong thịt đỏ rất dễ hấp thu đối với cơ thể con người. Thịt đỏ cũng giàu vitamin B12 và kẽm.

Bên cạnh đó, thịt đỏ là một trong các loại thịt, nên thành phần chủ yếu mà con người hấp thu từ nó là protein, và thịt bò (loại thịt đỏ mang tính biểu tượng nhất) là thực phẩm không chỉ cung cấp năng lượng mà còn rất nhiều dưỡng chất khác nhau (một khẩu phần thịt bò nạc 3 ounce ~ 85,05 g chỉ chứa 180 calo nhưng lại kèm theo hơn 10 loại dưỡng chất khác nhau).

4. Thịt lợn có phải là thịt đỏ hay không?

Thịt lợn là thịt đỏ. Màu của thịt (thịt đỏ hay thịt trắng) phụ thuộc vào số lượng myoglobin (một loại protein) có trong thịt. Thịt lợn được xếp vào loại thịt đỏ bởi nó có hàm lượng myoglobin cao hơn thịt gà, cá.

5. Có nên ăn thịt đỏ hay không, nếu ăn thì nên ăn bao nhiêu?

Câu trả lời là có. Thịt đỏ là nguồn dưỡng chất quan trọng, và vấn đề sẽ chỉ nằm ở chỗ chế độ ăn của mỗi cá nhân như thế nào để tính được số lượng ăn cho thích hợp. Thông thường, mỗi ngày mỗi người cần từ 5 tới 6,5 ounce (~ 141,75 – 184,27 g) protein từ các nguồn khác nhau, bao gồm thịt nạc, hải sản và các loại hạt.

Theo lời khuyên từ Học viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ, mỗi người không nên tiêu thụ quá 18 ounce (~ 510,29g) thịt đỏ đã qua nấu chín mỗi tuần, và nên tránh các loại thịt đã qua chế biến, chẳng hạn như xúc xích, thịt nguội, thịt xông khói,… vì chúng làm tăng nguy cơ xuất hiện của ung thư đại tràng.

6. Thịt đỏ phần nào là tốt nhất?

Thịt đỏ tốt nhất nên sử dụng phần thịt nạc. Phần thịt được coi là nạc nếu với mỗi khẩu phần 3 ounce (~ 85,05 g) chứa tổng lượng chất béo dưới 10 g, trong đó chất béo bão hòa bằng hoặc thấp hơn 4,5 g và ít hơn 95 mg cholesterol.

7. Thịt bò từ bò chỉ ăn cỏ có tốt hơn thịt bò từ bò được nuôi ăn bằng ngũ cốc không?

Thịt bò từ bò chỉ ăn cỏ sẽ nạc hơn so với thịt bò từ bò được nuôi ăn bằng ngũ cốc, do đó tổng hàm lượng chất béo và chất béo bão hòa sẽ thấp hơn. Tuy nhiên sự chênh lệch giữa chúng cũng không quá đáng kể.

8. Thịt đỏ được nướng lên có phải nguyên nhân gây ung thư không?

Với bất kì loại thịt nào (bao gồm cả thịt đỏ, thịt gia cầm, cá) khi trải qua quá trình nấu ở nhiệt độ cao có thể sinh ra các loại hợp chất làm tăng nguy cơ xuất hiện ung thư. Các chất này là các amine dị vòng (heterocyclic amines – HCAs) và các hydrocarbon đa vòng thơm (polycyclic aromatic hydrocarbons – PAHs).

Do đó không nên nấu các loại thịt ở nhiệt độ quá cao, không nên để thịt bị cháy, nếu muốn nướng thịt thì nên loại bỏ mỡ trước khi nướng, trong quá trình nướng nên lật đều miếng thịt, và nướng kèm thêm các nguyên liệu thực vật để không sử dụng quá nhiều thịt nướng.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec