Chi tiết bài viết

Ăn uống khi bị ngộ độc

Trước đây trong thời kỳ đầu bị ngộ độc thức ăn, thường phải kiêng hoàn toàn từ 8-12 giờ. Ngày nay các bác sĩ cho rằng không cần phải như vậy.

1. Các dạng ngộ độc thức ăn

Ngộ độc do ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh thường xảy ra một cách đột ngột, hàng loạt… có những triệu chứng của một số bệnh cấp tính như nôn, mửa, đau bụng, tiêu chảy… tùy theo đặc điểm của từng loại ngộ độc. Ngộ độc thức ăn do nhiễm khuẩn, nhiễm vi sinh thường chiếm tỷ lệ tương đối cao nhưng tỷ lệ tử vong không cao. Ngộ độc thức ăn phụ thuộc vào thời tiết khá rõ rệt, thường xảy ra vào mùa nóng bức từ tháng 5 đến tháng 10, trong đó từ tháng 6 đến tháng 9 là nhiều hơn cả, vì nhiệt độ trong thời kỳ này thích hợp cho vi sinh vật sống và sinh trưởng. Các tháng khác cũng xảy ra, nhưng ít hơn. 

Ngộ độc thức ăn nhiễm khuẩn có nhiều loại, bởi nhiều thứ vi khuẩn khác nhau gây ra. Song căn cứ vào sự khác nhau trong biểu hiện lâm sàng, có thể chia thành 2 loại chính là: ngộ độc thức ăn dạng tràng vị và ngộ độc thức ăn dạng thần kinh. Ngộ độc thức ăn dạng tràng vị có biểu hiện chủ yếu là nôn mửa, đau bụng, đi lỏng và những triệu chứng viêm ruột, dạ dày cấp tính khác. Còn ngộ độc thức ăn dạng thần kinh biểu hiện chủ yếu là tê liệt, cơ mắt cụp xuống, nuốt và thở khó khăn, tỷ lệ tử vong rất cao.

2. Ăn uống khi bị ngộ độc 

Giai đoạn cấp tính của ngộ độc thức ăn do nhiễm khuẩn thì bị nôn trôn tháo dữ dội, các chức năng tiêu hóa giảm sút, do đó cần ăn các món lỏng, loãng. Có thể dùng nước cơm đặc, nước hoa quả nhạt để bổ sung lượng nước và muối khoáng bị hao hụt. Nên ăn ít và chia thành nhiều bữa, thường 5-6 bữa mỗi ngày. Đến khi bớt đi ngoài, thấy thèm ăn có thể dùng canh sườn lọc bỏ mỡ, sữa đậu nành, canh trứng… Sau đó có thể ăn các món ăn nhẹ như cháo gạo nếp nấu với đậu xanh, đậu cô-ve, hạt sen, ý dĩ ninh nhừ, canh cá, phở nước, canh gà hầm… Khi hết tiêu chảy, nôn mửa có thể ăn các món mềm như bánh ga tô, bánh bao nhân thịt, thức ăn nghiền nát. Những rau dại như sa tiền thảo, rau sam, cùng tỏi, lá chè đều có tác dụng kháng khuẩn tiêu viêm nhất định, ăn vào cũng ít nhiều có tác dụng chữa bệnh. Người bị mất nhiều nước cần uống nhiều nước muối đường và nước cam, quýt để bổ sung lượng nước và chất điện giải bị mất. 

Khi bị ngộ độc thức ăn do vi khuẩn cần kiêng ăn trái cây sinh lạnh như táo, lê, chuối tiêu, nho, hồng và đồ ướp lạnh; kiêng ăn chất thô gây co bóp đường ruột như giá đậu, rau cần, rau hẹ, rau chân vịt, khoai tây, hành sống, tỏi sống. Những thức ăn này khó tiêu, bất lợi đối với người bệnh. Việc kiêng ăn món rán và các món có nhiều dầu mỡ như quẩy, lạp xưởng, mỡ động vật, món ăn chứa nhiều chất dầu làm giảm khả năng dạ dày và ruột. Những thực phẩm khác như hạt dưa, hạnh nhân, lạc đều chứa nhiều chất dầu, có tác dụng nhuận tràng, do đó lại bất lợi đối với tình trạng tiêu chảy do ngộ độc thức ăn nhiễm khuẩn, đều phải kiêng dùng.

Trước đây trong thời kỳ đầu bị ngộ độc thức ăn, thường phải kiêng hoàn toàn từ 8 giờ đến 12 giờ. Ngày nay không cho rằng phải như vậy. Thời kỳ đầu, khi dạ dày chưa nôn hết thức ăn, có thể uống một ít nước muối để gây nôn tiếp, nhằm loại những thức ăn nhiễm khuẩn còn lại trong dạ dày ra ngoài. Nếu dạ dày đã trống rỗng, không cần phải gây nôn, có thể ăn nhẹ như cháo, nước hòa muối đường. Song sau khi nôn mửa, tiêu chảy, chức năng bộ phận tiêu hóa còn chưa được khôi phục nên không ăn những món dầu mỡ, sinh lạnh và thức ăn thô.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn