Chi tiết bài viết

Bệnh bướu cổ

Bệnh bướu cổ là cụm từ dân gian hay dùng cho tất cả các trường hợp bệnh gây tuyến giáp to. Bệnh tuyến giáp bao gồm các thể loại khác nhau về hình thể và chức năng như bướu giáp đơn thuần (tuyến giáp to đều), bướu giáp đơn nhân, bướu giáp đa nhân (tuyến giáp có u từng vùng).

Các hormon giáp tác động lên toàn bộ các tổ chức của cơ thể và các hoạt động chuyển hóa chính. Những hormon này rất cần thiết cho sự tăng trưởng, đặc biệt là của bộ xương và của hệ thần kinh trung ương.

Bệnh bướu cổ là cụm từ dân gian hay dùng cho tất cả các trường hợp bệnh gây tuyến giáp to. Bệnh tuyến giáp bao gồm các thể loại khác nhau về hình thể và chức năng như bướu giáp đơn thuần (tuyến giáp to đều), bướu giáp đơn nhân, bướu giáp đa nhân (tuyến giáp có u từng vùng).

Tuyến giáp là 1 tuyến nội tiết lớn thứ hai của cơ thể sau tuyến tụy nằm phía trước dưới cổ, gồm 2 thùy phải và trái. Trải dài từ vòng sụn thứ 5 của khí quản lên 2 bên sụn giáp. Hai thùy nối với nhau bởi eo tuyến giáp. Eo tuyến giáp rộng 1cm và cao gần 1,5 cm.


Bình thường tuyến giáp có trọng lượng ước chừng 20–30gram, khi trọng lượng tăng trên 35gram thì gọi là bướu tuyến giáp (hay hiểu cách khác là tuyến giáp to vượt 20% bình thường). Tùy độ lớn của tuyến giáp mà xác định và phân loại, có nhiều cách phân loại, ở đây chúng tôi giới thiệu 1 cách phân loại:

• Độ IA: một thùy tuyến giáp to hơn 1 đốt ngón cái của người bệnh nhân, sờ nắn được.

• Độ IB: khi ngửa đầu ra sau, nhìn thấy tuyến giáp to, bướu sờ nắn được.

• Độ II: tuyến giáp to nhìn thấy ở tư thế bình thường.

• Độ III: tuyến giáp rất to, bướu lớn làm biến dạng cổ.


Một số trường hợp bướu nằm 1 phần trong lồng ngực, hoặc bướu quá lớn chèn ép các bộ phận xung quanh có thể gây khó khăn mỗi khi nuốt và thở.

Quá trình sản xuất các chất nội tiết của tuyến giáp bắt đầu bằng sự chuyển hóa của iod, là nguyên liệu rất cần thiết cho hoạt động của tuyến giáp. Nguồn cung cấp iod chủ yếu là thực phẩm, nước uống…Nguồn cung cấp này có thể thay đổi tùy từng vùng, từng địa phương và khả năng hấp thu iod cũng thay đổi tuỳ theo mỗi cá nhân.

Nhu cầu iod hàng ngày vào khoảng 150-200 mcg. Iod hầu hết được hấp thu hoàn toàn bằng đường tiêu hóa (90%). Từ đây iod sẽ được đưa vào khu vực dự trữ.

Về mặt chức năng tuyến giáp có liên quan mật thiết với các tuyến nội tiết khác và với hệ thống thần kinh.

Tuyến giáp mỗi ngày tiết ra khoảng 80mcg T4 và 25mcg T3 là 2 hormon của tuyến giáp.

Các hormon giáp tác động lên toàn bộ các tổ chức của cơ thể và các hoạt động chuyển hóa chính. Những hormon này rất cần thiết cho sự tăng trưởng, đặc biệt là của bộ xương và của hệ thần kinh trung ương.

 


Các biểu hiện cường giáp

Những người bệnh có tình trạng tăng tiết các hormon giáp gọi là cường giáp. T3 và T4 luôn làm gia tăng mức độ tiêu thụ oxy, từ đó làm gia tăng chuyển hóa cơ bản của cơ thể. Đi kèm với tăng chuyển hóa cơ bản là việc tăng thân nhiệt làm cho người bệnh cảm thấy nóng nực.

Hormon tuyến giáp làm gia tăng nhịp tim.

Ngoài ra, hormone tuyến giáp tăng sự phân hủy chất đạm. Gia tăng chuyển hóa nước- chuyển hóa chất bột. Hormone tuyến giáp còn ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa nước và các loại muối khoáng, đến chuyển hóa của các loại vitamin đặc biệt vitamin A và C. Việc tăng chuyển hóa rất nhiều chất làm người bệnh sụt cân khá nhiều.

Hiện nay tỷ lệ số dân bị bướu giáp ngày càng tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh bướu giáp có thể gặp các giới nam, nữ. Đặc biệt ở nữ giới tuổi dậy thì, có thai, cho con bú do những biến loạn về nội tiết và tâm lý hay do môi trường thiếu iode. Tuyến giáp có rất nhiều chức năng về chuyển hóa, sinh trưởng, phát triển trí tuệ …

Thiếu iod là nguyên nhân quan trọng. Ở những vùng có bệnh bướu cổ địa phương, sự thiếu hụt iod ngoài việc gây bệnh bướu giáp còn dẫn tới nhiều biến chứng nặng nề khác mà gần đây gọi là những rối loạn do thiếu iod. Ước tính hiện nay có gần 1 tỷ người trên thế giới có nguy cơ rối loạn do thiếu iod, trong số này có khoảng 200-300 triệu người bị bệnh bướu giáp do thiếu hụt iod. Tại Việt Nam có khoảng 9-10 triệu người có nguy cơ bị rối loạn do thiếu hụt iod, trong đó bướu giáp địa phương 16.2-55.2%.

Sự thiếu hụt iod trong cơ thể dẫn đến sự suy giảm tổng hợp hormon tuyến giáp, điều này gây phản xạ kích thích tuyến giáp phình to để hoạt động bù. Chính vì vậy mà bệnh nhân có tuyến giáp to song chức năng của tuyến giáp vẫn bình thường.

Bước đầu tuyến giáp phì đại, tăng sinh mạch máu đều nhau giữa các chiều, sau đó tuyến giáp sẽ bị biến dạng. Bệnh tồn tại lâu dài làm cho tuyến giáp to thay đổi về hình dáng, cấu trúc.

Chẩn đoán và điều trị

Đứng trước một người bệnh bướu giáp, bác sĩ có nhiều yếu tố cần phải xác định. Bướu này là bướu lan tỏa hay có nhân (cục), Hoạt động của tuyến giáp bình thường, mạnh hay yếu. Nếu có nhân trong tuyến giáp thì nhân nay lành hay ác tính. Để xác định như vậy cần làm 1 số xét nghiệm.

• Xét nghiệm sinh hóa: đo nồng độ TSH và FT4

• Siêu âm tuyến giáp: siêu âm có giá trị lớn trong việc phát hiện các đặc điểm của bệnh và đánh giá phân loại bệnh bướu giáp thế nào: bướu giáp đơn thuần, bướu giáp đơn nhân – đa nhân, cường giáp hay ung thư tuyến giáp. Khi có nghi ngờ cường giáp hay ung thư tuyến giáp chúng ta cần làm thêm một số xét nghiệm khác như: sinh hóa, sinh thiết, thử GPBL…

• Xạ hình: thường được chỉ định khi bệnh nhân có TSH thấp. Xạ hình cho kết quả 1 trong 3 dạng: nhân nóng, nhân lạnh, nhân ấm. Ngoài ra xạ hình còn để xác định bướu đơn hay đa nhân và còn giúp xác định những trường hợp bướu sau xương ức.

• Chụp CT Scanner và cộng hưởng từ (MRI) – PET – CT.

Sau khi đã khám và xét nghiệm chẩn đoán xác định bướu giáp thuộc thể loại nào, bác sĩ sẽ có tư vấn loại bướu giáp nào cần điều trị nội khoa, loại bướu nào cần phải phẫu thuật. Các bướu giáp đơn thuần thường chỉ cần dùng thuốc trừ những trường hợp bướu quá lớn gây cản trở thở và nuốt thức ăn.

Các bướu giáp có nhân bên trong thường được khảo sát tế bào qua kim sau đó sẽ có hướng phẫu thuật cắt một phần hay toàn bộ tuyến giáp

Ví dụ: khi phát hiện bệnh bướu giáp thuộc thể cường giáp là một tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức mà trong đó tạo ra quá nhiều hormon T4. Cường giáp có thể gây nên sự thay đổi trao đổi chất của cơ thể làm giảm cân, nhịp tim nhanh hoặc không đều, ra mồ hôi, thay đổi tính tình; căng thẳng, khó chịu, lo lắng hồi hộp. Ngoài ra còn biểu hiện run tay (chủ yếu run các đầu ngón tay). Đối với phụ nữ có thể gây rối loạn kinh nguyệt, có 1 số bệnh nhân có biểu hiện ở mắt như mắt lồi ra ảnh hưởng đến tầm nhìn và thẩm mỹ. Các bác sĩ sẽ dùng thuốc cho tuyến giáp trở loại hoạt động bình thường để đưa các hoạt động của cơ thể cân bằng như cũ.

Bệnh cường giáp có những biến chứng, nếu không điều trị kịp thời hay điều trị không đúng sẽ dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm.

Nguồn: BS. Nguyễn Bá Nhuận (Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh)