Chi tiết bài viết

Bệnh dịch hạch là gì và cách nhận biết

Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Yersinia Pestis gây ra. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao (30 – 60%) và lây lan nhanh, cần phải kiểm dịch và khai báo quốc tế

 1. Bệnh dịch hạch là gì? 

  • Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Yersinia Pestis gây ra. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao (30 – 60%) và lây lan nhanh, cần phải kiểm dịch và khai báo quốc tế.
  • Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ và chủ yếu ở người dưới 20 tuổi.
  • Bệnh dịch hạch dễ xảy ra tại nơi đông đúc, chật chội, nhà cửa san sát nhau, điều kiện vệ sinh kém (nơi chuột dễ sinh sống) hoặc vùng có nền đất cát (bọ chét dễ sinh sống).
  • Bệnh thường xảy ra vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét.
  • Nguồn bệnh chủ yếu là các loài gặm nhấm (chuột cống và chuột đồng), ngoài ra còn có chó và mèo.
  • Tần suất bệnh dịch hạch ở người phụ thuộc vào 2 yếu tố: tình hình nhiễm bệnh của thú gặm nhấm tại địa phương và sự tiếp cận gần gũi giữa người và các thú vật bệnh cùng bọ chét của chúng.

2. Bệnh lây truyền như thế nào?

Vi khuẩn Yersinia Pestis xâm nhập vào cơ thể con người bằng nhiều cách khác nhau:

  • Đường máu: qua vết đốt của bọ chét, rận người.
  • Đường hô hấp: vi khuẩn theo các giọt nước nhỏ bắn ra từ đường hô hấp của bệnh nhân dịch hạch thể phổi.
  • Đường da, niêm mạc: do tiếp xúc trực tiếp với mô của thú bệnh qua niêm mạc hầu họng, kết mặc mắt hoặc vùng da bị tổn thương. 
  • Đường tiêu hóa: thức ăn, nước bị ô nhiễm do chuột bệnh.

3. Biểu hiện của bệnh?

  • Bệnh thường gặp ở thể viêm hạch cấp tính, ít gặp hơn là các thể nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm màng não.
  • Sau thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày, bệnh khởi phát đột ngột với các dấu hiệu: Sốt cao, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau bụng, mệt mỏi, ói mửa, tiêu chảy.
  • Sau đó toàn phát với dấu hiệu đặc trưng: nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch.
  • Hạch sưng to, rất đau và thường xuất hiện ở đùi – bẹn, nách, cổ, dưới hàm…

4. Khi mắc bệnh phải làm gì?

Khi xuất hiện các dấu hiệu bệnh (sốt, nổi hạch…) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Người bệnh cần được cách ly và có thể hồi phục nếu được chăm sóc y tế thích hợp.

5. Làm sao để phòng ngừa bệnh?

  • Đảm bảo thực phẩm ăn, uống phải được che đậy an toàn và triệt nguồn thức ăn của chuột.
  • Thường xuyên vệ sinh môi trường, bố trí, sắp xếp vị trí cũng như cấu trúc nhà ở và kho tàng hợp lý tránh chuột chui rúc và làm tổ.
  • Thực hiện các biện pháp diệt chuột, bọ chét, phá huỷ nơi sinh sản của chuột.
  • Khi thấy nhiều chuột chết bất thường phải khai báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất, không diệt chuột và bọ chét khi đang xảy ra dịch ở chuột và ở người.
  • Ở những địa phương có dịch hạch lưu hành và có nguy cơ phải thường xuyên theo dõi kết quả giám sát tình hình chuột chết, mật độ chuột, chỉ số bọ chét để chủ động phòng chống bệnh dịch.
  • Phối hợp với các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu kiểm tra, giám sát chặt chẽ phương tiện vận chuyển, hàng hóa, động vật nhập khẩu vào nước ta.
  • Vắc-xin phòng bệnh và kháng sinh chỉ được dùng cho những người đi vào vùng dịch hoặc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh.
  •  

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh