Chi tiết bài viết

Bệnh lý võng mạc đái tháo đường

1. Bệnh võng mạc đái tháo đường là gì?

Bệnh lý võng mạc đái tháo đường (VMĐTĐ) là một bệnh lý do tình trạng rối loạn của các mạch máu ở võng mạc gây ra bởi bệnh đái tháo đường. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở những người trong độ tuổi lao động ở các nước phát triển và bệnh lý này cũng đang trở nên phổ biến ở người trưởng thành tại Việt Nam.

Tỷ lệ mắc bệnh VMĐTĐ gia tăng theo thời gian bị bệnh đái tháo đường. Khoảng 60% bệnh nhân có thời gian mắc bệnh đái tháo đường từ 15 năm trở lên sẽ bị tổn thương mạch máu trong mắt và một phần trăm trong số này sẽ có nguy cơ mù lòa.

2. Những ai có nguy cơ mắc bệnh?

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và mức độ nghiêm trọng của bệnh VMĐTĐ, bao gồm:

  • Chỉ số đường huyết không được kiểm soát,
  • Tăng huyết áp,
  • Thời gian bị bệnh đái tháo đường,
  • Chỉ số mỡ trong máu (cholesterol và triglyceride),
  • Mang thai.

3. Các loại bệnh lý VMĐTĐ?

Bệnh lý võng mạc khởi phát
Bệnh lý võng mạc khởi phát là giai đoạn sớm của bệnh VMĐTĐ và sẽ tiến triển chậm qua nhiều năm. Ở giai đoạn này, các đốm xuất huyết nhỏ có mỡ lắng đọng sẽ xuất hiện trên võng mạc.

Phần lớn bệnh nhân sẽ không bị mất thị lực, nhưng thị lực sẽ giảm dần mà bệnh nhân không nhận biết được. Ở một số bệnh nhân, các mạch máu bị rò rỉ ở vùng hoàng điểm – là bộ phận nằm ở trung tâm võng mạc có chức năng cho thị lực trung tâm – gây mất thị lực.

Bệnh lý võng mạc tăng sinh
Bệnh lý võng mạc tăng sinh phát triển từ bệnh lý võng mạc khởi phát, đây là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp mất thị lực ở bệnh nhân đái tháo đường. Những mạch máu mới sẽ hình thành (tăng sinh) trên bề mặt võng mạc và thần kinh thị giác. Các mạch máu này có xu hướng dễ vỡ và chảy máu vào buồng dịch kính. Các mô sẹo cũng có thể hình thành từ mạch máu bị vỡ gây ra tình trạng co kéo làm bong võng mạc dẫn đến mất thị lực. Các mạch máu mới cũng có thể hình thành ở mống mắt gây ra tình trạng tăng nhãn áp (cườm nước) và tình trạng này có thể dẫn đến mù lòa.

Khi tình trạng xuất huyết xảy ra ở giai đoạn bệnh lý võng mạc tăng sinh, bệnh nhân có cảm giác như nhìn qua sương mù, ruồi bay hay mất thị lực hoàn toàn. Mặc dù không có triệu chứng đau nhức, nhưng đây là giai đoạn bệnh lý VMĐTĐ nghiêm trọng nên bệnh nhân cần phải điều trị ngay.

4. Chẩn đoán bệnh lý vmđtđ như thế nào?

Phương pháp khám đáy mắt bằng cách tra thuốc giãn đồng tử là cách tốt nhất để chẩn đoán bệnh lý VMĐTĐ. Để thực hiện phương pháp này, thuốc sẽ được nhỏ vào mắt giúp mở rộng (giãn) đồng tử của bệnh nhân để bác sĩ có thể quan sát đáy mắt rõ hơn. Loại thuốc nhỏ này có thể gây mờ mắt trong vài giờ đồng hồ cho đến khi hết tác dụng.

Trong quá trình thăm khám, bác sỹ nhãn khoa sẽ phát hiện:

  • Các mạch máu bất thường,
  • Dấu hiệu sưng phù, xuất huyết hay lắng đọng mỡ trên võng mạc,
  • Sự hình thành của các mạch máu mới và mô sẹo,
  • Dấu hiệu xuất huyết ở phần dịch đặc trong trung tâm mắt (dịch kính),
  • Dấu hiệu bong võng mạc,
  • Những bất thường ở thần kinh thị giác.

Ngoài ra, bác sĩ nhãn khoa có thể:

  • Kiểm tra thị lực,
  • Đo nhãn áp để kiểm tra tình trạng tăng nhãn áp,
  • Phát hiện dấu hiệu đục thể thủy tinh (cườm khô).

Các kỹ thuật chụp đáy mắt rất hữu ích trong việc phát hiện sớm các ảnh hưởng của bệnh lý VMĐTĐ như kỹ thuật chụp mạch huỳnh quang đáy mắt (FFA), kỹ thuật chụp cắt lớp đáy mắt (OCT) mà đôi khi bác sỹ nhãn khoa sẽ đề nghị thực hiện. Quy trình chụp mạch huỳnh quang đáy mắt (FFA) đòi hỏi phải tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch. Thuốc cản quang sẽ di chuyển đến mắt và khi chụp hình võng mạc sẽ cho thấy các vùng bị rò rỉ hoặc máu lưu thông kém. Chụp cắt lớp đáy mắt (OCT) là một kỹ thuật hiện đại và không xâm lấn.

5. Điều trị bệnh lý vmđtđ như thế nào?

Việc kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp là điều quan trọng, tuy nhiên bệnh lý võng mạc vẫn có thể tiến triển cho dù có thực hiện tất cả các nỗ lực về mặt y khoa. Nghiên cứu đã chứng minh Yếu tố tăng trưởng nội mạc mạch máu (VEGF) được tiết ra từ võng mạc của bệnh nhân đái tháo đường và đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển bệnh lý VMĐTĐ. Nếu bệnh lý VMĐTĐ được phát hiện sớm, thì phương pháp tiêm nội nhãn bằng thuốc chống tăng sinh mạch có thể giúp ngăn chặn tổn thương . Ngoài ra, phương pháp sử dụng laser quang đông cũng có thể được chỉ định. Ngay cả khi bệnh ở giai đoạn nghiêm trọng, thì 2 phương pháp này vẫn có thể giúp bệnh nhân giảm nguy cơ mất thị lực nặng.

Việc điều trị bằng tia laser quang đông giúp bịt kín và phá hủy các mạch máu rò rỉ bất thường bằng cách chiếu chùm tia laser năng lượng cao vào võng mạc bị tổn thương. Các chùm năng lượng laser nhỏ sẽ bịt kín các mạch máu và hình thành các vết sẹo rất nhỏ bên trong mắt. Các vết sẹo này giúp hạn chế hình thành mạch máu mới đồng thời làm co và bít lại các mạch máu tăng sinh hiện có.

Tiêm nội nhãn bằng thuốc chống tăng sinh mạch là một thủ thuật đưa thuốc xuyên qua tròng trắng đi vào phần dịch đặc trong mắt (gọi là dịch kính). Loại thuốc đặc trị này sau khi tiêm vào dịch kính sẽ thấm đến võng mạc (lớp bên trong ở phía sau mắt) và đến các cấu trúc khác trong mắt bệnh nhân.
Cả hai phương pháp điều trị này thường được thực hiện cho bệnh nhân ngoại trú mà không yêu cầu nhập viện hoặc có sự chuẩn bị đặc biệt nào.

Đối với các trường hợp nghiêm trọng có kèm theo xuất huyết dịch kính trong mắt và hình thành mô sẹo, bác sĩ có thể chỉ định thủ thuật cắt dịch kính kết hợp với các phẫu thuật tinh vi khác.

Các nghiên cứu khoa học khác nhau đã chứng minh chắc chắn rằng việc chăm sóc và điều trị thích hợp của bác sĩ nhãn khoa, sử dụng laser quang đông, tiêm thuốc chống tăng sinh mạch và thực hiện phẫu thuật cắt dịch kính là các phương pháp rất quan trọng giúp duy trì thị lực cho các bệnh nhân đái tháo đường.

Việc điều trị bệnh lý VMĐTĐ thành công sẽ phụ thuộc vào việc phát hiện và điều trị sớm. Tất cả các bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm soát bệnh đái tháo đường của mình qua chế độ ăn và sử dụng thuốc để trì hoãn hoặc ngăn chặn sự phát triển bệnh lý VMĐTĐ và các biến chứng khác. Bệnh nhân cũng cần thực hiện việc khám mắt định kì hằng năm.

Nguồn: Bệnh viện FV