Chi tiết bài viết

Bệnh vảy phấn trắng ở trẻ điều trị thế nào?

Vảy phấn trắng ở trẻ là bệnh ngoài da thường gặp. Bệnh được đánh giá khá lành tính, có thể tự khỏi nhưng thường khỏi chậm, có thể kéo dài vài tháng đến vài năm. Để đảm bảo tính thẩm mỹ tốt nhất nên phát hiện và điều trị bệnh sớm.

1. Bệnh vảy phấn trắng là gì?

Vảy phấn trắng (pityriasis alba) là một bệnh ngoài da lành tính và khá phổ biến, thường gặp ở trẻ từ 7 – 15 tuổi. Biểu hiện của bệnh vảy phấn trắng ở trẻ là xuất hiện các mảng da bất thường hoặc dát mỏng có hình tròn hoặc bầu dục đường kính 5 – 30 mm, đôi khi có ban đỏ nhẹ, thường có đóng vảy mỏng, thỉnh thoảng ngứa nhẹ. Da bị bệnh vảy phấn trắng ban đầu có màu đỏ nhẹ, dần nhạt màu theo thời gian. Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể như tay, chân, mặt hay toàn thân,… và dễ nhận biết hơn ở những người có làn da sậm màu. Bệnh vảy phấn trắng có thể đi kèm triệu chứng của viêm da dị ứng, bao gồm eczema ở vùng khoeo hay hố khuỷu, núm vú, rãnh sau tai. Khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, các tổn thương do bệnh trở nên nổi bật hơn.

Bệnh vảy phấn trắng thường tự khỏi nhờ sự tái tạo dần dần của sắc tố da bình thường. Thời gian lành bệnh thay đổi tùy từng người, có thể vài tháng hoặc vài năm. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh vảy phấn trắng khỏi bệnh hoàn toàn sau một năm

2. Nguyên nhân gây bệnh vảy phấn trắng ở trẻ

Hiện chưa phát hiện nguyên nhân đặc hiệu gây bệnh vảy phấn trắng. Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Người có cơ địa dị ứng
  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh;
  • Người bị hen suyễn, dị ứng, chàm,…;
  • Khí hậu nóng ẩm;
  • Hóa chất độc hại;
  • Vết trầy xước trên da;
  • Côn trùng đốt;
  • Sử dụng xà bông, chất tẩy có kiềm;
  • Mặc quần áo quá dày gây cọ xát;
  • Căng thẳng, mệt mỏi,…

3. Chẩn đoán bệnh vảy phấn trắng ở trẻ

  • Chẩn đoán dựa trên biểu hiện lâm sàng và phân bố thương tổn da;
  • Thủ thuật hỗ trợ khi chẩn đoán không rõ ràng: Soi tổn thương bằng đèn Wood (chẩn đoán phân biệt bệnh phấn trắng với bạch biến), cạo da đem soi tươi với KOH (chẩn đoán phân biệt bệnh vảy phấn trắng với nấm hoặc bệnh lang ben), sinh thiết da (chẩn đoán phân biệt vảy phấn trắng với u sùi dạng nấm).

4. Điều trị vảy phấn trắng

  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì khi da xung quanh vùng bị vảy phấn trắng sẽ sậm màu hơn, làm rõ hơn vùng da tổn thương, gây mất thẩm mỹ. Có thể dùng kem chống nắng để ngăn ngừa tổn thương do bị cháy nắng và làm giảm sự sậm màu của vùng da xung quanh;
  • Bôi kem dưỡng ẩm cho trẻ như vaseline và kem Eucerin để làm giảm tình trạng đóng vảy, giúp trẻ dễ chịu hơn;
  • Dùng thuốc bôi tại chỗ steroid hiệu lực thấp theo chỉ định của bác sĩ như kem hoặc thuốc mỡ hydrocortisone 1% để giảm hồng ban, giảm ngứa và tăng tốc độ tái tạo sắc tố da;
  • Điều trị bằng thuốc ức chế calcineurin tại chỗ như thuốc mỡ tacrolimus 0,1% và kem pimecrolimus 1%;
  • Sử dụng Calcitriol (một chất tương tự vitamin D) bôi tại chỗ;
  • Áp dụng phương pháp quang hóa trị liệu (tia PUVA) khi bệnh lan rộng ra nhiều vị trí trên cơ thể;
  • Trường hợp nặng có thể sử dụng kết hợp thuốc uống và thuốc bôi ngoài da để kiểm soát các dấu hiệu bệnh, điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Nên điều trị vảy phấn trắng tại các bệnh viện uy tín, không tự ý trị bệnh tại nhà vì sử dụng không đúng thuốc có thể gây phản ứng phụ, làm bệnh trầm trọng hơn.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh vảy phấn trắng, cha mẹ không nên chủ quan trước tình trạng bệnh của trẻ. Phụ huynh nên đưa trẻ tới bệnh viện để được chẩn đoán đúng bệnh và có phương pháp điều trị hiệu quả, nhanh chóng. Khi trị bệnh cho trẻ, cha mẹ cần tuân thủ theo đúng đơn thuốc, liều lượng và thời gian chữa trị để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec