Chi tiết bài viết

Bị thủy đậu: Bôi xanh methylen lúc nào mới đúng?

Chỉ bôi xanh methylen khi nốt phỏng nước của bệnh thủy đậu bị vỡ, lúc này việc chấm trực tiếp thuốc xanh methylen vào nốt vỡ làm se nốt và ngừa bội nhiễm vi khuẩn, sát trùng để nốt phỏng nước khô nhanh.

1. Nhận diện bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện các biểu hiện theo trình tự sau đây

  • Bệnh nhân sốt, cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, biếng ăn.
  • Đau bụng kéo dài một hoặc hai ngày.
  • Xuất hiện các nốt hình hạt đậu nhỏ, ửng đỏ và rất ngứa. Các nốt này có thể xuất hiện khắp toàn thân và có thể lan đến vùng kín, gần niêm mạc…
  • Những nốt đỏ căng phồng lên như như nốt phỏng, bên trong có chứa chất dịch màu trắng trong hoặc đục (khi có bội nhiễm).
  • Các nốt thủy đậu chuyển sang giai đoạn đóng vảy.
  • Các nốt đậu biến mất để lại trên da những đốm sậm màu trông như ghẻ rồi nhạt màu dần theo thời gian hoặc sẹo lõm khuyết da.

2. Khi bị thủy đậu bôi gì?

Khi bị thủy đậu, ngay lập tức nhiều người nghĩ đến việc bôi xanh methylen vào các nốt phỏng. Việc bệnh nhân thủy đậu bôi xanh methylen khi nốt phỏng chưa vỡ là không cần thiết, người bệnh đặc biệt là trẻ em cũng không thích vì trông rất nhem nhuốc.

Chỉ bôi xanh methylen khi nốt phỏng nước của bệnh thủy đậu bị vỡ, lúc này việc chấm trực tiếp thuốc xanh methylen vào nốt vỡ làm se nốt và ngừa bội nhiễm vi khuẩn, sát trùng để nốt phỏng nước khô nhanh.

Trên một khu vực da thường có thể có nhiều loại nốt ban: nốt mới mọc, nốt đã xuất hiện phỏng nước hoặc có nốt ban đã vỡ. Khi ban vỡ thường để lại vết trợt, xước trên da, cần nhận biết nốt đã vỡ để bôi xanh methylen, kết hợp với việc giữ vệ sinh, không cào gãi, nếu không bị nhiễm trùng thì nốt thủy đậu sẽ tự khỏi và không để lại sẹo. Cắt tỉa móng móng tay cho trẻ em bị bị để tránh việc trẻ làm tổn thương vùng da có nốt thủy đậu.

Nếu có thể, hãy tìm mua loại thuốc thoa da có chất kháng histamin tại nhà thuốc và thoa cho người bệnh để giảm ngứa (nhớ đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dụng). Khi các nốt thủy đậu bị vỡ, chỉ nên dùng bông gòn sạch, có sát trùng với nước muối sinh lý chấm lên các nốt mụn nước đã vỡ để lau sạch dịch nước, chờ khô và chấm methylen xanh lên vết thương để ngăn ngừa nhiễm trùng. Chú ý, bệnh nhân không được bôi thuốc mỡ tetracyclin, mỡ penicillin hay thuốc đỏ. Ngoài ra cũng không nên chọc nốt phỏng ra mà nên để chúng vỡ tự nhiên.

Khi các nốt mụn nước bước sang giai đoạn lành, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc bôi như: Madecassol, Cicaplast, Curiosin… với mục đích làm kích thích tăng sinh liên kết collagen dưới da, tăng khả năng đàn hồi và làm lành vết thương mà không để lại sẹo.

3. Tuyệt đối không kiêng tắm

Nhiều người cho rằng khi bệnh nhân bị thuỷ đậu phải tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió nên không tắm, lau rửa cơ thể. Đây là một quan niệm cực kỳ sai lầm. Có nhiều trường hợp bị biến chứng viêm da bội nhiễm, nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết vì không giữ vệ sinh tốt.

Thay vào đó, bệnh nhân nên được bằng nước ấm, chú ý không tắm quá lâu như người khỏe mạnh. Ngoài ra, chú ý giữ sạch tay và móng tay. Với trẻ nhỏ phải cho mang bao tay, bôi bột talc hoặc bôi phấn rôm vô khuẩn lên khắp người để trẻ đỡ ngứa. Tránh tối đa việc gãi vì gãi làm nốt phỏng bị vỡ, có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn và dễ để lại sẹo thâm, sẹo lõm khi khỏi bệnh.

Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng, súc miệng bằng nước sát trùng. Ban thủy đậu dạng phỏng có thể mọc trong miệng, khi vỡ ra gây bội nhiễm làm người bệnh không ăn được, cần đến gặp bác sĩ để được tư, đảm bảo dinh dưỡng để chống lại bệnh tật.

4. Không nên đắp lá, tắm lá

Có nhiều gia đình không ưa chuộng các loại thuốc bôi của Tây Y mà có xu hướng tin vào các mẹo chữa thủy đậu bằng thực vật theo kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, các thầy thuốc khuyên rằng: việc tắm lá cho người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ cũng như việc uống thuốc chỉ được áp dụng khi có chỉ định của bác sĩ, tùy từng cơ địa mà có thể tắm các loại lá khác nhau theo y lệnh của thầy thuốc.

Ngay cả lá bàng, lá chè xanh mà các bậc cha mẹ thường hay sử dụng để tắm cho trẻ cũng không hề tốt, có thể khiến trẻ mắc bệnh nặng hơn vì trong hai loại lá này có chất tanin (chất chát) dễ làm cho da của trẻ nhỏ bị tổn thương.

Theo các chuyên gia, cha mẹ cũng không nên mua các loại lá về tắm để cho trẻ trẻ em bị thủy đậu, không tắm nước gốc rạ. Vì da của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất mỏng, cấu trúc da chưa ổn định, chỉ bằng 1/5 so với da người lớn nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng.

Hơn 90% các bệnh về viêm da ở trẻ sơ sinh là do vi khuẩn tấn công từ bên ngoài, trong khi các loại lá thường mọc ở bờ bụi, gốc rạ bị nhiễm khuẩn, thậm chí là có thuốc bảo vệ thực vật rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi nên nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn là rất cao. Lá tre tuy không có hại nhưng cũng không nên dùng vì lá tre có lông, khiến người bệnh bị ngứa, dị ứng.

Tiêm phòng vacxin thủy đậu là biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Vacxin thủy đậu được chỉ định tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn chưa từng mắc bệnh trước đó.

Sau khi đưa vào cơ thể, vắc xin thủy đậu cần 1 – 2 tuần để phát huy tác dụng. Vì vậy, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm phòng thủy đậu trước mùa dịch tối thiểu 1 tháng. Thời gian miễn dịch (không mắc bệnh) của vacxin thủy đậu kéo dài trung bình là 15 năm. Sau khoảng thời gian này, chúng ta có thể tiêm nhắc lại để phòng ngừa thủy đậu hiệu quả hơn.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec