Chi tiết bài viết

Biến chứng của viêm màng ngoài tim

Viêm màng ngoài tim nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng ngoài tim kèm theo ép tim hoặc viêm màng ngoài tim co thắt mạn tính.

1. Viêm màng tim có nguy hiểm không?

Viêm màng ngoài tim là bệnh lý viêm và tạo dịch của lớp màng ngoài tim. Thể cấp tính của bệnh được định nghĩa là tình trạng viêm kéo dài từ khoảng 4 đến 6 tuần. Biểu hiện viêm có thể là tơ huyết (khô) hoặc tràn dịch với dịch tiết có mủ, huyết thanh, đôi khi xuất huyết.

Viêm màng ngoài tim có triệu chứng đặc trưng trên lâm sàng là bộ ba dấu hiệu: Đau ngực, tiếng cọ màng ngoài tim và những thay đổi trên điện tâm đồ. Đây là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh về ngoại tâm mạc trong thực hành lâm sàng.

Viêm màng ngoài tim có thể khiến cho màng tim hóa sẹo, trở nên mỏng hơn và tim bị siết lại. Khi lượng dịch đọng lại trong màng tim quá nhiều, hậu quả tạo ra áp lực lớn lên tim, khiến cho tim không thể thực hiện toàn vẹn chức năng bơm máu như bình thường. Đối với trường hợp nặng, huyết áp có thể giảm thấp, gây nguy hiểm đến tính mạng.

2. Biến chứng viêm màng ngoài tim

2.1. Tràn dịch màng ngoài tim có hay không có chèn ép tim

Viêm màng ngoài tim có nguy cơ gây tích tụ dịch thấm, dịch tiết, hoặc máu trong túi màng ngoài tim. Áp lực bên trong màng ngoài tim tăng cao do xảy ra tình trạng tràn dịch màng ngoài tim (nhất là ở những vùng tích tụ dịch), gây áp lực lên các buồng tim, dẫn đến hiện tượng chèn ép tim. Đây là một trong những biến chứng viêm màng ngoài tim nguy hiểm.

Trong trường hợp có rối loạn huyết động, viêm màng ngoài tim có mủ hoặc nghi ngờ cao có khối u, bệnh nhân cần được chọc màng ngoài tim. Trước đó, cần tiến hành dẫn lưu hết dịch và phân tích dịch để tìm glucose, protein và lactate dehydrogenase. Bên cạnh đó, cần xét nghiệm kiểm tra số lượng tế bào, soi mẫu dưới kính hiển vi, nếu cần thiết phải tiến hành nuôi cấy vi khuẩn và/hoặc virus và kiểm tra tế bào học.

Trong một số tình huống nhất định, không thể thực hiện chọc màng ngoài tim qua da và cần dẫn lưu phẫu thuật cho bệnh nhân. Phương pháp tiếp cận dưới mũi ức nói chung có tỷ lệ biến chứng <1% và khả năng tái phát tràn dịch là 8%. Nếu nghi ngờ bệnh nhân đang mắc bệnh ác tính hoặc u hạt, cần thực hiện sinh thiết màng ngoài tim để kiểm tra.

2.2. Viêm màng ngoài tim co thắt mạn tính

Hầu hết các trường hợp viêm màng ngoài tim co thắt mạn tính xảy ra trong vòng 3 đến 12 tháng sau khi xuất hiện thương tổn màng ngoài tim. Đây là biến chứng viêm màng ngoài tim có thể dẫn đến tử vong, tuy nhiên tỷ lệ xảy ra khá hiếm và tập trung chủ yếu ở các nước phát triển. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc biến chứng này thường là những bệnh nhân đã tiến hành phẫu thuật tim trước đó (tỷ lệ mắc bệnh từ 0,2% đến 0,3%), đã từng xạ trị hoặc viêm màng ngoài tim vô căn (không xác định được nguyên nhân). Bệnh lao là nguyên nhân thường gặp nhất ở các nước đang phát triển.

Trong thời gian lành bệnh, mô hạt có khả năng sẽ thay thế hoàn toàn khoang màng ngoài tim. Điều này dẫn tới sự xuất hiện của sẹo dày đặc, bao quanh tim và cản trở dòng máu đổ đầy tâm thất. Trong trường hợp này, cần phẫu thuật để cắt bỏ màng ngoài tim.

Các biến chứng của viêm màng ngoài tim có thể từ mức độ nhẹ đến nặng, thậm chí gây tử vong. Tuy nhiên ,hầu hết các ca bệnh ghi nhận được đều là nhẹ và có thể tự cải thiện dần. Đối với những trường hợp nặng hơn, phương pháp điều trị có thể bao gồm sử dụng thuốc và phẫu thuật (hiếm gặp). Mặt khác, việc chẩn đoán và điều trị từ sớm có thể làm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng lâu dài do viêm màng ngoài tim.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec