Chi tiết bài viết

Cảnh giác với những cơn đau đầu dữ dội, đột ngột, nguy hiểm

Đau đầu là một vấn đề thường gặp ở nhiều người, tuy nhiên nhiều người cho rằng không nguy hiểm vì có thể đó là những biểu hiện của thay đổi thời tiết, hoặc do công việc căng thẳng, xung đột gia đình, do stress… cũng gây nên đau đầu, nên đã tự mua thuốc về uống.

1. Nguyên nhân

Đau đầu là một triệu chứng đau nhức ở phần đầu do nhiều chứng bệnh và nguyên nhân khác nhau gây ra. Não không cảm nhận được cảm giác đau là do bản thân não không có thụ thể để cảm nhận đau. Các vùng có thể nhận biết cảm giác đau bao gồm mạch máu ngoài sọ, tĩnh mạch lớn, dây thần kinh sọ và dây thần kinh cột sống, màng não và cơ cổ, cơ đầu.

Nếu ở các bệnh cảm cúm thông thường đau đầu thường kèm sổ mũi, ho, sốt thì khi các triệu chứng này hết, đau đầu cũng sẽ thuyên giảm. Các cơn đau đầu mạn tính, đau đầu do nhiễm khuẩn, đau đầu do hóa chất, hoặc đau đầu, mặt do các bệnh lý mắt, mũi, tai, xoang, răng, miệng, cổ, gáy…

Còn đối với các bệnh lý về hệ thần kinh, đau đầu là một triệu chứng rất thường gặp và thường cơn đau đầu kéo dài nên người bệnh cần chú ý để phân biệt và đến bệnh viện khám để được điều trị kịp thời.

2. Những cơn đau đầu nguy hiểm

Đau đầu do dị dạng mạch máu não: Cơ đau đầu diễn tiến đau âm ỉ, dai dẳng, và đôi khi phát lên cơn đau lớn thậm chí có thể kèm theo liệt run. Dị dạng mạch máu não có thể gây ra xuất huyết não, động kinh, trường hợp nặng có thể hôn mê và dẫn tới tử vong.

Dị dạng mạch máu não là một hiện tượng mà các mạch máu bất thường, rối loạn trong não. Những dị dạng mạch máu này khi vỡ gây nên chảy máu não. Dị dạng mạch máu não là một căn bệnh bẩm sinh và hết sức nguy hiểm.

Dị dạng mạch máu não có thể được chẩn đoán thông qua chụp cộng hưởng tư não (chụp MRI não). Sau khi phát hiện được dị dạng mạch máu thì sẽ có một đánh giá sâu hơn cần được thực hiện đó là chụp hình mạch máu não (chụp Angiogram não). Chụp hình mạch máu não giúp cho bác sĩ có cái nhìn chính xác về vị trí, kích thước, hình dạng của đoạn mạch dị dạng đồng thời lên được biểu đồ huyết mạch nơi mạch máu dị dạng phát sinh.

Hiện nay có ba phương pháp để điều trị dị dạng mạch máu não bao gồm:

  • Phẫu thuật mở truyền thống
  • Xạ phẫu
  • Phẫu thuật thắt mạch theo phương pháp xâm lấn tối thiểu, thắt mạch

Phương pháp thắt mạch được sử dụng rộng rãi trong điều trị dị dạng mạch não hơn. Ưu điểm của phương pháp này là bác sĩ hoàn toàn có thể khóa mạch máu dị dạng bằng nhiều vật liệu khác nhau, ngăn chặn máu lưu thông qua mạch dị dạng, giảm tối thiểu khả năng mất máu và độ an toàn cao hơn vì thế bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày hoặc một ngày sau phẫu thuật.

Đau đầu do viêm màng não: Cơn đau đầu dữ dội, uống thuốc nhưng không giảm, cổ cứng, nôn, sợ ánh sáng, và sốt cao. Đây là căn bệnh thường gặp ở trẻ em, bệnh khởi phát nhanh và khó phát hiện do em bé thường không biết diễn tả bệnh của mình.

Viêm màng não là bệnh do virus hoặc vi khuẩn. Nếu do virus gây nên thì bệnh có thể khỏi trong vòng một vài ngày còn nếu là vi khuẩn gây nên thì sức khỏe bệnh nhân có thể diễn biến trầm trọng hơn và khả năng tử vong cao.

Đau đầu do u não: Đau đầu do u não gây tăng áp lực nội sọ nên ở giai đoạn đầu cơn đau thường âm ỉ và kéo dài. Giai đoạn sau cùng với chứng đau đầu có kèm theo buồn nôn, giảm thị lực hoặc các dấu hiệu của thần kinh khu trú ví dụ như liệt chi thể, liệt dây thần kinh sọ não, và mắt mờ. Lúc này người bệnh cảm thấy đau đầu liên tục và uống thuốc có dấu hiệu không giảm.

Đau đầu do xuất huyết não (đột quỵ): Đau đầu đột ngột, dữ dội và có thể dẫn tới liệt nửa người và hôn mê nhanh.

Bệnh xuất huyết não là bệnh khởi phát đột ngột và dữ dội. Bệnh nhân có thể bị đột quỵ ngay sau khi gắng sức về tâm lý và thể lực hoặc trong lúc làm việc hay trong những sinh hoạt bình thường, thậm chí ngay cả trong lúc ngủ bệnh nhân cũng có thể hứng chịu cơn xuất huyết não.

Đau đầu do tăng huyết áp: Thường gặp đối với những bệnh nhân trên 50 tuổi và có bệnh lý tăng huyết áp đi kèm. Kiểu đau đầu này thường đột ngột và dữ dội. Đau đầu khu trú nhiều ở vùng chẩm và vùng trán. Người bệnh có cảm giác cứng các cơ gáy, cơn đau lên đỉnh đầu và có thể lan tới vùng trán, đau đầu thường đau nhiều về ban đêm.

Ở bệnh nhân tăng huyết áp xuất hiện chứng đau đầu là do áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch tăng làm cho thành mạch bị dãn dần ra và xuất hiện những tổn thương. Hiện tượng đau đầu xảy ra do những tổn thương này ngày càng tăng ở các mạch máu nhỏ tại não. Nếu để tình trạng bệnh kéo dài dễ gây ra các biến chứng như tắc mạch máu não, liệt.

Đau đầu do chấn thương sọ não: Xảy ra sau một chấn thương vùng sọ não đủ mạnh gây bất tỉnh, sau đó xuất hiện đau đầu, buồn nôn, yếu nửa người, rối loạn ý thức. Với người già, đôi khi chỉ một va chạm nhẹ không gây chấn thương hộp sọ hoặc mất ý thức nhưng vẫn có thể gây máu tụ dưới màng cứng mạn tính.

Bệnh nhân cảm thấy đau ở khắp đầu, cơn đau xuất hiện một vài ngày hoặc một vài tuần sau va chạm. Đau âm ỉ liên tục và ngày một tăng dần, khi chảy máu nặng sẽ gây ra chứng buồn nôn và nôn, rối loạn ý thức, thậm chí là liệt nửa người, dẫn tới rối loạn đại tiểu tiện.

Tóm lại, khi thấy có những biểu hiện đau đầu bất thường khác, nên đến ngay các cơ sở y tế để khám cụ thể và dùng các phương tiện cận lâm sàng ví dụ như chụp cắt lớp thường, chụp cộng hưởng từ, hay chụp cắt lớp đa dãy… để xác định chính xác nguyên nhân gây ra đau đầu.

Bệnh nhân tuyệt đối không nên chủ quan với các cơn đau đầu bất thường chưa rõ nguyên nhân và nghĩ đó là do thời tiết, do thiếu máu não, hay do hội chứng tiền đình… mà tự ý mua các thuốc giảm đau, thuốc cảm cúm về dùng. Đối với những cơn đau đầu, đặc biệt là những cơn đau đầu ác tính nói trên cần phải được thăm khám cẩn thận để xác định được nguyên nhân gây ra bệnh để được can thiệp kịp thời.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec