Chi tiết bài viết

Chẩn đoán u xơ tử cung

U xơ tử cung bệnh lý phụ khoa rất hay gặp ở mọi lứa tuổi, từ giai đoạn sinh đẻ đến mãn kinh hay hậu mãn kinh. Tuy nhiên gần đây bệnh lý này ngày càng gặp nhiều ở phụ nữ trẻ tuổi.

1. U xơ tử cung là bệnh gì?

U xơ tử cung còn được gọi là nhân xơ tử cung. Đây là các khối u lành tính thường xuất hiện ở trong thành cơ tử cung hoặc trên thành cơ tử cung. U xơ tử cung được hình thành khi một tế bào cơ trơn phân chia nhiều lần, phát triển thành một khối đàn hồi, vững chắc và dẫn tách khỏi phần còn lại của thành tử cung. U xơ có thể phát triển thành một khối, thậm chí là nhiều khối với kích thước khoảng từ 1 – 20mm.

Có 4 loại u xơ tử cung, gồm:

  • U xơ dưới thanh mạc: Loại u xơ phát triển từ tử cung và hướng ra ngoài
  • U xơ trong vách: U xơ hình thành và phát triển từ trong thành tử cung. U xơ trong vách có thể khiến tử cung to lên
  • U xơ dưới niêm mạc: Đây là loại u phát triển trong nội mạc tử cung. U xơ dưới niêm mạc có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của người bệnh, có khả năng gây vô sinh và sảy thai
  • U xơ tử cung có cuống: Đây là loại u tách ra khỏi tử cung nhưng vẫn còn dính bởi 1 cuống nhỏ.

2. Chẩn đoán u xơ tử cung

2.1. Chẩn đoán triệu chứng

U xơ tử cung kích thước nhỏ có thể không gây ra những triệu chứng gì đặc biệt. Giai đoạn này, người bệnh thường không phát hiện ra hoặc tình cờ phát hiện bệnh qua đợt khám sức khỏe định kỳ hoặc khám các bệnh lý khác. Đến khi khối u lớn mới gây ra các triệu chứng rõ rệt hơn như:

  • Ảnh hưởng chu kỳ kinh nguyệt: Kinh nguyệt ra nhiều hơn, rong kinh, rong huyết…
  • Tăng áp lực lên bàng quang: bí tiểu, đái rắt, nặng bụng, táo bón…
  • Làm bụng người bệnh phình to ra

2.2. Khám

  • Người bệnh có thể bình thường hoặc sắc mặt nhợt nhạt, thiếu máu
  • Tử cung to và chắc, mật độ không đều, di động theo cổ tử cung
  • Khối u xơ tử cung thoái hóa hoại tử khiến người bệnh có các triệu chứng phúc mạc

2.3. Cận lâm sàng

  • Siêu âm tử cung: Có xuất hiện khối u xơ, cần phân biệt với u nang buồng trứng
  • Trường hợp khó như u to hay cần chẩn đoán phân biệt có thể chụp CT hoặc MRI
  • UIV đánh giá chèn ép niệu quản, thận

2.4. Chẩn đoán phân biệt

Khối u hạ vị: Có thai, polyp tử cung, lạc nội mạc ở cơ tử cung…

Đau vùng chậu: Do lạc nội mạc buồng trứng, lạc nội mạc ở cơ tử cung, có thai ngoài tử cung, viêm phần phụ…

Xuất huyết tử cung bất thường do bệnh lý tăng sinh nội mạc tử cung, không rụng trứng…

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec