Chi tiết bài viết

Đau lưng ở người lớn tuổi

Đau cấp và mạn tính là vấn đề cần quan tâm ở người cao tuổi. Theo thống kê ở các nước phát triển, có ít nhất 50% người cao tuổi trong cộng đồng than phiền về đau, 85% người già trong nhà dưỡng lão có đau. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đau ở người cao tuổi còn chưa được đánh giá đúng mức.

1. Hơn 50% người dân có đau lưng từ khi còn trẻ

Theo thống kê từ 1990 – 2010 trên thế giới, trung bình cứ 2 người thì có 1 người bị đau lưng. Tỉ lệ này tăng đến 57% ở các nước đang phát triển và chỉ 16% ở các nước phát triển. Đau lưng gây gánh nặng xã hội, đứng thứ 6 trong các dạng bệnh tật (kể cả bệnh gây tử vong và không gây tử vong).

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, cứ 5 người cao tuổi sẽ có 1 người bị đau, 18% những người trên 65 tuổi đang phải dùng thuốc giảm đau thường xuyên. Đau ở người cao tuổi gây giảm vận động, lo lắng, rối loạn giấc ngủ,trầm cảm, thậm chí bứt rứt, kích động, khiến người già không có khả năng tự chăm sóc… Việc chăm sóc bệnh đau lưng mãn tính ở người cao tuổi là một bài toán khó không chỉ với gia đình mà hệ thống y tế.

Cấu trúc cột sống vùng lưng liên quan với sụn đĩa đệm, khớp bên, gân cơ và khối cơ xung quanh. Đau lưng là do các cấu trúc giải phẫu vùng lưng có tổn thương dẫn truyền đến tủy sống và lên não, gây nên cảm giác đau. Ban đêm, não bộ đã loại bỏ hết các yếu tố gây chú ý khác và phần não cảm giác hoạt động trội hơn nên nhận thức đau nhiều hơn.

Tư thế nằm không phù hợp, chuyển động không đều của đốt sống thắt lưng khi vận động cùng với sự giảm hoặc mất cân bằng sức mạnh cơ vùng lưng cũng dẫn đến tăng cường các kích thích đau, đặc biệt về ban đêm. Việc hạn chế chuyển động do đau dẫn đến teo, thoái hoá cấu trúc cột sống thắt lưng khác như dây chằng, diện khớp dẫn. Tất cả các yếu tố trên dẫn đến một vòng đau luẩn quẩn rất khó kiểm soát, đặc biệt ở người lớn tuổi với tình trạng đau mãn tính sẵn có.

2. Nguyên nhân chính gây đau lưng ở người già

2.1. Thoái hoá viêm khớp xương

Có tới 90 – 100% người trên 63 tuổi có biểu hiện thoái hoá viêm xương khớp. Trong số các thay đổi trong cấu trúc cột sống thắt lưng và thoái hóa liên quan đến tuổi của đĩa đệm, sụn và khớp xương là nguyên nhân phổ biến của đau thắt lưng và dường như không có sự liên quan giữa hình ảnh đĩa đệm thoái hoá và triệu chứng đau đớn trên lâm sàng.

Tác giả KirkaldyWillis chia đau lưng làm 3 giai đoạn sau

  • Giai đoạn rối loạn chức năng: Rối loạn cấu trúc xảy ra trong sụn gây tổn thương nhỏ cho các khớp xương và hiện tượng viêm hình thành.
  • Giai đoạn không ổn định: Chức năng của các đĩa đệm bị giảm với sự tiến triển của quá trình thoái hóa được nhìn thấy trong các khớp xương. Cùng với sự mất ổn định trong các đơn vị chức năng liên quan trực tiếp như các khớp, dây chằng sẽ biểu hiện các triệu chứng lâm sàng như đau thắt lưng và thần kinh chi dưới. Dần dần triệu chứng đau sẽ trở nên nghiêm trọng.
  • Giai đoạn ổn định: Chuyển động bị hạn chế do hình thành cấu trúc đốt sống dày lên ở khoảng liên đốt sống. Ở giai đoạn này, mức độ nghiêm trọng của đau thắt lưng thấp giảm đi, tuy nhiên sẽ kèm theo hiện tượng giảm độ linh hoạt của cột sống thắt lưng.

Đau lưng ở người lớn tuổi diễn biến từng đợt, triệu chứng thay đổi, đôi khi biến mất hoặc tăng nặng mà không kèm các yếu tố liên quan nào cả.

Đau lưng cấp tính là cơn đau ngắn, thường kéo dài vài ngày đến vài tuần. Triệu chứng đau có khi đau nhói, đau như dao đâm, có khi đau cơ nhẹ mà người bệnh không vận động cơ thể như bình thường được và không thể đứng thẳng người.

Nếu cơn đau kéo dài hơn ba tháng gọi là mãn tính. Đau mãn tính thường trở nặng theo thời gian, khó xác định nguyên nhân nên thường cần bác sĩ chuyên khoa theo dõi và xem xét và lập kế hoạch điều trị phù hợp với tổn thương.

Thông thường những đau thắt lưng mãn tính thường tiến triển theo từng đợt, tuỳ giai đoạn và mức độ tổn thương nên việc lập kế hoạch và theo dõi dài hạn cho từng cá nhân người bệnh là vô cùng cần thiết

2.2. Hẹp ống tuỷ sống thắt lưng

Hẹp cấu trúc cột sống gây áp lực lên tủy sống và dây thần kinh, có thể gây đau hoặc tê khi đi bộ và theo thời gian dẫn đến yếu chân và mất cảm giác.

Hẹp ống sống thắt lưng do hoái hóa liên quan đến tuổi của toàn bộ cấu trúc đốt sống như cung sau đốt sống và đĩa đệm, tạo nên ống sống. Thoái hóa này gây biến dạng hoặc trượt của đốt sống, dẫn đến hẹp không gian chứa tuỷ sống, đám rối cùng và nơi đi ra từ cột sống lưng của các rễ thần kinh. Từ đó, gây ra các triệu chứng thần kinh của chi dưới và đau lưng.

Một triệu chứng đặc trưng của hẹp ống sống thắt lưng là đau cách hồi. Nếu liên tục đi và đứng có thể gây ra quá tải trọng lực trên ống sống, gây ra các triệu chứng của chi dưới kèm theo như tê bì, yếu vận động. Ngoài ra yếu tố tư thế, cột sống thắt lưng bị cong phía sau do yếu khối cơ vùng lưng có thể gây hẹp cột sống và tăng tốc quá trình biến dạng của các cấu trúc phía sau cột sống như dây chằng, khớp liên mấu.

2.3. Loãng xương – vấn đề phổ biến của người già

Với các nguyên nhân chính trên, hiện tượng gãy xương vi thể do loãng xương do giảm khối lượng xương ở người cao tuổi có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương đốt sống do chấn thương nói chung mà không liên quan đến chấn thương cột sống.

Gãy xương vi thể thường lành tính và gây đau, hiện tượng đau sẽ giảm đi trong vòng 2 hoặc 3 tháng. Nếu cơn đau tiếp tục kéo dài hơn 2 hoặc 3 tháng cần nghĩ đến lún xẹp đốt sống và cần kiểm tra bằng hình ảnh phim chụp X quang cột sống ở các tư thế khác nhau.

Khi tổn thương cột sống liên quan đến các cấu trúc xung quanh và các rễ thần kinh thì cần chụp phim cộng hưởng để phát hiện các nguyên nhân đau lưng thường gặp như: Thoái hoá đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, phồng lồi đĩa đệm, chèn ép rễ thần kinh, viêm khớp liên mấu, viêm khớp cùng chậu, thoái hoá khớp liên mấu, lún xẹp đốt sống, vôi hoá dây chằng…

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec