Chi tiết bài viết

Điều trị đau thần kinh do di chứng của bệnh zona như thế nào?

Bệnh Zona (giời leo) là kết quả tái hoạt động của virus herpes zoster (varicella-zoster virus-VZV). Virus này cũng chính là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em. Virus thủy đậu cư trú trong cơ thể ở trạng thái ngủ bên trong các dây thần kinh cảm giác. 

Virus này sẽ "thức giấc" sau khi gây bệnh thủy đậu nhiều năm trước trong cơ thể của người đã từng bị thủy đậu. Sau đó, virus sẽ đi dọc theo dây thần kinh cảm giác vào da và tạo ra những mảng phát ban gây đau gọi là bệnh Zona (giời leo)

1. Nguyên nhân gây bệnh là gì?

Chưa được rõ, nhưng một số yếu tố làm xuất hiện bệnh có thể xảy ra là:
– Sang chấn tấm lý
– Mệt mỏi
– Hệ miễn dịch suy yếu (có thể là do tuổi cao, bệnh lý, thuốc làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể để có thể giữ được virus thủy đậu trong trạng thái bất hoạt).
– Người bệnh bị ung thư.
– Người đã sử dụng các biện pháp điều trị bằng tia xạ.
– Đã có tổn thương vùng da bị nổi ban

2. Các triệu chứng của bệnh như thế nào?

Tùy thuộc vào dây thần kinh nào bị ảnh hưởng, bệnh Zona có thể xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau trong cơ thể con người.
Triệu chứng đầu tiên của Zona là tăng cảm giác da hoặc cảm giác đau ở 1 phía của cơ thể, hiếm gặp hơn là lan sang phía bên kia của cơ thể. Đôi khi người bệnh chỉ đau theo 1 dải mà không thấy nổi ban. Những cảm giác da có thể gặp là ngứa, căng, bỏng, nhức dai dẳng hoặc đau sâu, đau nhói.
Thông thường thì sau khi cơn đau xuất hiện được 1-3 ngày các dải ban sẽ nổi lên, tấy đỏ, phồng lên ở ngay vị trí đau. Sau đó nó sẽ tụ mủ và đóng vảy trong 10-12 ngày, từ 2 – 3 tuần sau, ban sẽ biến mất và vảy rơi ra, có thể để lại sẹo.
Cận lâm sàng có thể sử dụng các xét nghiệm sau đây khi cần:
– Cấy virus hoặc test kháng thể đặc biệt, như kháng thể huỳnh quang trực tiếp( DFA direct fluorescent antibody ), trong sang thương có thể xác định được VZV. DFA thường cho kết quả sau 1 giờ. Xét nghiệm này có thể giúp phân biệt được giữa VZV và HSV (Herpes Simplex Virus). 
– Cấy virus có thể cho kết quả sau 2 tuần hoặc hơn.
– Sinh thiết da: lấy một mẩu da ở sang thương và xem xét chúng dưới kính hiển vi. 
– Ngoài ra người ta còn có thể dùng PCR (polymerase chain reaction) để phát hiện ra DNA của virus trong mẫu mô được sinh thiết.

3. Phương pháp điều trị là gì?
* Tại nhà (Nếu bạn nghĩ mình bị Zona, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt).
– Không được gãi vì có thể làm gia tăng nguy cơ bị nhiễm trùng thứ phát và có thể để lại sẹo. 
– Có thể dùng thuốc giảm đau, kháng histamin có thể giúp giảm ngứa.
– Dùng băng ép ngâm nước lạnh băng vào vùng sang thương rỉ mủ trong 20 phút khoảng 7, 8 lần/ngày để làm dịu bớt cơn đau và làm khô sang thương. 
– Giữ cho khu vực sang thương được sạch sẽ bằng xà phòng nhẹ và nước. 
– Mặc quần áo rộng để tránh bị thương thêm khi quần áo tiếp xúc với sang thương.
– Tránh những tiếp xúc da-chạm-da với những người chưa từng bị thủy đậu, hoặc những người bị suy giảm hệ miễn dịch.
* Dùng thuốc theo bác sĩ chỉ định:
– Thuốc kháng virus, như acyclovir (Zovirax), … có thể là giảm thời gian phát ban và đau, bao gồm cả PHN( thuốc kháng virus chỉ có hiệu quả khi được sử dụng sớm)
– Thuốc giảm đau: acetaminophen, và ibuprofen, hoặc thuốc giảm đau 3 vòng.
– Có thể dùng corticoid tại chỗ hoặc toàn thân để giảm viêm. 
– Phòng nhiễm trùng.

4. Các biến chứng của bệnh zona là gì?
– Đối với một số người, bệnh zona đau tiếp tục lâu dài sau khi các mụn nước đã hết. 
– Tùy theo các dây thần kinh bị ảnh hưởng, bệnh zona có thể gây ra: viêm não, viêm màng não, liệt mặt, giảm khả năng về thính giác, mất tầm nhìn và nhiễm trùng da.
– Đặc biệt là trong trường hợp đau dây thần kinh sau tổn thương (PHN – Postherpetic neuralgia), PHN là những cơn đau kéo dài ở một số người ngay cả sau khi sang thương đã biến mất. Tình trạng này được gọi là đau dây thần kinh sau zona, và xảy ra khi các sợi thần kinh bị hư hại gửi thông điệp lẫn lộn và phóng đại đau từ làn da đến bộ não, đau kinh khủng làm người bệnh mất ăn, mất ngủ, lao động và làm việc không có hiệu quả ( nhất là người cao tuổi). Đau gây ra các biến chứng và nguy hiểm như tăng huyết áp(THA) rối loạn nhịp tim, làm xuất hiện và/ hoặc gia tăng bệnh lý thiếu máu cơ tim, tăng đường huyết nhất là người có bệnh đái tháo đường(ĐTĐ). Thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống co giật có thể giúp giảm bớt triệu chứng trên. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp dùng các thuốc này không hề thuyên giảm.

 

Nguồn: Bệnh viện SAIGON-ITO Phú Nhuận