Chi tiết bài viết

Điều trị suy tuyến cận giáp

Suy tuyến cận giáp là bệnh phổ biến liên quan đến tuyến cận giáp khi có sự sản xuất kém của hormon tuyến cận giáp. Bệnh nhân bị suy tuyến cận giáp thường biểu hiện hạ calci máu và tăng phospho máu. Nếu không được chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, chức năng các hệ cơ quan khác.

1. Nguyên nhân suy tuyến cận giáp là gì?

Bạn có biết những tác nhân sau có thể gây ra suy tuyến cận giáp?

1.1 Sau phẫu thuật

Tổn thương do tai nạn hoặc cắt bỏ tuyến cận giáp trong khi phẫu thuật là nguyên nhân phổ biến gây suy tuyến cận giáp. Phẫu thuật đó có thể được thực hiện là một phương pháp điều trị các bệnh về tuyến giáp hoặc ung thư cỗ họng, cổ.

1.2 Bệnh tự miễn

Hiện tượng hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể chống lại chính các mô tuyến cận giáp. Khi đó, các tuyến cận giáp sẽ ngừng sản xuất hormone PTH gây suy tuyến cận giáp.

Ngoài ra, một số trường hợp như: Xạ trị ung thư mở rộng khu vực mặt hay cổ có thể gây phá hủy tuyến cận giáp, như trường hợp dùng i-ốt phóng xạ điều trị bệnh cường giáp. Đồng thời, sự thay đổi nồng độ magie sẽ ảnh hưởng đến tuyến cận giáp.

2. Triệu chứng suy tuyến cận giáp

Khi gặp những triệu chứng sau đây chứng tỏ có thể bạn đang mắc suy tuyến cận giáp.

  • Đau nhức cơ hoặc chuột rút
  • Xuất hiện ngứa ran, nóng hoặc tê ở đầu ngón tay, ngón chân và môi
  • Cơ co thắt, nhất là ở xung quanh miệng
  • Tóc rụng theo từng mảng
  • Da khô
  • Móng tay dễ gãy
  • Mệt mỏi
  • Cảm thấy lo âu hoặc buồn phiền
  • Đau bụng kinh
  • Co giật, động kinh

Trong trường hợp trẻ em không may bị suy tuyến cận giáp cũng có thể bị đau đầu, nôn hoặc có các vấn đề về răng như men răng yếu, răng phát triển kém.

2.1 Triệu chứng cận lâm sàng

Xét nghiệm máu:

  • Calci máu thấp: 1,87 – 2mmol/l
  • Calci ion hoá giảm <1,1 mmol/l
  • Phospho máu tăng > 1,44 mmol/l
  • PTH giảm < 10pg/ml

Xét nghiệm nước tiểu: Chỉ số Calci niệu thấp < 2,5 mmol/24h

Điện tâm đồ: QT và ST kéo dài

Có thể gặp tình trạng nồng độ calci giảm do những nguyên nhân khác.

  • Suy thận mạn
  • Hội chứng giảm hấp thu Calci, magie, vitamin D ở ruột.
  • Bệnh nhân có tiền sử dùng thuốc chống co giật (barbituric, phenytoin), rifampicin làm giảm tổng hợp enzym giúp chuyển hóa vitamin D thành Calciferol ở gan.
  • Nguyên nhân khác: Viêm tủy cấp nặng, ung thư tuyến giáp

3. Điều trị suy tuyến cận giáp

Bệnh nhân suy tuyến cận giáp được chỉ định điều trị cấp cứu khi bị co thắt thanh quản, hoặc lên cơn động kinh

  • Trong trường hợp cần thiết bệnh nhân được chỉ định tiêm tĩnh mạch 10 – 20ml Gluconat calci 10% (1 – 2 ống) tiêm tĩnh mạch chậm trong vòng 10 phút. Hoặc Calciclorua cũng dùng tương tự.
  • Bệnh nhân suy tuyến cận giáp được chỉ định truyền Calci tĩnh mạch với liều 1mg/kg/h. Mỗi ống Gluconat Calci 10ml có chứa 90mg cho mỗi 2,25mmol nguyên tố Calci. Như vậy, nếu pha 6 ống Gluconat Calci vào 500ml Glucose 5% truyền với tốc độ 0,92 ml/kg/h sẽ cung cấp nguyên tố Calcium 1mg/kg/h.
  • Vitamin D liều cao: Ergocalciferol (Sterogyl) 50.000 – 200.000UI/ngày tiêm bắp tối đa trong 2 – 3 ngày. Hoặc Cholecalciferol (Vitamin D3) liều tương tự.
  • Magne spasmyl 6 – 8 viên/ngày, nếu có giảm Magne phối hợp

Điều trị lâu dài nhằm duy trì Calci máu ở mức bình thường thấp (2,0 – 2,1 mmol/l)

  • Calci uống dưới dạng Clorua calci hoặc gluconate calci hoặc Calcium carbonate liều trung bình 1g (2 viên 500mg).
  • Bổ sung Vitamin D: Sử dụng Ergocalciferol (Vitamin D2) dạng dầu uống hoặc tiêm bắp có thời gian bán hủy kéo dài.
  • Bổ sung Magie: nếu bệnh nhân suy tuyến cận giáp bị nghi ngờ có giảm Magie huyết kèm theo, đục thủy tinh thể, rối loạn tiêu hóa.
  • Theo dõi lâm sàng và sinh hóa
  • Thực hiện định lượng Calci máu, phospho máu, ure, creatinin máu.
  • Theo dõi triệu chứng liên quan ngộ độc vitamin D.

4. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy tuyến cận giáp.

Khi bị suy tuyến cận giáp, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một chế độ ăn phù hợp. Nhìn chung, bạn nên chú ý:

  • Ăn thực phẩm giàu canxi. Các nguồn thực phẩm từ sữa, rau lá xanh, bông cải xanh và thực phẩm có bổ sung thêm canxi (như sữa đậu nành hay ngũ cốc ăn sáng) sẽ giúp duy trì nồng độ khoáng chất này trong máu.
  • Ăn ít phospho. Bạn lưu ý tránh sử dụng các loại nước ngọt có gas vì chúng chứa photpho dưới dạng axit photphoric và hạn chế các loại thịt, phô mai cứng, ngũ cốc nguyên hạt.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec