Chi tiết bài viết

Dinh dưỡng đúng cách cho trẻ bị tiêu chảy

Việc trẻ bị tiêu chảy khiến cho cơ thể mất nhiều dinh dưỡng dẫn đến xuất hiện những biến chứng nguy hiểm như mất nước và suy dinh dưỡng. Để giúp trẻ phục hồi nhanh sau tiêu chảy và tránh suy dinh dưỡng cần cho trẻ ăn uống đầy đủ và khoa học.

1. Bệnh tiêu chảy là bệnh như thế nào?

Biểu hiện đầu tiên của bệnh tiêu chảy ở trẻ em thường là đi tiêu phân lỏng nước, mùi hôi tanh. Bé có dấu hiệu mệt, quấy khóc nhiều, nôn. Trẻ thường xuyên thấy đau thắt bụng, khó ngủ khi bị bệnh tiêu chảy.

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh tiêu chảy là do nhiễm trùng đường ruột. Bệnh gây ra bởi một số ký sinh trùng, vi khuẩn thâm nhập vào đường ruột. Vi khuẩn và ký sinh trùng có trong thức ăn ôi thiu và thực phẩm bẩn hoặc môi trường sống kém vệ sinh sẽ theo đường tiêu hóa.

Ngoài ra khi trẻ mắc chứng kích thích ruột, bệnh Crohn, bệnh Celiac hay dị ứng thức ăn cũng có thể dẫn đến tiêu chảy. Đặc biệt việc sử dụng kháng sinh kéo dài cũng có thể khiến trẻ bị tiêu chảy.

2. Tiêu chảy nên ăn gì? Không nên ăn gì?

Đối với trẻ nhỏ, tiêu chảy rất dễ làm cho bé bị suy dinh dưỡng. Vì vậy cần duy trì chế độ ăn thích hợp cho bé. Bé bị tiêu chảy thường biếng ăn, do đó các bậc cha mẹ cần hết sức kiên nhẫn.

2.1 Bé bị tiêu chảy nên ăn gì?

  • Gạo (bột gạo), khoai tây.
  • Thịt gà nạc, thịt lợn nạc, cá nạc, sữa đậu nành, sữa chua
  • Dầu thực vật
  • Cà rốt, hồng xiêm, chuối
  • Thực phẩm chế biến dưới dạng cháo, súp.

Cho trẻ uống nước khi nào trẻ muốn và tiếp tục bù dịch bằng đường uống đến khi hết tiêu chảy.

Cách uống: không cho trẻ uống bằng bình, cho trẻ uống bằng thìa, cứ 1-2 phút/1 thìa. Trẻ lớn hơn cho uống bằng cốc, uống từng ngụm một, không nên cho trẻ uống quá nhanh, nếu trẻ bị nôn, cần ngừng cho uống trong 10 phút, sau đó lại tiếp tục cho uống chậm hơn, 2-3 phút/1 thìa.

Dung dịch bù nước thông dụng là dung dịch ORS (Oresol). Pha 1 gói ORS với 1 lít nước sôi để nguội (không nên pha 1⁄2 gói với 1⁄2 lít nước). Dung dịch bù nước pha quá 12 giờ thì phải bỏ đi và pha dung dịch mới.

Nếu trẻ còn bú mẹ, phải tiếp tục cho trẻ bú vì sữa mẹ là nguồn thực phẩm vô cùng quý giá cho trẻ lúc này. Nếu trẻ bú sữa ngoài, vẫn tiếp tục cho bú bình thường.

Trẻ trên 6 tháng tuổi: Cho trẻ ăn thêm dầu mỡ, ăn thức ăn mềm và cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm, ăn thêm các loại quả chín hoặc nước quả như chuối, cam, chanh, xoài, nước dừa, đu đủ… để tăng lượng kali.

2.2 Một số loại thực phẩm và đồ uống nên tránh khi trẻ bị tiêu chảy

  • Không cho trẻ uống các loại nước giải khát công nghiệp
  • Tránh các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như các loại rau thô.
  • Không dùng các loại thức ăn có nhiều đường.

Sau khi khỏi tiêu chảy, cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa nữa trong 2 tuần liền để giúp cho trẻ nhanh phục hồi và không bị suy dinh dưỡng.

Tiêu chảy là bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa nên giữ gìn vệ sinh ăn uống có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng bệnh.

3. Phòng ngừa tiêu chảy

  • Cần thực hiện việc ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
  • Sử dụng nguồn nước sạch
  • Xử lý phân-nước-rác hợp vệ sinh
  • Cảnh giác với thức ăn đường phố
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà bông với nước sạch, nhất là trước khi ăn; trước khi chăm sóc bé, cho bé ăn; sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh.

Trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, nếu thấy trẻ có những biểu hiện như sốt cao, cảm thấy đau bụng, đau khi sờ nắn bụng hay đau bụng dữ dội; phân có nhầy, máu thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec