Chi tiết bài viết

Hạch sưng đau có nguy hiểm?

Sưng hạch bạch huyết là tình trạng khá phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Mặc dù các hạch bạch huyết sưng là bệnh khá phổ biến, nhưng điều này không có nghĩa bệnh sẽ không gây bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào. Trong một số trường hợp, hạch sưng đau là dấu hiệu cảnh báo của một vài nguyên nhân ác tính.

1. Hạch bạch huyết là gì?

Hạch bạch huyết có cấu trúc hình hạt đậu tròn, có thể nổi ở các bộ phận khác nhau của cơ thể: Cổ, nách, bẹn, ngực và bụng. Chúng đóng vai trò là nơi lọc dịch bạch huyết chứa các phần tử và các tác nhân gây nhiễm trùng như vi-rút, vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Hạch bạch huyết cũng là nơi các tế bào miễn dịch xuất hiện với số lượng lớn để chống lại những tác nhân gây bệnh .

Sưng hạch huyết là tình trạng các hạch bạch huyết trong cơ thể bị sưng. Các tuyến, còn được gọi là tuyến bạch huyết có trách nhiệm lọc các dịch bạch huyết lưu thông trong cơ thể thông qua các mạch bạch huyết. Vì vậy có thể nói tuyến bạch huyết hoạt động tương tự như dòng máu chảy qua mạch máu.

2. Nguyên nhân sưng đau hạch bạch huyết

2.1 Hạch bạch huyết bị sưng có thể do các nhiễm trùng

Khi bị sưng, viêm hoặc to ra, hạch bạch huyết có thể cứng, chắc hoặc mềm. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm: Cảm lạnh và cúm, áp xe răng, răng mọc ngầm, bệnh lợi, đau miệng, các nhiễm trùng tai, các nhiễm trùng da, bệnh lây qua đường tình dục, viêm Amidam,…

2.2 Nhiễm HIV

Nhiễm HIV có thể phá hủy dần dần hệ miễn dịch của cơ thể, khiến cơ thể gặp khó khăn khi chống lại các nhiễm trùng. Vi rút có thể lây truyền qua đường tình dục, truyền máu hoặc dùng chung kim tiêm, lây truyền từ mẹ sang con. Triệu chứng: Ngoài sưng hạch, các triệu chứng có thể bao gồm đau đầu, loét miệng, cứng hoặc đau cơ, nổi mụn hoặc đau họng.

2.3 Lao phổi

Lao phổi là tình trạng nhiễm trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) ở phổi. Bệnh có thể lây lan tới các cơ quan khác.

Một trong các triệu chứng của lao phổi là hạch sưng hoặc đau ở cổ hoặc khu vực khác. Giai đoạn đầu không có triệu chứng, giai đoạn sau xuất hiện ho (thường kèm theo đờm và ho ra máu), đổ nhiều mồ hôi ban đêm, mệt mỏi, sốt và giảm cân.

2.4 Lao hạch

Lao hạch còn được gọi là viêm hạch do lao, thường ảnh hưởng tới các hạch ở cổ nhưng hạch có thể xuất hiện khắp cơ thể. Dần dần, hạch sưng chảy dịch ra ngoài da.

Triệu chứng thường gặp ở bệnh lao hạch là sưng đau một hoặc nhiều hạch trong nhiều tuần tới nhiều tháng.

Một số bệnh nhân, đặc biệt là những người bị bệnh lan rộng hoặc đồng thời mắc bệnh khác có thể có các triệu chứng toàn thân như sốt, giảm cân, mệt mỏi, đổ mồ hôi đêm. Ho dữ dội có thể là triệu chứng nổi bật trong viêm hạch trung thất.

2.5 Bệnh bạch cầu đơn nhân

Bệnh bạch cầu đơn nhân là một nhiễm vi-rút, thường xuất hiện ở thanh thiếu niên lớn và người trẻ tuổi.

Triệu chứng của bệnh gây sốt, đau họng và nổi hạch. Bệnh này còn được gọi là bệnh truyền nhiễm mono hoặc “bệnh hôn” vì được lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc với nước bọt người bệnh hoặc qua ho, hắt hơi,…

2.6 U lympho Hodgkin

Ung thư mô bạch huyết trong hạch, lách, gan, tủy xương… Đây là một trong những loại ung thư có khả năng chữa khỏi nhiều nhất, đặc biệt nếu được phát hiện sớm.

Triệu chứng: Dấu hiệu đầu tiên của u lympho Hodgikin là thường sưng đau hạch ở cổ, nách hoặc bẹn không rõ nguyên nhân. Bệnh có thể lan đến các hạch bạch huyết ở gần. Sau đó có thể lan sang lách, gan, tủy xương hoặc các cơ quan khác. Các triệu chứng khác bao gồm mệt mỏi, sốt và ớn lạnh xuất hiện và biến mất, ngứa khắp cơ thể không rõ nguyên nhân, chán ăn, đổ mồ hôi đêm và sụt cân.

2.7 U lympho không Hodgkin

U lympho không Hodgkin là loại ung thư mô bạch huyết. Mặc dù nguyên nhân chính xác của loại ung thư này vẫn chưa được làm rõ nhưng nó thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch yếu, bao gồm cả những người nhiễm HIV.

Các triệu chứng: Ngoài sưng hạch ở cổ, nách hoặc bẹn và các triệu chứng khác của u lympho Hodgkin, loại ung thư này cũng có các dấu hiệu và triệu chứng ho, khó thở, đau bụng hoặc sưng, đau đầu, rối loạn tập trung, thay đổi tính cách hoặc thậm chí là co giật nếu não bị ảnh hưởng.

2.8 Bệnh bạch cầu

Bệnh bạch cầu là loại ung thư các tế bào bạch cầu thường bắt đầu trong tủy xương. Triệu chứng: Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm hạch ở cổ, nách sưng, đau và sốt hoặc đổ mồ hôi đêm. Ngoài ra, thường xuyên bị nhiễm trùng, mệt mỏi, dễ bị bầm tím, sưng hoặc khó chịu ở bụng, sụt cân, đau xương hoặc khớp cũng là các dấu hiệu cảnh báo bệnh bạch cầu.

3. Các phương pháp chẩn đoán sưng hạch bạch huyết

Để chẩn đoán nguyên nhân của tình trạng này, bác sĩ sẽ cần:

  • Bệnh sử của bạn.
  • Khám sức khoẻ.

  • Thử máu.
  • Quét X-quang ngực hoặc chụp CT.
  • Sinh thiết hạch bạch huyết.

4. Các phương pháp điều trị sưng hạch bạch huyết

Một số phương pháp điều trị sưng hạch bạch huyết gồm:

4.1 Điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc kháng virus

Các thuốc này là cách điều trị phổ biến nhất cho tình trạng sưng do nhiễm khuẩn. Thuốc kháng sinh sẽ giúp ngăn chặn sự nhiễm trùng do vi khuẩn. Trong khi đó, nếu nguyên nhân gây sưng hạch bạch huyết là virus, bạn sẽ được cho thuốc có thể làm giảm các triệu chứng phát sinh. Để có kết quả điều trị tốt nhất, hãy tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ và dược sĩ.

4.2 Điều trị nguyên nhân

Đôi khi, sưng là kết quả của tình trạng sức khoẻ, chẳng hạn như lupus hoặc viêm khớp dạng thấp do bệnh tự miễn. Điều trị các bệnh này có thể trị sưng hạch bạch huyết hiệu quả.

4.3 Điều trị ung thư

Dựa vào loại ung thư sẽ xác định phương pháp điều trị, có thể bao gồm phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị liệu.

Ngoài ra, thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học cũng rất cần thiết, hỗ trợ hiệu quả trong quá trình điều trị các hạch bạch huyết bị sưng.

  • Súc miệng bằng nước muối. Nếu các hạch bị sưng xảy ra ở vùng cổ, tai, hàm hoặc đầu, bạn có thể súc miệng với nước muối hòa tan trong nước ấm. Súc miệng khoảng 10-20 giây. Sau đó nhổ bỏ nước. Lặp lại 3-5 lần/ngày.
  • Ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát căng thẳng, ngừng hút thuốc và nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Tránh các yếu tố nguy cơ gây sưng hạch bạch huyết, không quen nhiều bạn tình và không dùng chung đồ ăn với những người bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn.

Khi thấy nổi hạch ở cổ, bệnh nhân nên sớm đi thăm khám để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân nổi hạch. Sau khi điều trị, người bệnh cần tái khám thường xuyên để theo dõi kết quả và kịp thời điều chỉnh liệu pháp nếu phương pháp đang áp dụng không có hiệu quả.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec