Chi tiết bài viết

Khổ vì … nghén

Có đến hơn 90% phụ nữ bị ốm nghén có biểu hiện nôn ói khi cơ thể có sự thay đổi từ bên trong.

Ốm nghén thường bắt đầu ở tuần thứ 6 của thai kỳ (tính theo kinh cuối), có một số người sớm hơn ở tuần thứ 4, tức là trước khi người mẹ biết mình có thai. Nghén thường kéo dài ở suốt giai đoạn đầu thai kỳ (thường 03 tháng đầu), một số ít trường hợp nghén kéo dài đến 10 tháng (tức là chỉ hết nghén sau sanh một tháng). Các biểu hiện của ốm nghén thường là dễ buồn nôn và nôn ói, nhạy cảm hơn với mùi vị thức ăn, khó chịu hoặc nóng ở thượng vị, ăn không ngon miệng, mệt mỏi…

http://www.khoe24h.vn/wp-content/uploads/2018/11/nguyen-nhan-cua-om-nghen.jpg

 

Nguyên nhân của ốm nghén chủ yếu là do sự gia tăng nội tiết tố hCG do nhau thai tiết ra. Khi bà mẹ có đa thai thì lượng hCG cao hơn khiến dễ buồn nôn và nôn nghiêm trọng hơn. Nồng độ estrogen tăng lên cũng khiến khứu giác mẹ nhạy cảm hơn với mùi vị, dạ dày bị kích thích, nóng rát. Những người mẹ mang thai lần đầu thường căng thẳng và điều này cũng làm tình trạng ốm nghén nặng hơn. Thiếu kẽm cũng là một nguyên nhân khiến bà bầu dễ bị nôn ói.

Tác hại của ốm nghén thường không nguy hại nhiều đến sức khỏe mẹ và bé. Tuy nhiên, có thể có một số ngày mẹ bị nghén nặng, nôn nhiều liên tục đến mức không ăn uống được gì, dẫn đến mất nước, cần phải nhập viện để truyền dịch, cho đến khi mẹ có thể ăn được từng ít một. Có người còn bị sụt cân nếu giai đoạn ốm nghén nặng kéo dài suốt trong 03 tháng đầu.

Ai cũng biết dinh dưỡng trong thai kỳ là rất quan trọng cho sức khỏe cả mẹ và con. Tuy nhiên khi bị nghén thì sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc dinh dưỡng của bà bầu. Ngửi thấy mùi thức ăn đã thấy ớn, buồn nôn, ráng nuốt vào thì phải kiềm cơn nhợn đến ứa nước mắt! Vì vậy bữa ăn sẽ kéo dài hơn thường lệ, vì nuốt gấp sẽ “ra” sớm! Đừng hối thúc bà bầu ăn cho mau, vì sẽ lợi bất cập hại.

Tùy vào mỗi người, sẽ có những món “không chịu được” khác nhau. Người sợ mùi cá, mùi dầu mỡ, có người còn kỵ cả mùi cơm nóng. Một thời gian sau lại có sự thay đổi khác về khẩu vị ăn uống… Về nguyên tắc, khi đã nghén, sợ mùi gì thì nên tránh thức ăn đó, tuyệt đối không cố ăn, ép ăn sẽ càng khiến bà bầu sợ hãi. Có thể thay thế loại thức ăn đang gây nghén đó sang một loại thức ăn khác vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Ví như mùi cơm nóng nhiều bà bầu ngửi thấy là nôn. Khi đó, đừng ngại ngần hãy để cơm thật nguội ăn sẽ dễ hơn, nếu vẫn không thể ăn cơm thì hoàn toàn có thể ăn bánh mì, bún, miến, khoai, bắp… vẫn đảm bảo cung cấp lượng tinh bột cần thiết trong ngày. Còn nếu sợ dầu mỡ thì đừng làm món chiên rán mà hãy luộc, lựa chọn thịt nạc, hải sản, cá… hoặc nhờ người khác nấu… Đến bữa chính nếu không ăn uống được nhiều, hãy ăn thêm 2 – 3 bữa phụ để tăng cường bổ sung dinh dưỡng trong nhiều bữa nhỏ trong ngày. Để giảm được triệu chứng buồn nôn và khó chịu vào buổi sáng, sáng sớm thức giấc có thể nhâm nhi ngay một ít thức ăn nhẹ, khô, như bánh qui, sandwich nho, chờ khi thấy đã dịu cơn nóng rát ở dạ dày thì hãy ăn một tô phở hay món yêu thích. Nhớ luôn mang theo người một số những thức ăn nhẹ để ăn giữa bữa, không nên để đói cồn cào. Có người thèm ăn cơm với cà pháo mắm tôm hơn là dĩa thịt kho, nhưng không dám ăn nhiều sợ con thiếu dinh dưỡng… Trong lúc cấp kỳ, ăn được chút gì thì hay chút đó. Đừng cố gắng ăn món không thích để sau đó thức ăn lại bị tống hết ra khỏi dạ dày. Hãy chủ động điều chỉnh các món ăn, cách nấu hợp khẩu vị nhất trong thời kỳ thai nghén.

http://www.khoe24h.vn/wp-content/uploads/2018/11/giam-buon-non-khi-co-thai.jpg

 

Một số người ngậm gừng cũng có thể giảm cơn buồn nôn sau ăn. Và nhớ rằng sau khi nôn, cần phải ăn trở lại với món ăn khác, mùi vị khác, từng ít một để không bị thiếu dinh dưỡng. Bà bầu nên đi khám thai định kỳ để được bác sĩ hướng dẫn sử dụng thêm các loại vi chất quan trọng trong thời kỳ mang thai như canxi, kẽm…

Việc chú ý giữ gìn vệ sinh răng miệng như đánh răng sau khi ăn cũng giúp cải thiện vị giác của bà bầu. Bà bầu nào quá nhạy cảm với các mùi lạ, nên đeo khẩu trang khi đi ngoài đường để tránh tình trạng bất ngờ gặp mùi lạ gây phản ứng nôn.

Việc theo dõi cân nặng của bà bầu trong giai đoạn nghén là quan trọng để bác sĩ khám thai có những khuyến nghị, tư vấn, điều trị kịp thời. Trong 3 tháng đầu, chỉ cần tăng 1-2 kg, nhưng cần được ăn uống đa dạng đủ chất, nhất là thực phẩm giàu chất kẽm trong hàu, sò, thịt, cá… Uống sữa bột hoặc sữa tươi thường xuyên trong bữa ăn chính hoặc phụ cũng giúp hỗ trợ dinh dưỡng khi ăn kém. Khi đã giảm nghén, cần chú ý tiếp tục chế độ dinh dưỡng cần thiết giúp bà bầu tăng đủ ký trong cả thai kỳ, để có một thai nhi lành lặn, khỏe mạnh và đủ cân.

Nguồn: Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc