Chi tiết bài viết

Làm việc nhiều trên máy tính, điện thoại: Cảnh giác hội chứng thị giác màn hình

Hội chứng thị giác màn hình là một bệnh lý nghiêm trọng về mắt và thường dễ mắc phải vì hiện nay tỉ lệ người sử dụng điện thoại, máy tính, tivi ngày càng tăng nhanh. Với sự phát triển của công nghệ và kỹ thuật, rất nhiều người thường gặp phải những triệu chứng khó chịu, mệt mỏi khi sử dụng các thiết bị điện tử sau 3-4h làm việc liên tục mà không sử dụng kính cản ánh sáng xanh.

1. Hội chứng thị giác màn hình

Hội chứng thị giác màn hình là hội chứng bao gồm các hội chứng liên quan đến thị lực và các triệu chứng, bệnh lý của mắt liên quan đến việc tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị màn hình điện tử khác ví dụ như: điện thoại, máy tính, máy tính bảng, tivi,…

Trong hội chứng thị giác màn hình bao gồm cả hội chứng thị giác màn hình máy tính mà nhiều người thường gọi là hội chứng CVS (Computer Vision Syndrome) và các hội chứng liên quan đến thị lực và các triệu chứng, bệnh lý của mắt có liên quan đến việc thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị màn hình điện tử khác.

Hội chứng thị giác màn hình thường làm ảnh hưởng đến sự tập trung khi làm việc, và làm cho chất lượng cuộc sống cũng như lao động của người sử dụng máy vi tính bị giảm sút.

2. Triệu chứng

Những triệu chứng thường gặp của hội chứng thị giác màn hình bao gồm:

  • Mỏi mắt: Khi nhìn vào màn hình máy tính liên tục trong nhiều giờ liền thì biểu hiện đầu tiên của hội chứng thị giác màn hình đó là mỏi mắt.
  • Nhìn mờ: Mắt bị mờ nhưng không bị suy giảm thị lực thì rất có thể là biểu hiện của hội chứng rối loạn thị giác do máy tính. Mắt phải liên tục tập trung và di chuyển để nhìn khi làm việc với máy tính. Việc sử dụng máy tính làm mắt mỏi nhiều hơn đọc sách hay đọc báo vì màn hình máy tính có thêm các yếu tố bao gồm: độ tương phản, độ chớp sáng và độ chói nên khiến cho mắt dễ bị mờ hơn.
  • Khô mắt : Chớp mắt là một phản ứng tự nhiên của cơ thể giúp cho nước mắt tiết ra và trải đều trên bề mặt mắt. Thông thường mỗi người chớp mắt trung bình khoảng 14 lần/ phút. Tuy nhiên, mắt chúng ta chỉ chớp 6 lần mỗi phút khi sử dụng máy tính hay điện thoại. Mắt chớp ít hơn làm cho nước mắt không đủ để cung cấp lên bề mặt mắt dẫn tới mắt bị khô, và dễ bị kích ứng.
  • Nhức đầu: khi có dấu hiệu bị mắc hội chứng thị giác màn hình thì bệnh nhân có thể bị nhức đầu. Khoảng cách giữa mắt và màn hình máy tính không hợp lý, quá gần có thể gây ra cảm giác đau nhức đầu, và mệt mỏi. Tư thế làm việc cũng như khoảng cách giữa mắt và màn hình máy tính không tốt sẽ khiến việc điều tiết cơ mắt đạt đến cực hạn và gây nên cơn đau đầu.
  • Nhìn đôi: Nhìn đôi hay còn gọi là song thị là một hiện tượng nhìn một vật nhưng lại thấy được hai hình ảnh, tức là bên canh hình ảnh thật của vật có xuất hiện một hình ảnh khác mờ hơn. Nhìn đôi còn xảy ra khi cơ mắt bị suy yếu hoặc dây thần kinh thị giác bị tổn thương.
  • Đau cổ, vai gáy: Nhiều bệnh nhân thường điều chỉnh cổ và lưng để nhìn rõ hơn khi mắt mờ do hội chứng thị giác màn hình. Tuy nhiên điều chỉnh này có thể khiến cho người bệnh bị đau lưng, đau cổ, và mỏi vai gáy vì tư thế ngồi không đúng khi làm việc.

3. Nguyên nhân mắc hội chứng thị giác màn hình

heo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mắt sẽ có 90% nguy cơ bị suy giảm thị lực chỉ cần tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trên 3 giờ mỗi ngày. Việc suy yếu thị lực của đôi mắt là nguy cơ dẫn đến mù lòa do mắt bị tác động bởi ánh sáng nguy hiểm, loại ánh sáng này được gọi là ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị màn hình như: điện thoại, máy tính, máy tính bảng, tivi,… hoặc ánh sáng từ đèn LED, và đèn huỳnh quang.

Ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc hội chứng thị giác màn hình bao gồm: mắt có tật khúc xạ, vị trí đặt máy tính không đúng, sử dụng điện thoại thường xuyên, ngồi sai tư thế,… Sự bùng nổ các thiết bị điện tử là điều tất yếu của cuộc sống hiện đại, song với đó là việc làm dụng các thiết bị điện tử kéo theo hội chứng thị giác màn hình và gây ra các vấn đề, bệnh lý nghiêm trọng về.

4. Đối tượng nguy cơ

Những người làm việc trong văn phòng không chỉ dễ mắc các bệnh liên quan đến cột sống, tim mạch mà còn dễ mắc bệnh về thị giác. Bởi vì nhân viên văn phòng thường làm việc tại không gian kín và trong một thời gian kéo dài từ 8 – 11 tiếng mỗi ngày. Dễ dàng nhận thấy việc ngồi ì một chỗ kéo dài, làm việc trong môi trường thiếu không khí trong lành kéo theo bệnh lý ngày càng nặng hơn.

Đặc biệt, đối tượng này dễ mắc các bệnh lý về mắt, trong đó không thể kể đến hội chứng thị giác màn hình. Do mắt bị tác động bởi những nguồn ánh sáng nguy hiểm ánh sáng xanh – vùng ánh sáng nhìn thấy trong phổ quang học có bước sóng từ 450nm – 495nm được phát ra từ các thiết bị màn hình như máy tính, máy tính bảng, điện thoại, ti vi… hoặc ánh sáng nguy hiểm từ đèn LED, đèn huỳnh quang trong suốt thời gian làm việc (8-11h mỗi ngày).

5. Phòng ngừa hội chứng thị giác màn hình

Những nghiên cứu về vai trò của tế bào biểu mô sắc tố võng mạc đã xác định được nguyên tắc đúng để phòng ngừa hội chứng thị giác màn hình. Cần chủ động chăm sóc, bảo vệ võng mạc từ bên trong bằng cách bổ sung dưỡng chất qua ăn uống, nuôi dưỡng mắt sáng khỏe từ bên trong bằng việc chăm sóc đôi mắt mỗi ngày.

Điều chỉnh tư thế làm việc, cho mắt thời gian nghỉ ngơi, tránh các tác nhân gây hại như khói bụi, thuốc lá, rượu bia… Để bảo vệ thị lực giúp cho đôi mắt sáng khỏe thì cần có chế độ thăm khám định kỳ.

Ngoài ra, với bệnh hội chứng thị giác màn hình cần có chế độ sử dụng màn hình máy tính, các thiết bị điện tử một cách khoa học:

  • Sau khi dùng máy tính khoảng 20 – 30 phút nên nhìn ra hướng khác và cho mắt rời khỏi màn hình khoảng 2 – 5 phút.
  • Chớp mắt thường xuyên để tránh tình trạng mắt bị khô, nên bổ sung độ ẩm cho mắt bằng cách sử dụng nước mắt nhân tạo.
  • Cần giữ đúng tư thế làm việc và khoảng cách giữa mắt và màn hình máy tính phù hợp để làm cho việc điều tiết cơ mắt được tốt hơn, hạn chế đau đầu, mỏi mắt.
  • Khi ngồi học và làm việc nên sử dụng ghế tựa, có đệm lưng. Cùng với đó, hãy chú ý điều chỉnh tư thế khi ngồi máy tính, không nên ngồi một chỗ quá lâu, hãy vận động sau mỗi 45 – 60 phút.

Ánh sáng xanh là một trong những loại ánh sáng có năng lượng lớn nhất trong số những ánh sáng nhìn thấy được. Do vậy, ánh sáng xanh có thể dễ dàng xuyên qua các lớp lọc ánh sáng tự nhiên của nhãn cầu đến đáy mắt và gây ra tổn thương võng mạc.

Vì vậy, một số biện pháp khắc phục khi thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng xanh như:

  • Hạn chế tối đa việc nhìn vào màn hình điện tử là một biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất. Tác hại của ánh sáng xanh làm rối loạn nhịp sinh học nặng nề, do đó trong vòng 2-3 tiếng trước khi ngủ, có thể nghe radio, nghe nhạc, đọc sách báo, đi dạo thay vì sử dụng điện thoại, và xem tivi.

Mặt khác, chúng ta có thể sử dụng một số biện pháp dưới đây cũng sẽ giúp giảm thiểu được tác dụng phụ của các loại màn hình điện tử.

  • Hạn chế tiếp xúc ánh sáng xanh vào buổi tối góp phần gây nên những căn bệnh hiện đại như tiểu đường, bệnh tim, béo phì, ung thư.
  • Cần có chiến lược sử dụng thông minh. Theo các chuyên gia về mắt khuyến cáo người sử dụng màn hình điện tử cần tuân theo nguyên tắc 20-20-20. Theo cách đó là cho đôi mắt nghỉ sau mỗi 20 phút, trong vòng 20s, và nhìn vật cách xa ít nhất 20 bàn chân (khoảng 6m). Chúng ta có thể nhìn qua cửa sổ hoặc nhìn quanh căn phòng.

Hội chứng thị giác màn hình bao gồm các hội chứng liên quan đến bệnh lý về mắt, do tác động của các nguồn ánh sáng nguy hiểm bao gồm ánh sáng phát ra từ các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính,… Nếu không được điều trị có thể dẫn tới suy giảm thị giác, thậm chí có thể gây mù lòa. Do đó khi thấy có dấu hiệu mỏi mắt, đau nhức mệt mỏi, đặc biệt là đối với những người thường xuyên làm việc với máy tính, thì cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được thăm khám và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec