Chi tiết bài viết

Nguyên nhân gây đổ mồ hôi về đêm

Đổ mồ hôi đêm là tình trạng phổ biến và thường gặp ở cả trẻ em và người lớn, ở cả nam lẫn nữ. Đổ mồ hôi đêm ở người lớn hoặc đỏ bừng mặt có thể xuất hiện khi người bệnh bị rối loạn một số hormone, bao gồm ung thư nang thượng thận, hội chứng carcinoid.

1. Đổ mồ hôi đêm là như thế nào?

Đổ mồ hôi đêm là tình trạng cơ thể ra mồ hôi nhiều quá mức có thể làm ướt quần áo và giường nệm, do môi trường hoặc phòng ngủ quá nóng, mặc quá nhiều quần áo hoặc đắp nhiều chăn khi ngủ…

Đổ mồ hôi đêm khiến cơ thể cảm thấy khó chịu và thức giấc. Do đó, cần tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục tình trạng đổ mồ hôi về đêm.

2. Nguyên nhân gây đổ mồ hôi đêm

2.1 Mãn kinh

Đổ mồ hôi đêm ở người lớn, đặc biệt là phụ nữ tuổi mãn kinh thường là do các cơn nóng bừng xảy ra vào ban đêm.

2.2 Tăng tiết mồ hôi

Tăng tiết mồ hôi là bệnh rối loạn thần kinh thực vật khiến cơ thể đổ quá nhiều mồ hôi nhưng không rõ nguyên nhân. Bệnh không chỉ gây đổ mồ hôi đêm mà còn cả ban ngày, người bệnh nếu có cảm xúc thái quá cũng có thể gây đổ mồ hôi. Những giấc mơ vào ban đêm cũng khiến người bệnh đổ nhiều mồ hôi.

2.3 Bệnh nhiễm trùng

Nhiều loại bệnh nhiễm trùng có triệu chứng đổ nhiều mồ hôi, đặc biệt là vào ban đêm như lao, lao phổi, các bệnh nhiễm khuẩn như viêm nội tâm mạc, viêm tủy xương (viêm xương), áp-xe…. HIV cũng khiến người bệnh bị đổ mồ hôi đêm. Ngoài triệu chứng đổ mồ hôi nhiều về đêm, các bệnh còn có dấu hiệu khác như sốt khi về chiều, ăn kém, sụt cân, như các bệnh lao phổi, nhiễm khuẩn, áp-xe…

2.4 Ung thư

Đổ mồ hôi đêm là triệu chứng ban đầu của một số bệnh ung thư. Trong đó, bệnh ung thư phổ biến gây đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm là ung thư máu thể lymphoma – một dạng ung thư bạch cầu ác tính. Dạng ung thư này khó chữa với các triệu chứng điển hình là sưng hạch, sốt, sụt cân và đổ mồ hôi đêm.

2.5 Do tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc như các thuốc chống trầm cảm có thể gây đổ mồ hôi đêm, do loại thuốc này làm thay đổi nồng độ các dẫn truyền thần kinh tới não. Ngoài ra, các loại thuốc như hạ sốt, kháng sinh (như aspirin, acetaminophen), các thuốc có thành phần giảm đau, nicotine, caffeine cũng tác động tới não và làm tăng tiết mồ hôi vào ban đêm.

2.6 Bị hạ đường huyết

Lượng đường huyết trong cơ thể bị giảm (dưới 70mg/dL) cũng có thể gây đổ mồ hôi đêm. Những người bị bệnh hạ đường huyết thường có các triệu chứng như chóng mặt, run rẩy, đổ nhiều mồ hôi.

2.7 Rối loạn nội tiết tố

Đổ mồ hôi đêm ở người lớn hoặc đỏ bừng mặt có thể xuất hiện khi người bệnh bị rối loạn một số hormone, bao gồm ung thư nang thượng thận, hội chứng carcinoid – một loại khối u của tuyến nội tiết thần kinh và cường giáp.

2.8 Các bệnh lý về thần kinh

Một trong các nguyên nhân gây đổ mồ hôi có thể không phổ biến nhưng là yếu tố chỉ định như sau chấn thương, đột quỵ, hoặc các bệnh lý về thần kinh, bệnh rỗng tủy sống đều có thể dẫn đến triệu chứng đổ mồ hôi đêm.

Đổ mồ hôi đêm gây ra nhiều phiền toái vì có thể khiến chúng ta bị thức giấc. Nếu bị đổ mồ hôi nhiều về đêm mà không rõ nguyên nhân, kèm theo một số triệu chứng khác, người bệnh cần đi khám để xác định căn nguyên của bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec