Chi tiết bài viết

Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ như béo phì, tiểu đường, tăng lipid máu, nghiện rượu, viêm gan siêu vi, do sử dụng một số thuốc như corticoid, tamoxiphen, amiodarone… Đặc biệt, khoảng 70% bệnh nhân gan nhiễm mỡ là do béo phì.

Béo phì

Gan nhiễm mỡ thường gặp ở bệnh nhân béo phì và mức độ nhiễm mỡ cũng liên quan đến mức độ béo phì, đặc biệt là béo bụng. Có 80% đến 90% bệnh nhân béo phì bị gan nhiễm mỡ. Nếu béo phì nặng thì mức độ gan nhiễm mỡ cũng nặng hơn và lâu ngày sẽ có khả năng đưa đến viêm gan thoái hóa mỡ và cuối cùng có thể tiến triển thành xơ gan.

Vì vậy để điều trị gan nhiễm mỡ cho người béo phì thì điều quan trọng là phải thực hiện chương trình giảm cân thích hợp. Cụ thể là không chỉ giảm ăn các chất béo, mà cần giảm ăn các loại thực phẩm có nhiều chất bột đường, nước ngọt vì chất bột đường nếu dư thừa cũng sẽ chuyển hoá thành mỡ dự trữ ở bụng và trong nội tạng như gan, tim…

Đái tháo đường

Gan nhiễm mỡ ít phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường type I, nhưng rất thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường type II do có sự rối loạn về chuyển hoá chất béo. Ước tính 50% bệnh nhân tiểu đường type II bị gan nhiễm mỡ.

Nếu bệnh nhân tiểu đường mà béo phì thì mức độ bị gan nhiễm mỡ càng cao và dễ có nguy cơ dẫn đến xơ gan. Vì vậy điều trị tốt bệnh tiểu đường, ổn định đường huyết, thực hiện tốt chương trình giảm cân hợp lý là điều quan trọng hàng đầu để cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ ở người bệnh tiểu đường.

Rối loạn chuyển hóa Lipid

Tăng mỡ máu hay tăng lipid máu (bao gồm tăng triglyceride máu, tăng cholesterol máu hoặc cả hai) cũng thường kèm theo gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tương đối cao.

Điều trị chứng tăng mỡ máu, rối loạn lipid máu bằng chế độ ăn hạn chế chất béo, bớt ăn thịt, tăng cường ăn cá (hoặc uống thêm dầu cá omega 3), ăn nhiều rau xanh, đậu hạt, trái cây, ăn ít ngọt, hạn chế rượu bia (không uống quá 2 lon mỗi ngày đối với nam và một lon đối với nữ) vì trong bia tuy không có chất béo nhưng chúng có nhiều năng lượng rỗng và phần năng lượng dư thừa này sẽ chuyển hóa thành mỡ đọng lại ở bụng được gọi là mỡ bụng.

Việc thực hiện tốt chế độ ăn hợp lý mà chưa cần dùng đến thuốc để giảm mỡ máu cũng góp phần cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ.

Nghiện rượu

Gan nhiễm mỡ thường gặp ở người nghiện rượu. Việc tăng tổng hợp và giảm phân giải chất béo trong gan là kết quả của nghiện rượu mãn tính làm mỡ bị ứ lại trong gan.

Gan nhiễm mỡ ở người nghiện rượu thường có thể phục hồi nhưng nếu tiếp tục uống rượu sẽ dẫn tới viêm gan do rượu và xơ gan. Bên cạnh đó việc thường xuyên dùng các loại thuốc như acemol, panadol… để giảm nhức đầu sau khi uống rượu cũng làm cho gan tổn hại nhanh. Như vậy không có thần dược nào để chữa gan nhiễm mỡ hay để phòng xơ gan do rượu tốt bằng con đường cai nghiện rượu trước khi quá trễ.

Dinh dưỡng kém

Ngoài những nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ kể trên, chế độ dinh dưỡng kém cũng là nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ. Ở những người gầy gò, ốm yếu, suy dinh dưỡng hay ăn uống thiếu chất đồng nghĩa với cơ thể thiếu một số chất cần thiết để thanh lọc bớt mỡ. Đồng thời lượng đường trong máu cũng thấp không đủ để tạo năng lượng. Khi đó, cơ thể sẽ tự điều chỉnh khả năng tăng hấp thu mỡ để phân giải thành năng lượng, nếu lười vận động thì mỡ sẽ tích tụ mà không được phân giải, axit béo đi vào máu nhiều, vượt quá mức cho phép sẽ gây ra gan nhiễm mỡ.

Về mặt cơ chế, gan nhiễm mỡ là do tế bào Kupffer bị gián đoạn quá trình oxy hóa acid béo, làm tăng tích lũy và giảm ly giải chất béo, dẫn đến ứ đọng nhiều chất béo và glycogen ở gan, gây mỡ hóa tế bào gan, khiến cho gan ngày càng suy yếu, làm tăng biến chứng viêm gan, xơ gan. Tế bào Kupffer được biết đến như  là một loại đại thực bào nằm trong xoang gan – nơi dẫn máu ra, vào gan, là tế bào đầu tiên ở gan tiếp xúc với các vi khuẩn, độc tố, tạo phản ứng miễn dịch.

Nguồn: BV Nhân dân 115